Aa

Thị dân và đô thị

Thứ Tư, 04/10/2017 - 06:01

Điều quan trọng nhất của đô thị phải là trật tự, là nền nếp, quản lý phải dân chủ trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Quy hoạch hạ tầng phải đi đôi với quy hoạch thượng tầng. Trong “thượng tầng” đó có pháp luật, giáo dục và cuối cùng là con người. Khi thị dân có văn hóa đô thị, thì chính họ là người giúp sức cho việc thực hiện quy hoạch. Nhưng trước khi con người tự giác, thì phải có hành lang pháp lý.

1. Thời gian gần đây có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn để bàn về đô thị được tổ chức. Rất nhiều thuật ngữ được nêu ra phân tích, nào là “đô thị bền vững”, “đô thị hiện đại” rồi “siêu đô thị”... Các chuyên gia bàn nhiều đến việc xây dựng, triển khai quy hoạch đô thị để làm sao giải quyết nạn tắc đường, ngập úng... và xem đó như là những thách thức lớn nhất của các đô thị Việt Nam hiện nay.

Cũng theo lối tư duy này, các nhà “đô thị học” xếp ra một dãy dài những “tiêu chí” của “đô thị bền vững”, “đô thị hiện đại” mà Việt Nam đang mong muốn và cần đạt được. Nhưng buồn là, trong những cái gọi là “tiêu chí” ấy, dường như rất thiếu yếu tố con người - chủ nhân của cái đô thị kia được sinh ra để phục vụ. Cái lẽ ra đáng bàn hơn là cần định hình những phẩm chất của một tầng lớp thị dân mới, sao cho xứng đáng là chủ nhân của những đô thị hiện đại. Nói cách khác, phẩm chất của những công dân đô thị cần được đặt ra, bức bách hơn cả chuyện tắc đường hay ngập úng. Bởi rất đơn giản, dẫu chúng ta có nỗ lực để xây những con đường thật rộng, mở những chiếc cống thật to, làm tuyến BRT hay tàu điện ngầm thật hiện đại... nhưng tất cả sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chủ nhân, những người vận hành, sử dụng nó kém về ý thức, kém về phẩm chất hành vi.

Nhiều ngôi nhà cổ tại Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Dân trí.

Nhiều ngôi nhà cổ tại Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Dân trí.

Câu chuyện về cải tạo, bảo tồn và di dân phố cổ ở Hà Nội có thể lấy ra làm ví dụ. Từ gần hai chục năm nay, có hàng chục dự án đã được sinh ra để bàn và làm chuyện này. Nhưng đều bàn đến và để đó. Đằng sau những cái mà Jea Luc Moudenc, người đề xuất lập hồ sơ đưa phố cổ Hà Nội làm “Di sản văn hoá thế giới” gọi là "khu phố độc đáo có một không hai" hay ông già người Nhật Kato Norio, nguyên Trưởng ban tiếng Việt đài truyền hình NHK gọi là "một cái gì đấy rất lạ";… thực ra là những khu ổ chuột với ngõ nhỏ tối tăm, hố xí thùng, bếp than tổ ong, buồng tắm quây bằng vải mưa trên phố và người chồng lên người; Là sự chuyển động ngược, âm thầm và cay đắng, di tích thành phế tích. Vậy nhưng, tất thảy vẫn đút chân vào gầm tủ mà ngủ chồng lên nhau như xếp cá chứ nhất quyết không chịu di dời…

Dẫu có bao biện về thói quen, về mưu sinh về sự gắn bó hay gì gì đi nữa thì vẫn phải nói rằng chính sự thiếu ý thức công dân đô thị, sự ích kỷ cục bộ chính là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc di dân ra khỏi phố cổ dù có khi vài mét vuông phố cổ đó đã được "mặc cả" bằng cả trăm mét vuông chung cư hiện đại. Sự quá tải, cùng với sự ích kỷ và thiếu ý thức công dân đô thị rõ ràng đã vượt xa so với sự tính toán của các nhà bảo tồn cả ta, lẫn Tây, lẫn Nhật…

2. Nói về ý thức của người Hà Nội (mà có lẽ là thị dân ở ta nói chung), cụ Nguyễn Vinh Phúc (một nhà Hà Nội học, nay đã mất) đã phải thốt lên rằng: “Giờ đây người ta quá trọng đồng tiền mà thành vô luân hay quá đề cao bản ngã mà trở thành ích kỷ, sẵn sàng vứt rác sang hàng xóm, không như ngày xưa bố mẹ dạy con ra hè quét rác quét luôn giúp láng giềng…".

