Aa

Phát triển công trình xanh: Dễ và khó

Thứ Bảy, 03/02/2018 - 06:30

Đô thị sinh thái chính là mục tiêu phát triển lâu dài của thế giới. Việt Nam cần nhanh chóng lồng ghép, thống nhất các chương trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, quy hoạch đô thị, chiến lược phát triển… để đạt được các tiêu chí thành phố xanh, nâng tầm lên tới mức sinh thái nhằm hoàn thiện các yếu tố bền vững cho phát triển kinh tế, giữ gìn tài nguyên, môi trường cho các thế hệ tương lai.

Mặc dù đã có công cụ đánh giá nhưng thời điểm phát triển mạnh của công trình xanh còn chưa xuất hiện. Nguyên nhân nằm ở các rào cản về kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức. Một số nghiên cứu tính toán khí hậu với công trình cho thấy, nếu không có hệ thống công cụ riêng phù hợp với Việt Nam thì có thể sẽ xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí vào các thành tố đóng vai trò thứ yếu trong tiết kiệm năng lượng công trình. 

Phân biệt các khái niệm để định hướng phát triển

Hiện nay tại Việt Nam, các khái niệm kiến trúc xanh, công trình xanh, xây dựng xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc sinh thái… đang là những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi, tuy vậy vẫn tồn tại nhiều cách hiểu và quan điểm riêng. Trong thời điểm hiện tại, để phát triển đúng hướng, cần phân biệt rõ và xác định ý nghĩa đầy đủ với cả 3 khái niệm: Green Building - Eco - Sustainable (công trình xanh - sinh thái - bền vững).

Về bản chất, các cách gọi trên đều có xu hướng nhắm tới một điều gì đó mang tính hợp lý, tiết kiệm, tạo nên sự bền vững và lợi ích lâu dài. Vì vậy khái niệm bền vững có lẽ là cái gốc chung cho tất cả những khái niệm trên. Định nghĩa về phát triển bền vững được đưa ra vào năm 1987. Ủy ban Liên hiệp quốc về môi trường và phát triển thế giới định nghĩa “Phát triển bền vững” là quá trình thay đổi mà tại đó sự khai thác tài nguyên, phương hướng đầu tư, định hướng phát triển kỹ thuật và sự thay đổi thể chế đều hài hòa và làm nâng tầm cả hiện tại lẫn tiềm năng tương lai, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của con người.

Khái niệm thiết kế đô thị bền vững (sustainable urban design) là một phần của mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững nêu trên. Cũng từ đây, khái niệm phát triển bền vững bắt đầu phổ biến và phát sinh thêm các tên gọi khác, đặc biệt là các yếu tố nằm trong đô thị, như công viên, các tòa nhà, xe ô tô, thực phẩm… Tất nhiên trong đô thị, các công trình xây dựng chiếm một phần đặc biệt quan trọng. Cùng với thành phố, đây là thành phần được mang nhiều tên gọi mới nhất theo hướng phát triển bền vững.

Nguồn ảnh: (eco-business)

Trong đô thị xanh (sinh thái) không thể thiếu các công trình thân thiện môi trường, công trình sinh thái, công trình xanh theo một tỷ lệ nhất định. Nguồn ảnh: (eco-business)

Như vậy, về bản chất chung đều đề cập tới vấn đề bền vững, tất nhiên người không phải chuyên ngành có thể hiểu theo nghĩa bền chắc, khó bị phá hủy. Cũng như vậy, với kiến trúc xanh, có thể bị hiểu nhầm thành công trình hay đô thị có nhiều màu xanh, nhiều cây xanh, thậm chí là sơn màu xanh. Khái niệm sinh thái dường như là khó hiểu nhất và có lẽ hơi khác một chút so với các khái niệm bền vững hay xanh.

Công trình sinh thái (Eco Building) thường được nhắc tới khi xây dựng từ những vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên và ít trải qua các công đoạn thay đổi thành phần hóa học. Eco còn mang nghĩa thân thiện môi trường nên nó thường được gắn thêm các yếu tố sử dụng năng lượng có nguồn gốc tự nhiên. Đây là công trình hoàn toàn không gây hại gì tới môi trường một cách rất toàn diện, từ xây dựng tới vận hành. Về bản chất cũng không khác so với công trình xanh, thậm chí đây chính là cấp độ cao nhất của công trình xanh.

Đối với khái niệm đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị bền vững còn cần có thêm rất nhiều yếu tố mang tính xã hội, cộng đồng, đi kèm với mạng lưới xả thải, cung ứng tổng thể. Thậm chí theo tiêu chí mới của châu Âu, đô thị còn phải đảm bảo tính bền vững cho các khu vực cung cấp tài nguyên phụ cận và cần tìm cách giảm thiểu diện tích đáp ứng tài nguyên cho đô thị.

Tất nhiên trong đô thị xanh (sinh thái) không thể thiếu các công trình thân thiện môi trường, công trình sinh thái, công trình xanh theo một tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ này luôn được điều chỉnh tăng dần bằng các biện pháp từ bắt buộc tới khuyến khích thực hiện. Kết nối, xen kẽ với hệ thống công trình là một mạng lưới liên tục các yếu tố sống, từ thảm thực vật tới các loại vi sinh vật, động vật… Các yếu tố này tạo nên một quần thể có khả năng tự duy trì và phát triển, chúng cộng sinh với con người và tạo ra những tác động qua lại với cuộc sống con người.

