Aa

Sự thật về mức chi phí phát sinh hơn 20% khi làm công trình xanh

Thứ Ba, 06/02/2018 - 06:20

Hiện nay, nhận thức của nhiều chủ đầu tư về chi phí phát sinh khi xây dựng công trình xanh còn chưa đúng đắn. Bài viết của TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Tôi không phải là một nhà kinh tế, lại càng không có khả năng phân tích tài chính cho các công trình, nhưng từ các nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong bài viết này tôi muốn đưa ra cái nhìn qua lăng kính của một KTS về quan niệm Công trình xanh thực sự có hiệu quả về chi phí đặc biệt là đối với các công trình xác định lộ trình xanh sớm ngay từ giai đoạn thiết kế.

Tôi cũng xin khẳng định với tất cả các chủ đầu tư rằng: Công trình xanh phù hợp cho tất cả các loại công trình. Như chúng ta nhận thấy, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam là những băn khoăn về mặt chi phí.

Hiện nay, nhận thức về chi phí gia tăng của công trình xanh lên đến 10%-29% so với đầu tư công trình thông thường khiến cho các chủ đầu tư cũng như các bên liên quan trên thị trường chưa “nhiệt tình” với xây dựng công trình xanh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước hết, cần phải nhắc lại về công trình được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí “Kiến trúc xanh” không chỉ tiết kiệm năng lượng, mà còn tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng vật liệu bền vững, giảm xả khí thải và ô nhiễm, cải thiện tiện nghi cho người sử dụng, đối phó hiểm họa khí hậu, hòa nhập cộng đồng.

Về tài chính, khi đã thiết kế công trình xanh, người sử dụng sẽ được lợi ích là tiết kiệm chi phí về lâu dài, cải thiện sức khỏe, nâng cao năng suất lao động, tạo lợi thế trong cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn của công trình cũng đồng nghĩa với việc tăng lượng người thuê, mua công trình hay tăng lượng người đến công trình, giúp nhân viên yêu mến nơi chốn làm việc, tạo điều kiện quản lý tốt và điều này cũng phù hợp với xu thế của thế giới.

Tuy cách tiếp cận với thị trường công trình xanh của Việt Nam còn rất non trẻ so với thế giới, nhưng Việt Nam cũng đã tham gia nhiều dự án, nhiều công trình để nhận các chứng chỉ LOTUS, GREEN MARK, LEED. Các nhà đầu tư cũng như các KTS của Việt Nam cũng đã có ý thức để xây dựng các công trình theo các tiêu chí công trình xanh.

Thông tin dưới đây của Bà Melissa Merryweather giám đốc Công ty tư vấn xanh Châu Á chỉ rõ: “Rào cản số 1 với công trình xanh trên toàn cầu là ngộ nhận về chi phí đầu tư ban đầu cao”.

+ Bắt đầu muộn: Trong quá trình thiết kế, KTS chưa tính đến thiết kế “công trình xanh”, như vậy trong tương lai sẽ phải có các giải pháp cải tạo, như vậy chi phí cho công trình xanh tất nhiên sẽ tăng cao so với nếu chúng ta đặt vấn đề công trình xanh” ngay từ giai đoạn đầu.

+ Người thiết kế thiếu kinh nghiệm: Hiện nay, còn thiếu các nhà thiết kế có kinh nghiệm trong lĩnh vực công trình xanh, dẫn đến chi phí công trình đội lên cao.

+ Tham vọng đạt chứng chỉ cao: nếu ngay từ đầu, chúng ta có tham vọng đạt chứng chỉ vàng thì việc đầu tư chắc chắn sẽ cao hơn, tất nhiên giá thành sẽ cao hơn. Và đấy cũng sẽ là trở ngại đối với sự thành công của dự án. Nhiều chuyên gia khuyên rằng chúng ta cần cân nhắc đạt chứng nhận hay nhận chứng chỉ bạc để giá thành có thể chấp nhận được, và như vậy dễ dẫn đến thành công. Tùy theo tình hình kinh tế có thể để lựa chọn loại chứng chỉ cho phù hợp.

