Mê lực tỏa từ rừng xuống biển
Được ví như một Việt Nam thu nhỏ với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái từ trung du, miền núi đến đồng bằng ven biển, Thanh Hóa còn có nguồn tài nguyên rừng, biển, đất đai, khoáng sản phong phú. Tất cả những điều kiện này là tiền đề cho sự phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và đặc biệt là du lịch, dịch vụ.
Riêng về cơ hội phát triển ngành dịch vụ du lịch và gắn liền đó là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, xứ Thanh có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như: Hàm Rồng, Vườn quốc gia Bến En, các Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương… Đặc biệt, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia...
Thanh Hóa còn có các bãi biển đẹp như Sầm Sơn, một trong những khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam được người Pháp phát hiện vào năm 1906, các khu du lịch sinh thái Quảng Cư, Nam Sầm Sơn, khu du lịch biển Hải Tiến, biển Hải Hòa đang được đầu tư, phát triển... Có thể nói, Thanh Hóa có lợi thế lớn trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh…
Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, Thanh Hóa còn được biết đến như là một vùng đất “địa linh nhân kiệt” với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được Thanh Hóa bảo tồn, phát triển, đáp ứng nhu cầu tham quan và du lịch tín ngưỡng.
Nhắc đến xứ Thanh, du khách gần xa thường nghĩ ngay đến địa danh Hàm Rồng - sông Mã. Núi Hàm Rồng là mỏm núi cuối cùng của dãy núi chạy dài bên hữu ngạn sông Mã từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa) đến chân cầu Hàm Rồng. Núi có dáng hình uyển chuyển như 9 thân rồng nhấp nhô uốn lượn, bao quanh những đồi thông ngút ngàn và thung lũng thơ mộng. Hiện nay, Hàm Rồng đang được quy hoạch xây dựng thành khu du lịch văn hóa với các công trình tiêu biểu như: làng cổ Đông Sơn, núi Cánh Tiên, núi Ngọc, động Tiên Sơn, hang Mắt Rồng, đền thờ Trần Khát Chân, đền thờ Lê Uy, chùa Tăng Phúc…
Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Thanh Hóa có điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch và kéo theo đó là cơ hội vươn lên của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại thị trường đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cả nước.
Những dự án nghìn tỷ
Sức hấp dẫn từ tiềm năng dồi dào của mảnh đất xứ Thanh khiến nhiều doanh nghiệp đã quyết định đầu tư hàng loạt dự án khu du lịch trọng điểm. Có thể kể đến Sun Group với biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En.
Tháng 4/2016, Sun Group đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đầu tư dự án này với đề xuất tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng.
Ngoài ra, không thể không kể đến Tập đoàn FLC với Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Luxury Sầm Sơn, nhân tố quyết định đến sự thay đổi diện mạo của thành phố Sầm Sơn và thay đổi toàn bộ xu hướng du lịch tại thành phố biển này. Dự án đã biến một vùng đất đầm lầy thành một đại dự án hoành tráng, đẳng cấp quốc tế với tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng.
Cũng từ đây, Thanh Hóa nói riêng, miền Bắc, Bắc miền Trung nói chung lần đầu tiên ghi tên mình vào danh sách những địa danh có khu nghỉ dưỡng đẳng cấp lớn và tầm cỡ nhất tại Việt Nam.