Aa

Sửa đổi Nghị định 65 là bước đột phá giúp hồi phục thị trường trái phiếu

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Chủ Nhật, 18/12/2022 - 06:09

Theo nhiều chuyên gia, nếu những đề xuất của Bộ Tài chính về bổ sung sửa đổi Nghị định 65 được thông qua thì sẽ mở ra điều kiện thuận lợi cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Những tín hiệu mừng cho “bà đỡ” của nền kinh tế

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong đó, có nhiều đề xuất quan trọng, được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Thứ nhất, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi điều 8 của Nghị định 65. Theo đó, thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ được lùi lại 1 năm, chuyển từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024. Nghị định 65 cũng quy định rõ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay.

Thứ hai, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, thực hiện từ ngày 1/1/2024 thay vì từ ngày 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65. Đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, doanh nghiệp phát hành vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm sau.

Trước đó, Nghị định 65 yêu cầu từ ngày 1/1/2023, hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, được áp dụng với những doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.

Thứ ba, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.  

Ngoài ra, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.

Sửa đổi Nghị định 65 giúp hồi phục thị trường trái phiếu. (Ảnh: Hoàng Giang)

Giới chuyên gia nhận định đây đều là những thay đổi rất kịp thời, phù hợp với diễn biến thực tế, hứa hẹn có tác động lớn lên sự phát triển của thị trường, qua đó giúp lấy lại lòng tin của nhà đầu tư.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định: “Trước đây, chúng ta đã kỳ vọng quá nhiều vào Nghị định 65 nên có những vấn đề về trái phiếu đã quy định có phần hơi chặt. Tuy nhiên, tôi đánh giá Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 được Bộ Tài chính đưa ra chính là bước đột phá giúp thị trường trái phiếu được cởi mở hơn”.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, việc đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư sẽ giúp những doanh nghiệp làm ăn chân chính được tiếp tục phát hành thay vì bị hạn chế. Điều này không chỉ mang lại những lợi ích cho riêng thị trường trái phiếu mà còn tác động tích cực đến lĩnh vực bất động sản và cả nền kinh tế nói chung.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội. (Ảnh: Reatimes)

Bên cạnh đó, đánh giá về đề xuất giãn thời gian thực hiện đối với quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm cũng được TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng sẽ mang lại lợi ích kép: “Đây là những quy định vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư không chuyên hiện nay tiếp tục đầu tư, vừa giúp nhà phát hành mới có khả năng phát hành mà không bị vi phạm quy định. Về mặt pháp lý, điều này rất quan trọng để hỗ trợ thị trường hồi phục trở lại trong thời gian ngắn tới”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp đánh giá: “Thị trường trái phiếu là một trong những “bà đỡ” của nền kinh tế, là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng. Do đó, việc nới lỏng cơ chế để doanh nghiệp “dễ thở” hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay là cần thiết để tiếp tục khôi phục lòng tin từ nhà đầu tư”.

Cơ chế cởi mở sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn mạnh

Bên cạnh những đánh giá tích cực vẫn còn có ý kiến lo ngại việc nới lỏng các quy định lại có thể dẫn tới rủi ro lớn hơn khi doanh nghiệp sẽ mang tâm lý chủ quan, dễ dãi.

Đơn cử như kiến nghị của Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Hiện nay trên thị trường, không ít doanh nghiệp địa ốc đang tích cực khuyến khích trái chủ đồng ý hoán đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản.

Một số doanh nghiệp địa ốc đang tích cực khuyến khích trái chủ đồng ý hoán đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản. (Ảnh: Hà Trang)

Chia sẻ với PV Reatimes, anh Trần Chiến (31 tuổi, nhà đầu tư trái phiếu, hiện sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn: “Nếu chấp nhận hoán đổi, tôi không biết nên định giá các sản phẩm bất động sản như thế nào? Chưa kể đến việc được hưởng giá chiết khấu ra sao? Vấn đề gì có thể phát sinh khi đảo nợ? Rồi còn xuất hiện tình trạng mua chung sản phẩm nếu không đủ tiền. Cho dù là phương án nào trái chủ cũng đều sợ sẽ bị bất lợi”.

Bàn luận riêng về giải pháp hoán đổi trái phiếu sang bất động sản này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng đây là “con dao 2 lưỡi”.

“Về mặt tích cực, giải pháp này sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể mua được nhà ở với giá rẻ hơn thị trường, đồng thời chứng minh bên phát hành trái phiếu có tài sản để đảm bảo, giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư. Tuy nhiên về lâu dài, một tiền lệ xấu sẽ có nguy cơ xảy ra, đó là một số doanh nghiệp sẽ có thể phát hành trái phiếu với tâm thế luôn bán được hàng, kể cả khi có gặp khó khăn thực sự hay không, chỉ bằng cách hạ giá rẻ bất động sản để thanh lý trái phiếu”, ông Thịnh phân tích.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính (Ảnh: Reatimes).