Như vậy có thể nói mục tiêu đô thị xanh và cấp cao nhất của nó là đô thị sinh thái chính là mục tiêu phát triển lâu dài của thế giới. Việt Nam cần nhanh chóng lồng ghép, thống nhất các chương trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, quy hoạch đô thị, chiến lược phát triển… để trước mắt đạt được các tiêu chí thành phố xanh, dần dần nâng tầm xanh lên tới mức sinh thái nhằm hoàn thiện toàn diện các yếu tố bền vững cho phát triển kinh tế, giữ gìn tài nguyên, môi trường cho các thế hệ tương lai.

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Công trình Xanh ở Việt Nam

Hiện nay Việt Nam có bộ quy chuẩn tiết kiệm năng lượng 09:2005, là quy chuẩn hiện hành duy nhất về tiết kiệm năng lượng công trình. Tuy vậy việc thực thi quy chuẩn này còn rất hạn chế, thậm chí không được biết tới trong giới thiết kế, từ kiến trúc sư cho tới kỹ sư. Đây là điểm hết sức đáng tiếc. Điều này bắt nguồn từ sự phức tạp của quy chuẩn cũng như sự lỏng lẻo trong quản lý đầu tư xây dựng.

Sau những nỗ lực của Bộ Xây dựng và Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Xây dựng, trong năm 2013, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành quy chuẩn sửa đổi, dễ áp dụng hơn và có chế tài nhằm đưa quy chuẩn mới trở thành một phần không thể thiếu khi thiết kế các công trình. Đây là một bước đi hết sức quan trọng và cần thiết, thể hiện quyết tâm của Bộ Xây dựng trong nâng cao chất lượng các công trình xây dựng trong thời gian tới.

Ngoài quy chuẩn nhà nước ra, một nỗ lực vô cùng quý báu của hội đồng công trình xanh quốc tế dành cho Việt Nam là hệ thống đánh giá công trình xanh Lotus do VGBC phát triển.

Phía các chuyên gia của Việt Nam cũng có những nỗ lực nhất định như thành lập Hội kiến trúc xanh Việt Nam, Hội xây dựng xanh Việt Nam. Tuy nhiên những tên gọi này mới tồn tại trên giấy tờ, chưa có hoạt động đáng kể để có thể tạo tiếng vang trong xã hội. Một phần do nền tảng khoa học cơ bản về công trình và thiết bị kỹ thuật tại Việt Nam hiện nay đang tụt hậu khá xa so với thế giới. Sự hỗ trợ của các chính sách nhà nước còn thiếu và yếu cũng là nguyên nhân cản trở phát triển kiến trúc xanh.

Mặc dù đã có công cụ đánh giá công trình xanh nhưng thời điểm phát triển mạnh của những công trình này còn chưa xuất hiện. Nguyên nhân của vấn đề nằm ở các rào cản về kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức. Công trình xanh phát triển mạnh chủ yếu tại các nước phát triển, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển.

Việc phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam cũng không thể thiếu yếu tố này. Đáng tiếc là ngành khoa học nhiệt công trình tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, không bắt kịp với xu hướng của thế giới. Đây là điểm mà lãnh đạo các nước châu Âu hiểu rất rõ. Tại Hà Lan, thậm chí còn có khẩu hiệu: Khoa học công trình càng chính xác thì tính bền vững càng cao.

Mối liên hệ giữa 2 vấn đề này tại Việt Nam còn chưa được đánh giá đúng mức. Đó là lý do tại sao việc tăng cường hiểu biết, nhận thức về công trình xanh được thực hiện rất nhiều trong thời gian qua tại Việt Nam, nhưng công trình xanh thực sự lại xuất hiện rất ít. Khoa học nhiệt công trình của Việt Nam cũng đang tính toán bằng phương pháp cũ, chứa nhiều sai số đã không còn phù hợp với nhu cầu mới. Đây là vấn đề có tính gốc rễ và cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Khi các vấn đề bất cập nảy sinh, sự thua thiệt trong đầu tư, trong vận hành công trình xuất hiện bằng các số liệu năng lượng, tài chính cụ thể thì cũng là lúc cần phải nâng tầm của đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư thiết kế. Và cho dù có công cụ đánh giá nào đi chăng nữa thì công cụ quan trọng nhất để thực hiện kiến trúc xanh, thực hiện các thành phố xanh chính là đội ngũ kỹ sư và kiến trúc sư được đào tạo đầy đủ, được làm nghề một cách đúng nghĩa, được trả công xứng đáng.

Thực tế làm nghề hiện nay là kiến trúc sư phải đóng quá nhiều vai, từ thiết kế, tới quan hệ, quản lý, thợ vẽ, với mức thiết kế phí vào loại thấp của thế giới (khoảng 2% giá trị công trình so với 8 -10% tại các nước khác). Và như vậy, hiệu quả tất yếu của việc đánh giá chất xám quá thấp, quá khác biệt so với thế giới là vấn đề lãng phí năng lượng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường... Như vậy là nguồn tài nguyên quan trọng nhất là chất xám đã và đang không được đặt vào đúng vị trí của nó. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa thực hiện công trình xanh tại Việt Nam so với các nước trên thế giới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top