Aa

Tắc dự án vì thủ tục chồng chéo và tư duy cán bộ thiếu trách nhiệm

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 14/02/2020 - 06:15

Các quy định pháp luật chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà và tư duy thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đối diện nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản vì bị chôn vốn tại dự án.

Thị trường bất động sản đang diễn biến không được thuận lợi và có phần trầm lắng, nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương kéo dài quá trình rà soát dự án và xử lý các thủ tục hành chính mất nhiều thời gian. Để hiểu hệ luỵ của việc trễ dự án, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng.

PV: Câu chuyện kéo dài phê duyệt dự án khiến “trễ” dự án đã được nhắc đến rất nhiều lần từ thời điểm cuối năm 2019 đến nay. Trong đó, nhiều nhất là những lo ngại về tình trạng doanh nghiệp “phát sốt” vì bỏ tiền tỷ đầu tư nhưng vì vướng mắc ở nhiều thủ tục mà không được tiếp tục triển khai, không thể ra hàng. Ông có thể phân tích rõ hơn những thiệt hại mà doanh nghiệp đang và sẽ phải gánh chịu vì tình trạng này?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Mỗi một dự án bị trễ tiến độ sẽ đem lại cho doanh nghiệp những thiệt hại khác nhau. Song nhìn nhận chung có thể thấy một số hậu quả và thiệt hại rõ ràng. Trước hết là bất lợi mà nhà đầu tư phải gánh chịu là cơ hội phát triển bị giảm đi so với tính toán phương án đầu tư của các doanh nghiệp. Việc chậm trễ còn dẫn đến các phát sinh không doanh nghiệp nào mong muốn, đó là chi phí quản lý, chi phí bộ máy, chi phí thủ tục phải chờ đợi, chi phí tài chính, cơ hội… 

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng.

Thứ hai, kế hoạch và phương án kinh doanh của nhà đầu tư liên tục phải có những điều chỉnh mà điều chỉnh này thường là điều chỉnh bất lợi do phải đối phó với sự chậm trễ. Từ đó làm giảm uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư, đối tác, khách hàng. 

Thứ ba là quá trình điều chỉnh, khiến thời gian trễ dự án kéo dài dẫn đến thời gian sử dụng dòng vốn kéo dài, làm cho lãi suất của dòng vốn đầu tư tăng lên, giảm hiệu quả đầu tư… Tất cả những bất lợi đó tác động xấu đến quản trị của doanh nghiệp, thương hiệu doanh nghiệp, giảm đi lợi nhuận của doanh nghiệp, thậm chí đem lại những rủi ro lớn hơn khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản.

PV: Thưa ông, vẫn biết thị trường bất động sản là một thị trường nhạy cảm và thường xuyên phải chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, nhưng sẽ không quá nếu nói yếu tố thủ tục hành chính là một trong những tác nhân lớn tác động mạnh nhất đến thị trường. Và doanh nghiệp là đối tượng hoàn toàn bị động trước các quy trình xử lý thủ tục hành chính. Phải chăng chính vì vậy mới dẫn đến những câu chuyện doanh nghiệp phải lên tiếng cầu cứu, như điển hình Novaland mới đây?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Bên cạnh cơ chế, chính sách phải điều chỉnh nhiều, không đồng bộ khiến cho các thủ tục phải tăng thêm thời gian giải quyết, chưa kể những yếu tố khách quan do quá trình thực tiễn phát sinh thêm vấn đề mới; thì yếu tố chủ quan vẫn là con người, không chỉ là ở những người cán bộ xử lý trực tiếp mà là ở cả một hệ thống từ cấp thấp lên cấp cao. 

Bởi vì, nguyên tắc về trách nhiệm chưa được thực hiện một cách đầy đủ, chưa có chế tài và có luật pháp. Không có chế tài xử phạt những người làm thiếu trách nhiệm hoặc không có trách nhiệm. Từ đó, những người cán bộ này nảy sinh tư duy làm không vì trách nhiệm, vẫn vì lợi ích và cảm tính mà làm. Đáng lẽ, những người cán bộ công chức này phải có tư duy về trách nhiệm, nếu không có trách nhiệm thì dù pháp luật chặt chẽ đến đâu cũng đều bị vô hiệu hoá.

Theo đó, cơ chế về quản lý cán bộ công chức phải có những công cụ pháp luật để quản lý, định hướng và lựa chọn người cán bộ có nghiệp vụ, đánh giá khả năng trách nhiệm. Chỉ có như vậy mới có thể thực hiện được các việc tiếp theo.