+ Trở ngại lớn nhất ngăn bước thành công xây dựng công trình xanh là sự ngộ nhận về chi phí: Các chủ đầu tư thường tin rằng dự án xanh đắt hơn 20% so với công trình thông thường. Bên cạnh đó, họ thường nghĩ rằng: Công trình tiết kiệm năng lượng là bắt buộc phải bỏ ra nhiều chi phí cho thiết bị hiện đại. Điều đó là chưa chính xác. Để một ngôi nhà gọi là “xanh”, tiết kiệm năng lượng, chúng ta phải có tư duy thiết kế thụ động ngay từ khâu ý tưởng để tạo ra ngôi nhà sử dụng được tối đa năng lượng tự nhiên, sau đó mới áp dụng các biện pháp cơ điện hiện đại (máy móc thiết bị) để tăng hiệu quả vận hành.

+ Chuẩn thiết kế: Ở Việt Nam chưa có các quy định chặt chẽ trong việc thực thi quy chuẩn về thiết kế tiết kiệm năng lượng và hiện chưa có tiêu chuẩn, hướng dẫn cho thiết kế công trình xanh nên các chủ đầu tư cũng chưa có các thông số so sánh cụ thể về xanh hay không để lựa chọn giải pháp. Nhiều người còn ngộ nhận là sử dụng các tấm pin mặt trời để tiết kiệm năng lượng, thực tế đó chỉ là một trong muôn vàn giải pháp mà thôi (mà đúng là nếu chỉ sử dụng các tấm pin mặt trời để tiết kiệm năng lượng thì chi phí sẽ cao và hoàn vốn sẽ lâu).

+ Tư vấn: Thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn giải pháp cải tiến có giá trị, thiếu kỹ năng trong công tác nghiệm thu.

+ Nhà thầu: Hồ sơ không hoàn chỉnh, không kiểm soát được trong quá trình thực hiện.

 Những yếu tố chủ yếu tăng giá thành dự án tại Việt Nam.

Những yếu tố chủ yếu tăng giá thành dự án tại Việt Nam.

Làm thế nào để giảm chi phí ?

Để xây dựng công trình xanh với chi phí hợp lý, cần xây dựng một khái niệm các giải pháp cụ thể có thể rất đắt hoặc rất rẻ. Giải pháp chính là cần xác định lộ trình công trình xanh ngay từ giai đoạn đầu và lựa chọn một đội ngũ chuyên gia đa ngành nhiều giải pháp. Sau đó đưa ra được một giải pháp mà dự án có thể sử dụng được như giải pháp về quy hoạch, giải pháp mái xanh, hay sử dụng thủ pháp chắn nắng mặt đứng công trình, hay giải pháp dùng tấm pin mặt trời trên mái, trên mặt đứng để tạo năng lượng sử dụng cho tòa nhà hay là tất cả các giải pháp đó tích hợp lại.

Có một thực tế là càng lựa chọn tích hợp thì đầu tư càng lớn và mức độ công trình càng xanh, như thế có nghĩa là người ta sẽ lựa chọn cho mình giải pháp chi phí nào phù hợp nhất cho công trình của mình.

Khi xây dựng công trình xanh cần được tính tới ngay từ giai đoạn quy hoạch tổng mặt bằng. Theo kinh nghiệm của Singapore, các công trình xây dựng đã có ý tưởng công trình xanh ngay từ giai đoạn lập dự án theo chiến lược phát triển công trình xanh của cả đô thị. Điều đó có nghĩa là khi lập dự án xây dựng một công trình, các nhà thiết kế đã phải tính đến các phương án về cây xanh, vật liệu và các vấn đề liên quan của công trình, các cây xanh đang trồng tại khu đất xây dựng công trình sẽ được bố trí để giữ lại tối đa không phá bỏ.

