Aa

Tác động của cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ ngân hàng và doanh nghiệp

Thứ Ba, 18/04/2023 - 09:28

Nếu thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đi vào thực hiện sẽ giải quyết được một phần nút thắt của dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Trong đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trước ngày 25/4/2023.

Đây là thông tư được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt trông chờ lúc này. Theo dự thảo ban đầu, điều kiện để doanh nghiệp được ngân hàng xem xét cơ cấu nợ là doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc/lãi đến hạn do nguyên nhân khách quan của kinh tế, thị trường; có khả năng trả nợ đầy đủ theo thời hạn mới được cơ cấu; không do sản xuất kinh doanh yếu kém…

Đánh giá tác động của dự thảo thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ này, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, khách hàng được cơ cấu lại nợ (khoản nợ phát sinh trước ngày 8/4/2023 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong thời gian từ lúc thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023) gồm các đơn vị không có khả năng trả nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan của nền kinh tế và có khả năng trả nợ đầy đủ theo thời hạn trong tương lai.

Về tác động của Thông tư đến ngân hàng, BSC cho rằng việc này sẽ giúp ngân hàng duy trì chất lượng tài sản, không tăng nợ xấu (NPL) dù chất lượng nợ suy giảm. Tuy nhiên, các ngân hàng trích lập dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ khách hàng theo quy định phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước như không có thông tư này. Cùng với đó, ngân hàng không được hạch toán lãi dự thu, do đó triển vọng lợi nhuận của ngành vẫn không thay đổi. Ngoài ra, các ngân hàng có thể sẽ phát sinh thêm chi phí quản lý từ việc theo dõi, quản lý các khoản nợ được cơ cấu lại để trích lập dự phòng sát với thực tế.

Về tác động đến doanh nghiệp, thời hạn cơ cấu kéo dài một năm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian cân đối nguồn vốn, giảm áp lực trả nợ và phục hồi sản xuất.

Như vậy, nếu thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đi vào thực hiện, sẽ giải quyết được một phần nút thắt của dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế. Đồng thời, cũng là một bước tiếp theo trong công cuộc kích thích tăng trưởng kinh tế sau quyết định về lãi suất, Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp, nghị quyết về nhà ở xã hội gần đây đã được ban hành./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top