Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam khi mở cửa sau giãn cách chống dịch Covid-19

Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam khi mở cửa sau giãn cách chống dịch Covid-19

Thứ Hai, 29/11/2021 - 06:00

Trong những năm gần đây, dịch vụ du lịch đã trở thành một lĩnh vực quan trọng có đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Các dự án bất động sản du lịch đã gia tăng mạnh mẽ và phát triển đa dạng để đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng. Đại dịch Covid-19 với sự lây lan nhanh chóng và khốc liệt đã làm gián đoạn sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch. Thông qua việc dần mở cửa trở lại hoạt động du lịch với du khách trong nước đã tiêm đủ liều vaccine cũng như lịch trình mở cửa đón khách quốc tế, thị trường bất động sản du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi và có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt. 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DU LỊCH 

Là một quốc gia có bờ biển dài trên 3.260km, với nhiều bãi biển tuyệt đẹp, sự phong phú về địa hình rừng núi, sông ngòi, đầm phá, ao hồ và sự đa dạng về văn hóa, lịch sử giữa các vùng miền, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút du khách và phát triển du lịch. Từ nhiều năm nay, du lịch đã được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Từ đó, nhiều cơ chế, chính sách được triển khai từ cấp Trung ương đến các địa phương với mục đích thu hút đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thương hiệu, tạo ra sự phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới.

Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, ngành du lịch đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước được đầu tư ngày càng mạnh mẽ. Năm 2008 mới có 1.938 cơ sở với 80.785 buồng thì đến hết năm 2019 cả nước đã có 22.184 cơ sở lưu trú du lịch với 499.305 buồng. Như vậy, sau 12 năm của thời kỳ hội nhập sâu rộng mới của nền kinh tế, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của ngành du lịch Việt Nam đã tăng 11,5 lần về số cơ sở và tăng 6,2 lần về số buồng.

Du lịch Việt Nam

du lịch Việt Nam

Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút du khách và phát triển du lịch

Trong một thời gian dài, số thu từ khách du lịch luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Năm 2019 du lịch Việt Nam đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD). Trong khi năm 2008 tổng thu từ khách du lịch chỉ là 60.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào tổng GDP của đất nước ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3% GDP; năm 2016: 6,9% GDP; năm 2017: 7,9% GDP; năm 2018: 8,3% GDP và năm 2019 là 9,2% GDP.

Lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế đều tăng mạnh qua từng năm. Nếu như năm 1990 mới chỉ có 250 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì chỉ 5 năm sau (vào năm 1995) đã tăng hơn 4 lần, đạt trên 1,3 triệu lượt; đạt mốc 5 triệu lượt vào năm 2010 và năm 2019 đạt hơn 18.008,591 lượt, tăng 72 lần. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, trong đó giai đoạn 2015 - 2019 đạt 22,7% mỗi năm.

Cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với các tổ chức và các quốc gia trên thế giới. Kinh tế tăng trưởng, an ninh chính trị ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu và khả năng đi du lịch ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019.

Cùng với những phát triển mạnh mẽ về số cơ sở vật chất kỹ thuât, ngành du lịch cũng đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng dịch vụ. Việt Nam đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh bằng những giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới.

bất động sản du lịch

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH

Sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch đã tạo ra những tác động đột phá đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có bất động sản du lịch. Trên thị trường bất động sản đã xuất hiện nhu cầu đầu tư rất lớn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch.

Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cơ sở lưu trú du lịch đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, nếu chỉ tính các cơ sở lưu trú lớn, chủ yếu là khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2008, cả nước có 1.938 cơ sở lưu trú du lịch với trên 80.785 buồng. Năm 2019, con số đã đạt 22.184 cơ sở với 499.305 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân khoảng 15%/năm. Phần lớn các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô nhỏ, khoảng 20 buồng trên một cơ sở. Đối với các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2008 có 301 cơ sở với 32.936 buồng, đến năm 2019 đã có 930 cơ sở với 138.122 buồng, gấp hơn 3 lần về số cơ sở và gấp 4,2 lần về số buồng lưu trú. 

bất động sản du lịch
bất động sản du lịch

Sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch đã tạo ra những tác động đột phá đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có bất động sản du lịch.

Sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua và kỳ vọng, niềm tin vào phát triển du lịch đã thúc đẩy làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn. Trong thời gian qua, hoạt động đầu tư bất động sản du lịch gắn liền với sự phát triển của các trung tâm du lịch biển như Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc... Trong đó, số cơ sở và số buồng ở các trung tâm du lịch biển phía Bắc tăng cao và chiếm đến hơn 23% tổng số buông. Yếu tố cơ bản tạo nên sức hấp dẫn đầu tư phát triển bất động sản du lịch chủ yếu đến từ việc các bất động sản gắn liền với bãi biển đã được xác định tên tuổi khi du lịch tăng trưởng mạnh.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, đa dạng của lĩnh vực du lịch, hoạt động đầu tư phát triển bất động sản du lịch cũng ngày càng đa dạng với hoạt động đầu tư vào các vùng di sản văn hóa, di sản lịch sử, ao hồ, đầm phá… khi du lịch tại những địa điểm này tăng trưởng mạnh mẽ.