Cây nào bắt buộc phải bỏ đi để đặt công trình thì họ sẽ lập kế hoạch di chuyển đến vị trí nào đang cần hoặc di chuyển đến khu ươm cây trồng của đô thị, đó là giải pháp thực sự đã giúp giảm chi phí trồng cây vì chúng ta biết rằng công trình xây dựng chỉ trong vòng vài ba năm, nhưng những cây xanh phải trồng hàng chục thậm chí hàng trăm năm. Điều này nếu được các nhà quy hoạch Việt Nam quan tâm thì hàng chục cây xà cừ hàng trăm năm tuổi trên đường Nguyễn Trãi đã không bị chặt đi cho việc xây dựng đường sắt trên cao đường Hà Đông – Cát Linh.

Tuy nhiên, điều này cũng đã được thực hiện tại một vài nơi ở Việt Nam. Khi xây dựng khu đô thị sinh thái Ecopark, nhà đầu tư đã mang cây cổ thụ từ các khu rừng phải phá bỏ để xây dựng công trình Thủy điện về trồng, như vậy vừa không phải phá đi những cây đã trồng từ hàng trăm năm, đồng thời khi trồng vào nơi mới họ đã tạo lập được nhanh chóng các khu cây xanh phục vụ vẻ đẹp cũng như nhu cầu sinh thái của đô thị phục vụ cho nhu cầu sống của con người, làm đẹp không gian sống cũng như tạo ra môi trường xanh cho dân cư đô thị.

Cũng như vậy, khi xây dựng Nhà Quốc hội tại quảng trường Ba Đình, người ta đã không chặt hàng cây xà cừ trồng từ hàng trăm năm tại đường Độc Lập mà họ đã di chuyển hàng cây này sang trồng tại Cung triển lãm Kiến trúc Quy hoạch xây dựng Quốc gia ở Mễ Trì. Hiện nay hàng cây này đã tạo hiệu quả về không gian xanh làm đẹp cho một trong những công trình nổi tiếng của Thủ đô trong khu vực này.

Bên cạnh giải pháp về cây xanh tái tạo, khi xây dựng công trình, người ta cũng tính đến sử dụng vật liệu tái tạo như các vật liệu khi phá dỡ sẽ được di chuyển đến nhà máy tái chế vật liệu xây dựng hay để san lấp mặt bằng nào đó, vậy là từ các chi phí tiết kiệm được giảm giá thành xây dựng công trình.

Thiết kế thụ động là rất quan trọng để làm giảm giá thành khi xây dựng. Chúng ta đều biết rõ bắt đầu ngay từ giai đoạn cơ sở cho phép các giải pháp thiết kế thụ động không tốn chi phí, từ đó giảm chi phí ở cả các khâu khác. Trong những điều kiện khó khăn, chúng ta hạ thấp yêu cầu thiết kế, giảm trang thiết bị, vật liệu… từ đó tác động đáng kể tới giá thành xây dựng. Trong quá trình thực hiện dự án, chi phí thành phần lớn nhất chính là chi phí tư vấn hoặc quản lý dự án, như vậy sự thiếu hiểu biết sẽ đảm bảo thất bại và thiệt hại về chi phí.

Để đạt được một công trình xây dựng xanh với chi phí hợp lý mà lại có hiệu quả cao cần phải có sự hợp tác hiệu quả tạo nên sự đồng thuận giữa khách hàng, KTS, kỹ sư kết cấu, kỹ sư cơ điện, kỹ sư định giá, tư vấn chuyên môn, nhà thầu, đội vận hành quản lý từ phác thảo sơ bộ, thiết kế ý tưởng, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, xây dựng và đưa vào sử dụng, nghiệm thu hoàn công… Như vậy, có nghĩa là chúng ta phải đưa ý tưởng công trình xanh ngay từ giai đoạn đầu để có những thiết kế tốt nhất mà chi phí không cao.

