Sứ mệnh quan trọng của kiến trúc đối với vị thế đất nước

Sứ mệnh quan trọng của kiến trúc đối với vị thế đất nước

Thứ Tư, 19/06/2024 - 06:01

Kiến trúc chính là một minh chứng rõ ràng nhất về thời đại - xã hội. Công trình kiến trúc tiêu biểu phản ánh khá rõ tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa - môi trường ở mỗi quốc gia.

* * * * *

Với Việt Nam, một đất nước giàu bản sắc văn hóa truyền thống, nơi một Đảng ngay từ khi còn chưa giành được độc lập cho dân tộc đã cho ra đời một luận cương riêng về văn hóa với  những nguyên tắc phát triển mang tính thời đại; nơi mà văn hóa ngay từ đầu đã được người đứng đầu quốc gia khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và đường lối lãnh đạo đã chỉ lối: “Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển xã hội”, “Văn hóa phải đặt ngang tầm chính trị, kinh tế”…, thì kiến trúc - một lĩnh vực quan trọng của văn hóa, do nhu cầu phát triển đòi hỏi, đã luôn đóng vai trò cần thiết và quan trọng, đã, đang và cần tiếp tục được đặt ở vị trí xứng tầm. Ở một khía cạnh khác, kiến trúc còn là một ngành khoa học kỹ thuật không thể thiếu trong nền tảng hạ tầng phát triển của mọi xã hội. Bài viết này nhấn mạnh đến vai trò vật thể của kiến trúc đối với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Những thành phố cũ và mới, để đóng góp được hiệu quả trong công cuộc phát triển từng giai đoạn của đất nước, việc đầu tiên đều là phải lập quy hoạch kiến trúc và thiết kế xây dựng - chính là tạo ra “vật thể kiến trúc”.

Thành tựu cụ thể mà kiến trúc về mặt quy hoạch, đã mang lại cho thời kỳ mới từ sau khi đất nước Việt Nam giành được độc lập, có thể kể đến là: Hơn 800 đô thị các loại trong toàn quốc đã được quy hoạch xây dựng bài bản, giảm được nguy cơ lãng phí đất đai, tài nguyên....
TS.KTS. Phan Đăng Sơn

Sự dẫn dắt của quy hoạch kiến trúc

Trong bức thư gửi Đại hội thành lập tổ chức kiến trúc đầu tiên, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu: “Kiến trúc là một việc rất quan hệ”, “Tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công… đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình hợp với tương lai, thể hiện thích hợp với tinh thần đời sống mới”. Từ đó, những không gian hội nghị, sắp xếp chỗ ở, hoạt động đoàn thể... đã được tạo ra ở chiến khu, góp phần cho thành công của những sự kiện được tổ chức ở đó một cách hữu hiệu trong giai đoạn này.

Các công trình kiến trúc ở Thủ đô Hà Nội hay ở mọi vùng miền đất nước thời kỳ đầu độc lập, tiến hành xây dựng và phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, dù được xây dựng từ thời Pháp, hay do ta thiết kế sau này, đều đóng vai trò trở thành các không gian phục vụ mọi hoạt động điều hành, lao động sản xuất, nghỉ ngơi giải trí cho các tầng lớp, bao gồm cả lãnh đạo và người dân. Với những nhu cầu mới phục vụ cho yêu cầu phát triển, thì các vật thể kiến trúc là một trong những cơ sở đầu tiên phải tạo dựng, ở mọi thời điểm, mọi thời kỳ.

Từ thời kỳ những năm 50 của thế kỷ XX, quy hoạch những thành phố lớn, nhất là Hà Nội, Hải Phòng… được đặt ra và thực hiện xuyên suốt quá trình, kể cả trong thời đạn bom khói lửa. Chính việc làm bài bản đó đã góp phần vững chắc cho sự chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, tiến tới thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hội nhập đại đồng. Việc quy hoạch xây dựng từ đô thị đến nông thôn được tiến hành ở nước ta trong suốt thời gian đó, cùng những nhiệm vụ tiếp tục liên hoàn, bài bản cho đến nay và mai sau, càng cho thấy công việc hiện hữu bắt buộc đầu tiên sau khi đề ra đường lối, chính là bắt tay vào quy hoạch làm nền tảng xây dựng.