Tôi đã phải làm thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch mất 3 năm mới xong. Lúc nộp hồ sơ, đồng chí được giao phụ trách lại phải đi học chứng chỉ, công việc không thể bàn giao cho người khác. Đồng chí đi học xong lại có đợt thanh kiểm tra cán bộ, vậy là thời gian điều chỉnh quy hoạch lại kéo dài. Điều đó cho thấy phần nào sự quá tải trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Dự án Water Bay của Novaland đang "bất động" (Nguồn ảnh: Zing)

Tôi đã tham gia đầu tư ở nhiều địa phương và có cả ở Singapore. Những gì mà tôi tiếp cận thủ tục hành chính ở nước ngoài khác hoàn toàn ở Việt Nam. Ở Singapore, đầu tiên, tôi nhìn trên bản đồ quy hoạch quốc gia và lựa chọn vị trí đầu tư. Nếu một mình đăng ký thì chỉ cần làm theo đúng đề bài đưa ra. Nếu nhiều người tham gia thì họ đấu giá với các chỉ tiêu rất rõ ràng. Tại Việt Nam, chúng ta phải đấu giá mỗi đất nhưng ở Singapore là phải đấu giá sản phẩm. Khi đăng ký thì cứ làm một bộ hồ sơ nộp đúng hạn, quy định là 3 tháng phản hồi thì đúng 3 tháng. Nhưng tất cả thủ tục ở nước ta cứ phải xin và cơ chế xin - cho như một sự mặc định.

Để xác định chủ đầu tư, trong Luật Đầu tư quy định, chủ đầu tư phải có dự án được chấp thuận đầu tư. Nhưng ngược lại, muốn có dự án thì chủ đầu tư phải có quy hoạch được duyệt. Như vậy, giữa các bộ luật chưa có sự thống nhất, khi giải quyết thủ tục bị ách tắc, cản trở. Nhiều chủ đầu tư lập dự án nhưng lại chưa được phê duyệt quy hoạch.

Với những quy định hiện nay thì chủ dự án, các nhà đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan có thẩm quyền. Chỉ khi cơ quan có thẩm quyền duyệt, họ mới được làm. Điều này làm thiếu đi sự chủ động trong quá trình vận hành của các nhà đầu tư. Pháp luật đã có chế tài với các nhà đầu tư rõ ràng nhưng chưa có chế tài với cơ quan có thẩm quyền thực hiện không đúng trách nhiệm.

PV: Có những dự án, ở lần triển khai đầu tiên đã sai, bị "tuýt còi" nhưng sau đó bằng nhiều cách thức vẫn được chuyển nhượng nhiều lần mà không có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Một thời gian sau, khi các cơ quan quản lý vào cuộc, muốn thu hồi dự án thì chủ đầu tư cuối cùng lúc này lại phải gánh chịu hậu quả. Việc này, theo ông có phải là vô lý?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Tôi cho rằng, nguyên tắc chung là các doanh nghiệp cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Và trong quá trình đó, cơ quan nhà nước tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện, phát hiện sai ở đâu là sửa ngay ở đó để hạn chế và triệt tiêu được những sai phạm chồng chất, bất cập, rủi ro kéo dài trong quá trình xây dựng dự án. Không thể bỏ qua các sai phạm ở một thời điểm nào đó để sau này các sai phạm tích tụ lại, ngày càng dày lên mới đem ra xử lý. Lúc này, doanh nghiệp cuối cùng là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất. Đó chính là một điều vô lý và gián tiếp gây thiệt hại cho những doanh nghiệp đầu tư sau. 

PV: Với tình trạng này, thị trường năm 2020 phải chăng sẽ còn khó hơn 2019 nếu như câu chuyện pháp lý, thủ tục hành chính không được tháo gỡ nhanh và thanh tra kiểm tra kéo dài? Ông có đề xuất các giải pháp cụ thể nào để khắc phục tình trạng này?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Tất nhiên, việc thanh tra, kiểm tra là cần thiết nhưng thanh tra là khi chúng ta phát hiện sai phạm còn kiểm tra là công tác phải thực hiện thường xuyên. Song quá trình này phải đạt được hai mục tiêu là tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc cùng doanh nghiệp, đồng thời loại bỏ “khuyết tật” để giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường có hướng đi tốt hơn. Tiếp đó là có những chế tài đủ sức răn đe, xử lý những vi phạm để tránh ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Có thể nói các thủ tục hành chính trong việc thực hiện dự án có những kết nối với nhau rất cao trong từng bước, và cũng bởi vậy mà trong quá trình thực hiện chỉ cần một bước có vướng mắc thì sẽ gián đoạn tới những bước còn lại, đồng thời kéo dài thời gian hơn. Có thể nói trong cơ chế chính sách của chúng ta có phân quyền phân cấp nhưng trong quá trình thực hiện lại chưa triệt để, làm cho quá trình giải quyết thủ tục hành chính bị kéo dài. Thị trường bất động sản năm 2020 sẽ còn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, doanh nghiệp sẽ còn chịu nhiều hệ luỵ, các dự án được phê duyệt đương nhiên sẽ chậm lại, tiến độ dự án trễ hơn là điều tất yếu nếu cơ quan nhà nước không sớm bắt tay sửa luật, rút ngắn các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Hiện nay, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác. Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do có quá nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ nên hiện nay xuất hiện tâm lý “dừng, ngâm, đùn đẩy” xảy ra trong các hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng bất động sản. Bởi nếu quyết định thì ai cũng có tâm lý sợ sai, sợ rủi ro, không dám chịu trách nhiệm. Từ đó việc gì cũng xin ý kiến...


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top