Tuy nhiên, đây chỉ là một “điểm mờ” nhỏ tồn tại cả 2 gam màu sáng - tối trong bức tranh chung của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65. Xét về mặt tổng quát, chuyên gia vẫn cho rằng tâm lý lo ngại nếu nới lỏng quy định sẽ dẫn tới rủi ro là điều chưa cần thiết ở thời điểm này.

“Thực ra bản chất thị trường của chúng ta rất tốt, 20 năm qua nhờ cơ chế cởi mở mới có bộ mặt đô thị với kết cấu hạ tầng hiện đại như hiện nay. Đồng thời, việc cởi mở trong cơ chế cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, khi nhà đầu tư mạnh dạn trong đầu tư, người làm ăn mạnh dạn trong làm ăn”, ông Nguyễn Thế Điệp đánh giá

Phân tích về tầm quan trọng của thị trường trái phiếu đối với nền kinh tế, ông Điệp nhìn nhận: “Cơ chế thị trường là “thuận mua vừa bán”, nhà đầu tư dám chấp nhận đầu tư và doanh nghiệp dám chấp nhận chia lãi rõ ràng. Thị trường trái phiếu là “sân khấu” nơi người có tiền góp vốn cho người tài làm ăn. Đây cũng chính là động lực phát triển của nền kinh tế, khi người góp vốn được chia lãi cao hơn so với gửi ngân hàng và người kinh doanh cũng có thời gian nhiều hơn để khiến dòng tiền sinh lời, đem lại lợi nhuận cao”.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Điệp, vẫn cần điều chỉnh sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn nhưng nên ưu tiên điều chỉnh theo hướng “phòng còn hơn chống”. Cụ thể, nếu nới lỏng quy định quá thì sẽ dẫn đến hậu quả một số doanh nghiệp có thể làm ăn chộp giật, không bài bản. Nhưng nếu thắt chặt quá thì lại dẫn đến khó khăn, khiến doanh nghiệp “ngộp thở”. 

“Vốn dĩ trong những năm qua, thị trường trái phiếu đã phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên hiện tại, chúng ta đang phải củng cố lại bởi đây là những sự cố chưa có tiền lệ. Đất nước đang trên đà phát triển nên nhiều khi cơ chế, chính sách không đuổi kịp với thực tiễn, đòi hỏi phải liên tục điều chỉnh để phù hợp”, ông Điệp nói.

Do đó, theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, các cơ chế điều chỉnh phải đồng bộ, nhịp nhàng, không khiến dòng chảy thị trường rơi vào cảnh gãy khúc hay ách tắc. Chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản khá dài, thường trong khoảng từ 3 - 7 năm, thậm chí 10 năm. Vì vậy, nếu không có nguồn vốn “dai” (nguồn vốn trung và dài hạn) thì các doanh nghiệp rất khó xoay sở. 

Chu kỳ của thị trường BĐS khá dài, nếu không có nguồn vốn “dai” thì doanh nghiệp rất khó xoay sở. (Ảnh: Hà Trang)

Điều các doanh nghiệp khó khăn đang rất cần lúc này là thời gian để hồi phục sức khỏe, và những đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 sẽ có thể mang lại điều đó.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá đây là khoảng thời gian “vàng” để giúp thị trường kịp hồi phục sức khỏe: “Một năm có thể coi là khoảng thời gian quý giá để nhà phát hành có thể chuẩn bị tài liệu, hồ sơ phát hành đạt quy chuẩn để phát hành ra công chúng. Doanh nghiệp cũng có thể tranh thủ một năm để đẩy nhanh xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán, giúp thông tin minh bạch, phù hợp với các quy định hiện hành.

Đó cũng là một năm quý giá để Bộ Tài chính, nhất là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thời gian để bổ sung nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu tiếp nhận hàng trăm, nghìn bộ hồ sơ sẽ được gửi lên vào khoảng năm 2024 chờ phát hành ra công chúng. Còn như hiện nay, nếu có hàng nghìn bộ hồ sơ đưa lên thì cũng không có ai xử lý nổi. Vậy nên có muốn đẩy nhanh phát hành ra công chúng cũng vô nghĩa”.

Điều các doanh nghiệp khó khăn đang rất cần lúc này là thời gian để hồi phục sức khỏe. (Ảnh: Hà Trang)

Theo ông Điệp, hiện nay thị trường không phát triển được nên mới bị ách tắc, doanh nghiệp không có tiền để đáo hạn. Nhưng khi triển khai được dự án, bán được hàng, vòng quay vốn sẽ được tiếp tục. Nhà đầu tư khôi phục lòng tin cũng sẽ tiếp tục đầu tư, nguồn lực tiếp tục được đổ vào.

“Nếu doanh nghiệp phát triển ổn định thì việc xoay sở để trả nợ hoặc tiếp tục đáo hạn trái phiếu là chuyện bình thường và hoàn toàn trong khả năng”, ông Nguyễn Thế Điệp nhấn mạnh.

Có thể thấy, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 chính là “một mũi tên trúng hai đích” ở thời điểm này, khi vừa giúp ổn định về tư tưởng, tâm lý doanh nghiệp trong thời gian cuối năm, vừa tác động vào thực tiễn khi giúp nới lỏng các cơ chế, quy định. Qua đó, các đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu hồi phục nhanh chóng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top