Hiện nay, khi hệ thống quy hoạch quốc gia được triển khai, thì thực chất nền tảng quan trọng (thể hiện được bằng định lượng thành công hay thất bại rõ rệt nhất, làm trụ cột cho các nhánh quy hoạch chuyên ngành khác tích hợp phát triển) là quy hoạch về kiến trúc xây dựng. Địa phương nào làm tốt điều này, cộng với việc tích hợp (kết hợp, lồng ghép và tương tác) đầy đủ, thì quy hoạch ở đó có cơ hội tạo thành sản phẩm chất lượng, vững chắc và bền vững.

Một số thành tựu cụ thể mà kiến trúc về mặt quy hoạch, đã mang lại cho thời kỳ mới từ sau khi đất nước Việt Nam giành được độc lập, có thể kể đến là: Hơn 800 đô thị các loại trong toàn quốc đã được quy hoạch xây dựng bài bản, giảm được nguy cơ lãng phí đất đai, tài nguyên. Đồng thời tạo lập được một “trật tự, khối lượng” cho các đô thị hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng tốt các nhu cầu dân sinh. Theo đó, các nguy cơ đe dọa sức khỏe, đe dọa tương lai cũng dần được kiểm soát, khai thác các nguồn lực ngày càng hiệu quả, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên toàn cầu.

Những quy hoạch bài bản ở mỗi thành phố, và việc xây dựng hệ thống hạ tầng theo quy hoạch ở đó, đã tạo nên sức hút cao cho những chương trình đầu tư chiến lược quốc gia, và thu hút đầu tư quốc tế…

Sứ mệnh quan trọng của kiến trúc đối với vị thế đất nước- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Một góc thành phố Tây Ninh (Huỳnh Thanh Liêm).

Cùng với quy hoạch, vai trò vô cùng quan trọng về mặt vật thể, là các công trình kiến trúc được thiết kế xây dựng trên đó. Hầu hết hoạt động của con người hàng ngày đều diễn ra trong các không gian kiến trúc, từ không gian sản xuất, không gian cư trú, không gian giải trí, không gian chăm sóc và phục hồi sức khỏe...

Các “vật thể kiến trúc” được tạo ra là để phục vụ nhu cầu và đáp ứng tốt các nội dung này. Tất nhiên, trong mọi trường hợp, môi trường văn hóa - kinh tế - xã hội cũng đóng vai trò chính, là cái nền cho vật thể kiến trúc tạo lập, vận hành, phát huy hiệu quả. Do đó có thể nói một cách biện chứng, kiến trúc vừa góp phần phát triển, vừa là một bộ phận hợp thành không thể thiếu của môi trường tổng thể văn hóa - kinh tế - xã hội. Với tinh thần như vậy, kiến trúc thực sự mang sứ mệnh quan trọng, gắn kết, tạo điều kiện và tương tác với mọi hoạt động của con người trong xã hội.

Ngày nay, đội ngũ kiến trúc sư vẫn đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh trên con đường đồng hành cùng dân tộc, đất nước đi đến nhiều thành công hơn nữa trong phát triển, hội nhập bền vững...
TS.KTS. Phan Đăng Sơn

Sức mạnh của các “vật thể kiến trúc”

Nhờ sự vận hành và phát triển của kiến trúc, ngày nay trên khắp đất nước, từ thành thị đến nông thôn, tình hình nhà ở về mọi mặt, so với nửa thế kỷ trước đây đã được cải thiện và tiến bộ cơ bản. Các khu ở tổ hợp thấp và cao tầng có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người về nghỉ ngơi, giải trí, bảo vệ và phục hồi, tăng cường sức khỏe; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về bảo vệ con người trước những tác động tiêu cực của thiên nhiên. Đặc biệt, kiến trúc nhà ở ngày càng đạt chất lượng cao, đã tạo ra một đời sống tinh thần, văn hóa thăng hoa… Nhà ở là dạng vật thể đặc biệt, nên ngoài đóng góp cho phát triển tiến bộ chung của xã hội, còn thể hiện tính ưu việt, củng cố vững chắc niềm tin vào chế độ luôn lo cho dân và vì dân.