Sức hấp dẫn của bất động sản du lịch được hình thành bởi sự hấp dẫn của điểm đến du lịch. Đó là những địa danh gắn liền với các khu du lịch quốc gia, đó là di sản thiên nhiên, di sản văn hóa được UNESCO công nhận, là nơi giá trị sinh thái như biển, núi, hồ… với đặc điểm địa hình, khí hậu lý tưởng cho sự sống và thụ hưởng của con người. Ngoài các khu du lịch biển đảo, bất động sản tại các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lạng Sơn, Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), khoáng nóng Hòa Bình, Phú Thọ, các khu du lịch nghỉ dưỡng ven các đô thị lớn tại Hà Nội, TP.HCM cũng thu hút rất đông nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đều đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, hoạt động du lịch gần như ngưng đọng. Hoạt động đầu tư bất động sản du lịch gặp nhiều khó khăn.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2020, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ tiêu thụ được khoảng 120 sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỷ lệ hấp thụ khoảng 30 - 40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể. Một số khách sạn, khu du lịch gặp khó khăn sau 2 năm đại dịch đã phải rao bán, chuyển sở hữu. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, ngoài tác động của dịch bệnh, một số vướng mắc về pháp lý chưa thực sự được tháo gỡ khiến thị trường bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.

Với việc dần mở cửa trở lại hoạt động du lịch với khách du lịch trong nước đã tiêm đủ liều vaccine tại nhiều địa phương ngay từ đầu tháng 10/2021 cũng như lịch trình mở cửa lại thí điểm với du khách quốc tế tại một số khu du lịch từ đầu tháng 11/2021, thị trường bất động sản du lịch đã có những dấu hiệu phục hồi và đang có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt. 

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động du lịch và khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư bất động sản du lịch và là nguồn gốc gia tăng giá trị cho bất động sản tại các điểm du lịch. Chính vì vậy, việc mở cửa trở lại hoạt động của các điểm du lịch, các khu du lịch với khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế phù hợp với tình hình mới của dịch bệnh là điều kiện để ngành du lịch hồi phục và phát triển, cũng là điều kiện để thị trường bất động sản du lịch hồi phục.

Để thực hiện mở cửa hoạt động du lịch, cần có các quy định chặt chẽ, rõ ràng và cụ thể điều kiện để các điểm du lịch, các khu du lịch mở cửa dần phù hợp với mức độ tiêm phủ vaccine phòng chống dịch của từng địa phương và của cả nước để đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế an toàn. Cần chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư y tế để thực hiện tốt biện pháp 5K tại mọi cơ sở du lịch.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về mô hình, địa điểm, hình thức trải nghiệm của khách du lịch, cần quy hoạch một cách bài bản và ổn định các khu du lịch, phải kiến tạo các quần thể du lịch đáp ứng nhiều nhu cầu trải nghiệm, khám phá của khách du lịch, các khu phức hợp dịch vụ gắn với hội họp, hội chợ, sự kiện...

bất động sản du lịch

Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự phát triển hài hòa của bất động sản du lịch với cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ những giá trị văn hóa đặc sắc và môi trương sinh thái nguyên sơ. Các dự án bất động sản du lịch cần đa dạng hóa tại các vùng miền gắn với các di tích lịch sử, văn hóa bản địa và phát huy lợi thế địa phương để tạo nét đặc trưng riêng biệt, thể hiện tính mới, tính đa dạng trong các sản phẩm du lịch và phát huy các giá trị văn hóa.

Để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư vào bất động sản du lịch đòi hỏi phải ứng dụng những tiện ích thông minh, có giá thành cạnh tranh vào trong môi trường điểm đến thân thiện để phục vụ tốt nhất các nhu cầu của khách du lịch, có quy mô và năng lực phục vụ phù hợp để thu hút ngày càng nhiều du khách, đảm bảo công suất lấp đầy của các cơ sở du lịch và thu hút khách tiếp tục quay trở lại nhiều lần.

Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự phát triển của ngành vận tải và ứng dụng công nghệ trong kinh tế chia sẻ làm cho khách du lịch tiếp cận điểm đến thuận lợi hơn, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các điểm đến, khu du lịch để tăng thêm khả năng đáp ứng của các khu du lịch, các điểm du lịch thành mạng lưới du lịch thuận tiện, nâng cao hiệu quả của từng dự án đầu tư, đẩy mạnh sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch.

Với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang trở thành địa điểm thu hút và có nhiều điều kiện thu hút dòng khách du lịch ngày càng lớn hơn. Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam tiếp tục là một địa điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa quần thể khu du lịch, gắn bó và phát huy truyền thống văn hóa bản địa và đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện, an toàn, bảo vệ các tài nguyên du lịch sẽ tạo đà phát triển bền vững cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trong tương lai./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. GSO: Các số liệu thống kê.

2. Tổng cục Du lịch:  Báo cáo TSA 2013 - 2015, Số liệu thống kê.

3. Tốc độ tăng trưởng khách cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/printer/32527

4. Bất động sản du lịch tiếp tục lao đao, https://vneconomy.vn › Bất động sản

5. Để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là kênh đầu tư hấp dẫn, http://vtr.org.vn/de-thi-truong-bat-dong-san-du-lich-nghi-duong-la-kenh-dau-tu-hap-dan.html

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top