Mặc dù ngược nhau trong tuần qua, dòng vốn vào DM - thị trường phát triển (Mỹ, Tây Âu, Nhật ...) và EM - thị trường mới nổi (China, India ....) nhìn chung trong năm 2017 vẫn cùng xu hướng tăng. Tính từ đầu năm, tổng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu của DM là 97,5 tỷ USD, còn của EM là 20,3 tỷ USD. Trong từng giai đoạn ngắn của năm 2017, dòng vốn vào DM và EM này có lúc lệch pha nhau nhưng chưa lúc nào đi ngược nhau như đã xảy ra vào cuối năm 2016.
Sức hút của nhóm thị trường mới nổi đang gia tăng
Biến động khó lường của luồng vốn trên toàn cầu trong những tuần qua đang làm đậm thêm cho xu hướng dòng vốn đổ vào các quỹ Global Emerging Markets (GEM). Dòng tiền vào nhóm quỹ này tuần qua tăng lên 2,4 tỷ USD, cao nhất 6 tuần trong khi dòng vốn tại nhóm thị trường phát triển bị giảm mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Bắt đầu từ giữa tháng 3/2017, dòng vốn trở lại EM đều đặn hơn với nhóm nhận vốn chính là GEM. Các quỹ đầu tư khu vực, đặc biệt là quỹ đầu tư quốc gia không có được may mắn này như GEM. GEM nổi lên từ đầu năm 2016 khi thị trường đẩy xa dần khả năng FED nâng lãi suất và giới đầu tư tận dụng cơ hội ngắn giữa 2 lần nâng lãi suất để gia tăng lợi nhuận.
Sang năm 2017, tần suất nâng lãi suất của FED được dự báo sẽ dầy lên rất nhiều tuy nhiên dòng vốn vẫn tìm đến GEM. Câu chuyện đầu tư vào GEM hay EM nói chung đã sang một trang mới mà rất có thể mức định giá cao ở DM đã khiến giới đầu tư để ý hơn đến định giá và tiềm năng tăng trưởng của EM với giả định kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục nhờ sự dẫn dắt của kinh tế Mỹ.
Trong cuộc khảo sát tháng 4 với các nhà quản lý quỹ được thực hiện bởi TrimTabs, tỷ lệ người cho rằng nhóm EM sẽ outperform trong vòng 6 tháng tới đã tăng lên mức cao nhất 9 tháng là 33.3%. Tỷ lệ này đã giảm xuống mức đáy vào tháng 11/2016, tháng của Donald Trump thắng cử và sau đó hồi phục dần.
Ngược lại, ngày càng có nhiều người hạ thấp tiềm năng của nhóm thị trường phát triển với tỷ lệ cho rằng DM sẽ outperform giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng, 57.1%. Tỷ lệ này đạt đỉnh cũng vào tháng 11/2016 với tỷ lệ 77.1%. Cùng xu hướng với EM, nhóm thị trường cận biên (FM) cũng có tỷ lệ đánh giá tích cực tăng, tuy nhiên số người đánh giá thấp hơn nhiều DM và EM, chỉ là 9.5%.
Sức hút của EM đang gia tăng nhưng đây là sự trở lại với mức trung bình trước bầu cử tổng thống Mỹ. Sự tập trung vốn vào một danh mục EM toàn cầu cho thấy giới đầu tư vẫn còn e ngại rủi ro ở từng khu vực và quốc gia cụ thể. Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 quốc gia có tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số MSCI EM Index nhưng các quỹ đầu tư vào 2 nước này đều đang bị rút vốn mạnh do các rủi ro kinh tế lẫn chính trị. Tính từ đầu năm các quỹ đầu tư cổ phiếu ở Trung Quốc và Hàn Quốc bị rút lần lượt -3 tỷ và -2.4 tỷ USD.
Mặc dù còn một khoảng cách xa với DM, sự gia tăng dòng vốn vào EM đang dần xóa đi lo ngại về một sự dịch chuyển vốn lớn từ EM về DM do FED nâng lãi suất. Đây đã từng là mối lo lớn nhất về dòng vốn nước ngoài và sự ổn định tiền tệ của nhiều nước EM. Sự dịch chuyển vốn, nếu có, sẽ là những biến động mang tính ngắn hạn như đã từng xảy ra vào quãng thời gian từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3/2017 (trước khi FED nâng lãi suất vào kỳ họp tháng 3) và không tạo ra những xáo trộn mạnh trên thị trường tiền tệ.
Ý kiến của bạn