Bên cạnh đó, “vật thể kiến trúc” phục vụ lao động sản xuất với hệ thống công xưởng kiến trúc nhân tạo thỏa mãn mọi yêu cầu của thiết bị, dây chuyền và con người vận hành, đã giúp Việt Nam có những tăng trưởng kinh tế thần kỳ, sánh vai khu vực và thế giới. Với nhu cầu phát triển công nghiệp quy mô, kiến trúc đã kịp thời nghiên cứu mô hình khu công nghiệp tập trung, tạo được những bước tiến đột phá, hiệu quả trong phát triển nền công nghiệp, góp phần tăng trưởng bền vững với năng suất cao…

Sứ mệnh quan trọng của kiến trúc đối với vị thế đất nước- Ảnh 2.

Đồng thời, “vật thể kiến trúc” phục vụ đời sống tinh thần, nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, chăm sóc sức khỏe... là nền tảng để cụ thể hóa sự ưu việt của chế độ xã hội. Nhất là khi yêu cầu văn hóa trở thành vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Những công trình văn hóa, những khu vui chơi giải trí... được tạo ra ngày càng hấp dẫn, tiện nghi và cuốn hút ở khắp mọi miền đất nước, chính là những căn cốt phục hồi sức khỏe cho mỗi thành viên xã hội, gắn kết đoàn tụ cộng đồng để xây dựng chế độ ngày càng tốt đẹp, bền vững. Đó cũng là nơi cuốn hút du lịch, dịch vụ trong nước và quốc tế, góp phần tạo ra hiệu quả đích thực về kinh tế trong sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa đất nước. Chỉ riêng khu Bà Nà từ khi được xây dựng cơ bản, đã làm tăng lượng khách đến Đà Nẵng gấp 3 là một ví dụ.

Sứ mệnh quan trọng của kiến trúc đối với vị thế đất nước- Ảnh 3.

Cầu Vàng - TP. Đà Nẵng (Ảnh: Bùi Văn Doanh).

Mặt khác, nói đến chăm sóc sức khỏe tốt, tất nhiên điều kiện đủ là phải có các nhà chuyên môn đủ trình độ, cùng hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến, nhưng điều kiện cần là “vật thể kiến trúc” để triển khai hệ thống và tạo tiện nghi. Hệ thống kiến trúc bệnh viện Việt Nam từ chỗ nghèo nàn lạc hậu, rất thiếu tiện nghi hồi giữa thế kỷ trước, đến nay đã trở thành hệ thống công trình khám chữa bệnh phủ rộng, toàn diện, có thể sánh ngang các cường quốc trên thế giới.

Hơn nữa, có thể đề cập tới một hiện tượng cụ thể về vai trò của “vật thể kiến trúc” ở nước ta gần đây, đó là hệ thống trường học và nhà cộng đồng khi được thiết kế xây dựng đúng thời điểm, đúng mong muốn. Với hệ thống trường học, những năm đầu độc lập, ở nước ta chủ yếu sử dụng các công trình sẵn có, nhất là các đình chùa để bố trí trường học các cấp, nên chất lượng đào tạo có rất nhiều ảnh hưởng, nhất là về chuẩn quốc tế. Sau đó những năm nửa cuối thế kỷ XX, Chính phủ đã cho xây dựng hàng loạt trường học với dạng kiến trúc tự do. “Vật thể kiến trúc” trường học dạng này cơ bản đã đáp ứng được về số lượng cần có của một giai đoạn thời cơ chế bao cấp. Ở đó, chất lượng cũng đã từng bước được nâng cao.

Sứ mệnh quan trọng của kiến trúc đối với vị thế đất nước- Ảnh 4.

Đại học FPT TP.HCM.