Báo cáo về giá thành cho dự án bền vững của Davis Langdon, từ năm 2004 đã chỉ rõ “Với mọi loại dự án, chúng ta đều có thể tìm thấy những dự án bền vững có mức chi phí rất đa dạng và trung bình những dự án này không có chi phí cao hơn mức của các dự án không có mục tiêu bền vững”.

Đơn vị chuyên trách công trình bền vững – Bang California đã nhận xét: “Chỉ với mức đầu tư ban đầu ít hơn 2% chi phí xây dựng có thể giúp tiết kiệm một khoản chi phí gấp 10 lần đầu tư ban đầu trong suốt vòng đời”. Những cải thiện môi trường sống bên trong công trình đã cho thấy những cải thiện lâu dài về điểm số, năng suất lao động và mức độ hài lòng của người sử dụng cũng như kéo dài thời hạn hợp đồng thuê và nâng mức cho thuê”

Một ví dụ: Khi tòa tháp Eximbank đang xây dựng tại TP. HCM và đề nghị cấp chứng chỉ vàng của LOTUS. Công trình xanh được tính đến ngay từ khâu tư vấn đến quá trình thi công và vận hành. Với công trình này, chủ đầu tư đã làm việc với một đơn vị tư vấn xanh chuyên nghiệp, các nhà tư vấn và chủ đầu tư đã rất hợp tác. Thiết kế tiền khả thi đã dựa trên một số giả định không hợp lý như không gian thông tầng và máng cây xanh giảm tiêu thụ năng lượng.

Tư vấn công trình xanh đã thuyết phục chủ đầu tư thay đổi hệ thống nước để thu nước mưa, sương và nước giải nhiệt có thể được tái chế, 50% nước sử dụng có thể được tái chế. Thiết kế thiết bị Chiller có công suất phù hợp hơn, hiệu suất hệ thống chiller đạt mức tiết kiệm 10%. Thay đổi kính tốt hơn. Thêm hệ thống kiểm soát CO2 cho 4 phòng họp. Tăng diện tích khu tập trung rác thải bên ngoài để có thể phân loại rác trước tái chế. Biển báo khu vực để xe + ổ cắm điện cho 15 ô để xe…

Sau khi thay đổi, công trình đã tiết kiệm năng lượng từ 4% lên đến 34%, Mức tiết kiệm chi phí vận hành dự kiến $26,700 hàng năm. Tiết kiệm chi phí hàng năm $6,800. Dự tính tiết kiệm 37% lượng nước sử dụng trong công trình và 100% ngoài công trình. Đến thời điểm hiện tại, chi phí chỉ tăng 3% và thời gian hoàn vốn 5-8 năm (với mức giá điện và nước hiện tại).

Việt Nam là đất nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế về kinh tế, đặc biệt với dân số trẻ rất năng động, cởi mở với những yếu tố mới, hiện đại như xây dựng công trình xanh. Mặc dù Việt Nam mới nghiên cứu về công trình xanh từ những năm đầu của thế kỷ XXI, nhưng chúng ta đã có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Đặc biệt Chính phủ Việt Nam cũng rất nỗ lực trong các chính sách để phát triển công trình xanh, như vậy thị trường xây dựng xanh sẽ rất phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới khi người dân nhận thức được những lợi ích của nó.

Trong khuôn khổ một bài báo, hy vọng các chủ đầu tư cũng như các KTS sẽ có cái nhìn khác với những ngộ nhận rằng xây dựng công trình xanh là rất tốn kém và ít hiệu quả và trong tương lai không xa nhiều công trình của Việt Nam sẽ đạt các chứng chỉ công trình Xanh của thế giới mà vẫn đảm bảo chi phí hợp lý, phù hợp với trình độ khoa học cũng như kinh tế của chúng ta.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top