Aa

Sự kết thúc của kỷ nguyên xe hơi trong thiết kế đô thị

Thứ Hai, 27/08/2018 - 06:01

Việc càng ngày càng có ít người sở hữu và sử dụng xe hơi tại các đô thị lớn ở các nước phát triển không còn là xu hướng mới. Theo một bản báo cáo năm 2013 của tổ chức phi lợi nhuận U.S. Pirg thì kể từ năm 2004 đến năm 2012, tổng quãng đường mà trung bình mỗi người Mỹ di chuyển bằng xe hơi đã giảm từ 16.094 km/người/năm xuống còn 14.485 km/người/năm. Xe hơi và bằng lái xe đang trở nên ngày càng ít hấp dẫn đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Vậy, các nhà quy hoạch đô thị trên thế giới đã, đang, và sẽ làm gì để khiến cho những thành phố đón đầu và "thích ứng" được xu hướng này?

Nhiều khả năng trong tương lai, thay vì xe hơi thì hầu hết mọi người sẽ đi bộ

Nhiều khả năng trong tương lai, thay vì xe hơi thì hầu hết mọi người sẽ đi bộ

Trước hết, phải xem xét hàng loạt các vấn đề gây ra sự sụt giảm trong việc sở hữu và sử dụng xe hơi. Theo kết quả chương trình khảo sát của Viện Nghiên cứu Giao thông, Đại học Michigan (Mỹ) thì người trẻ có thể dễ dàng ngồi một chỗ sử dụng Internet để thỏa mãn các nhu cầu về giao tiếp, mua sắm,... của họ mà không cần di chuyển bằng xe hơi. Tình trạng già hóa dân số ở các nước phát triển cũng là một lý do khác, do số người nghỉ hưu, không cần tham gia giao thông nhiều như trước đang tăng rất nhanh.

Mặt khác, xã hội nay đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường, trong khi đó hệ thống giao thông công cộng lại đang được chính phủ nhiều nước mạnh tay đầu tư nâng cấp. Chính vì thế mà có rất nhiều bạn trẻ thay vì sử dụng xe hơi lại tìm đến xe đạp, xe buýt, tàu điện,... để di chuyển. Đây cũng là cách để các cá nhân và gia đình tránh được khoản chi phí cho việc mua xe, bảo dưỡng xe, mua xăng, đóng bảo hiểm (ở New York, một cá nhân có thể tiết kiệm đến $500/tháng nếu sử dụng dịch vụ xe điện thay vì đi xe hơi).

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến đầu thế kỷ 21, các nhà quy hoạch đô thị phương Tây đã phải đau đầu với việc làm sao thiết kế hệ thống đường xá đáp ứng được lượng xe hơi mới tham gia giao thông tăng lên theo cấp số cộng mỗi năm. Việc nhu cầu mua và sử dụng xe hơi đột nhiên giảm có thể nói là một điều may mắn đối với họ. Nhiều thành phố đã tận dụng cơ hội này để giảm số dự án xây dựng đường cao tốc, nhờ đó mà tiết kiệm được khoản đầu tư lớn. Thay vào đó, các dự án xây đường mới sẽ đi theo hướng tăng độ an toàn và tiện nghi cho người đi bộ và lái xe đạp.

Thu đô Helsinky của Phần Lan có cả một vành đai đường dành riêng cho xe đạp

Thu đô Helsinky của Phần Lan có cả một vành đai đường dành riêng cho xe đạp

Thành phố Lyon ở Pháp hiện là nơi đang được thí điểm dự án mạng lưới chia sẻ xe máy và xe đạp Vélo dựa trên mô hình của Uber. Theo ông Gilles Vesco, thành viên của hội đồng thành phố và người ủng hộ dự án Vélo: "Công nghệ thông tin đã thay đổi hoàn toàn cách mọi người đi lại... Dựa vào Vélo và các cải tiến công nghệ khác, người dân Lyon trong tương lai sẽ không còn phải coi xe hơi như phương tiện giao thông chính. Đổi lại, thành phố sẽ trở nên đẹp hơn, sạch hơn, giàu có hơn". Trong thập niên vừa qua, số người sở hữu xe hơi ở Lyon đã giảm 10%, và mục tiêu của Vélo là giảm chỉ số đó xuống thêm 20% đến năm 2028.

Như đã nói ở trên, nay chính quyền ở nhiều nước đã bắt đầu chú ý hơn đến việc cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Lấy ví dụ như thị trấn Charlotte ở New York, Mỹ. Để đảm bảo quá trình phát triển trở thành một trung tâm tài chính của mình, chính quyền thị trấn đã dày công xây dựng một bản đồ quy hoạch sao cho khuyến khích được các dự án xây dựng mới sẽ được đặt bên cạnh tuyến đường di chuyển của tàu điện và xe buýt. Nhờ chính sách quy hoạch này mà tuy dân số ở Charlotte tăng liên tục trong nhiều năm, vẫn không có hiện tượng tắc nghẽn do xe hơi.

Tuy vậy, chi phí đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng đang ngăn cản nhiều thành phố làm như trên, đơn cử như Birmingham (Anh Quốc). Do từng là "cái nôi" của ngành công nghiệp ô tô toàn nước Anh, trong nhiều thập kỷ qua thành phố đã bỏ quên việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng. Để chính quyền thành phố thực hiện được kế hoạch cải tạo và mở rộng hệ thống đường ray tàu điện (bao gồm cả việc nắn lại những con đường hiện có), họ cần đến 4 tỷ Bảng Anh; tuy vậy, hiện nay họ mới kêu gọi được có 1,2 tỷ Bảng Anh.

Luật pháp, thuế, hay thậm chí cả văn hóa cũng có vai trò trong quá trình này. Bộ luật giao thông ở Anh vốn đã nổi tiếng là rất nghiêm khắc, nay người lái các loại xe cũ ở một số thành phố trong đó có thủ đô Luân Đôn lại còn phải đối mặt với khoản thuế hằng năm đánh riêng lên họ. Ngoài mục đích giúp loại bỏ những chiếc xe hơi gây ô nhiễm nhiều nhất, một phần số tiền trích từ khoản thuế này sẽ được chính quyền thành phố sử dụng trong việc tuyên truyền khuyến khích người dân tránh sử dụng xe hơi.

Mumbai trong giờ cao điểm

Mumbai trong giờ cao điểm

Hay ở Mumbai, Ấn Độ, một trong những thành phố có tình trạng kẹt xe nhất thế giới, mới chỉ cách đây vài năm thôi phong trào "Equal Streets" đã kêu gọi thành công chính quyền cho cấm xe hơi đi vào một số đoạn đường nhất định. Những đoạn đường này trong một ngày sẽ trở thành các tuyến phố đi bộ, tạo địa điểm cho người dân thư giãn và thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật hay hội chợ.

Trong tương lai, không những trở nên cao hơn các thành phố sẽ còn ngày càng trở nên chật chội hơn. Trong khi mật độ dân số tăng nhanh kéo theo tỷ lệ sử dụng đất cho việc sinh hoạt lên theo, có lẽ việc khuyến khích người dân giảm sử dụng xe hơi là cách tốt nhất đảm bảo chất lượng sống của họ. Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình dễ dàng hay ngắn gọn, và đã đến lúc chính quyền các thành phố xây dựng riêng cho mình một kế hoạch để biến một tương lai gần như không còn xe hơi trở thành hiện thực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top