Từ ngày đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, kiến trúc trường học đã có bước tiến đột phá đặc biệt: Các dạng trường chuẩn quốc tế về công năng, hình thái kiến trúc khai thác tốt yếu tố bản địa và hiện đại, tất cả đã tạo nên một sắc thái văn hóa mới mẻ, đầy hiệu quả cho việc dạy và học, từ các trường công đến trường tư. Không những vậy, việc tạo được thể trạng trường học tiệm cận tiên tiến thế giới, đã góp phần nhất định cho việc lan tỏa và thu hút của nền giáo dục Việt Nam đối với quốc tế, thúc đẩy sự kết giao quốc tế có bước phát triển mới.

Với nhà cộng đồng, sự hiện diện của các nhà cộng đồng khắp vùng Tây Nguyên từ những năm sau 1975 rõ ràng đã góp phần đáng kể cho hình ảnh Việt Nam thống nhất “quan sơn muôn dặm một nhà”, tăng cường củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào chế độ mới, chung tay đoàn kết xây dựng đất nước, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Những ngôi nhà cộng đồng vùng miền núi phía Bắc khi được xây dựng, dù quy mô to hay nhỏ, thì cái được lớn nhất mà “vật thể kiến trúc” này mang lại, chính là sự ấm áp, nhân văn. Đó là những bông hoa kết nối cộng đồng làng bản đồng bào dân tộc thiểu số dưới ánh sáng của Đảng lãnh đạo, sự tốt đẹp hiện hữu của chế độ, và còn là thực thể nâng giá trị văn hóa của chính vùng thôn bản, trong sự phát triển đồng hành với đất nước và thế giới.

Như vậy, có thể nhận định rằng, về mặt vật thể, kiến trúc đã tạo ra một trong những yếu tố quan trọng ở nền tảng cơ sở vật chất, để phục vụ và thỏa mãn nhu cầu đa dạng của con người và xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững. Vật thể kiến trúc ngày càng chất lượng, càng giàu tính văn hóa, càng tiến bộ, thì con người và đất nước càng thêm nhiều cơ hội phát triển rạng rỡ về tinh thần và vật chất.

Với nguyên tắc cơ bản Dân tộc - Đại chúng - Khoa học như nền tảng của Đảng đã vạch ra ngay từ ngày đầu ở Đề cương Văn hóa, với những điều thấm thía trong lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ ngày phôi thai nền kiến trúc cách mạng, sứ mệnh và vai trò của kiến trúc và kiến trúc sư đã được xác định. Ngày nay, đội ngũ kiến trúc sư vẫn đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh đó trên con đường đồng hành cùng dân tộc, đất nước đi đến nhiều thành công hơn nữa trong phát triển, hội nhập bền vững - dù biết rằng mọi con đường tới vinh quang không phải bao giờ cũng trải đầy hoa hồng./.

Sứ mệnh quan trọng của kiến trúc đối với vị thế đất nước- Ảnh 5.

Khách sạn Pullman Vung Tau.

Sứ mệnh quan trọng của kiến trúc đối với vị thế đất nước- Ảnh 6.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng - TP.HCM (Ảnh: Vinaland)

Chính sách phát triển kiến trúc ở nước ta đã có nhiều chú trọng, được ban hành kịp thời theo yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số bất cập. Có thể thấy một trong những minh chứng cụ thể là ở sự mất cân đối cung - cầu và mất cân đối giữa các phân khúc nhà ở trong lĩnh vực bất động sản hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, hầu như rất ít thành phố ở Việt Nam đạt được tốc độ, quy mô, khối lượng nhà ở như kế hoạch đề ra trong quy hoạch. Trong khi đó, hầu hết dân số tại những thành phố lớn đến nay lại vượt xa dự báo khi duyệt quy hoạch, làm cho việc kiểm soát tăng trưởng trở nên khó khăn, đồng thời cũng tạo ra nhiều nguy cơ, hệ lụy.

Độ kịp thời của đường lối, chính sách và quy định pháp lý ở mỗi quốc gia về lĩnh vực kiến trúc góp phần rất cơ bản cho ngành kiến trúc, làm bệ đỡ cho sự phát triển bền vững. Khi hệ thống quy hoạch, từ tổng thể toàn quốc gia cho đến từng địa phương, được thực hiện đồng bộ, Nghị quyết 06-NQ/TW về xây dựng và phát triển đô thị bền vững được triển khai rộng khắp, thì vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top