Thị dân bây giờ, có đời sống vật chất cao hơn, đủ đầy hơn và đời sống văn hoá tinh thần đa dạng hơn, nhưng cái sang của chất thị dân thì không dám chắc. Từ những năm đầu thế kỷ XX, trên tờ Phong Hoá, người ta nói về nhược tật của những “thị dân phong kiến” vừa mới trở thành những “thị dân non” bằng bức họa vui về anh Lý Toét đang tè bậy trên phố, bên cạnh là chữ “Cấm không được đái”. Thì giờ đây, sau hơn thế kỷ, “bệnh tiểu đường”, “người Việt góc cây”, vẫn là “vấn nạn đô thị” được đề cập nhan nhản trên các báo trong chuyên mục bàn về văn minh, thanh lịch đô thành.

Khu đô thị mới Linh Đàm. Ảnh: Trần Kháng.

Khu đô thị mới Linh Đàm. Ảnh: Trần Kháng.

Dân số đô thị đang ngày một đông lên, chủ yếu do hai nguồn: một là mở rộng và "đô thị hoá" vùng miền và con người không phải là đô thị và thị dân ở xung quanh trung tâm đô thị. Và hai là nhận về từ xa gần rất nhiều người lập cư và lập nghiệp. Chất lượng của số lượng lớn "thị dân mới" này rõ ràng có vấn đề về tố chất thị dân trong họ. Cái "truyền thống" vốn chỉ là "thị dân non" trong quá khứ đang được những yếu tố "phi thị dân" đương thời hoà cùng để tạo ra hàng loạt biểu hiện tiêu cực. Ngày nay, chuyện xảy ra từ Bắc chí Nam, những người nông dân, sau một đêm ngủ dậy bỗng hoá thành thị dân vì có dự án chạy qua nhà mình. Thế mới có chuyện những người dân sống trong những dãy chung cư cao cấp, nhưng vẫn giữ thói quen nấu cơm bằng than tổ ong và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn đang đi trên đường bỗng dính một bãi khạc nhổ của một người đi phía trước…

Thực ra, trong suốt lịch sử phát triển của các đô thị ở ta, nguy cơ "nông thôn hoá thành thị" luôn rình rập và nó làm giảm sút cái tính cách ưu việt của văn hoá đô thị. Cho đến nay, cái nguy cơ ấy vẫn thường trực và có phần tăng lên trong quá trình đô thị hoá cơ học và ồ ạt. Nhưng cũng không vì thế mà ta có thể cưỡng lại cái nhu cầu trở thành người thành phố của những nông dân. Dẫu rằng, ở góc độ quản lý xã hội của nhà chức trách, việc nhập cư ồ ạt vào các thành phố không phải là hiện tượng đáng khuyến khích.

Có ý kiến cho rằng đối với những đô thị đặc biệt, nên có hệ thống kiểm soát di dân như thế nào để bảo đảm cư dân tiêu biểu của đô thị phải thuộc thành phần tinh hoa của xã hội. Hệ thống sàng lọc như thế sẽ cho phép chỉ “kết nạp” vào cộng đồng thị dân những người nhập cư hội đủ các điều kiện ngặt nghèo về trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, mức thu nhập, nói chung là các điều kiện cần để có thể gia nhập vào “tầng lớp trên” của xã hội. Thế nhưng, chưa cần nói về tính hợp hiến thì cũng không khó để chỉ ra những lỗ hổng cơ bản của đề nghị đó. Trước hết, trong bất cứ xã hội nào cũng cần những thành viên đảm nhận những công việc đa dạng, đủ loại; không thể sử dụng hệ thống ấy để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công trong khu vực lao động giản đơn. Vả lại, với cơ chế sàng lọc này, nếu nhà chức trách có quyền từ chối trao danh hiệu công dân chính thức cho người nhập cư vì lý do kém năng lực, thiếu bằng cấp… thì, theo đúng logic của hệ thống, nhà chức trách cũng phải tước danh hiệu đó đối với thành viên nào vốn có được nó do may mắn sinh ra giữa đô thị trong một gia đình cao sang, nhưng lớn lên lại học hành chẳng ra gì và cũng chẳng biết làm gì có ích.

3. Cách đây hơn 1 thế kỷ, khi vào Hà Nội, người Pháp đã áp đặt ở đây một chế độ thuộc địa, một chính sách phục vụ lợi ích thực dân, nhưng họ cũng đã xây dựng một kết cấu đô thị dân chủ. Cho nên ngay từ sớm đô thị Hà Nội lúc đó đã thừa hưởng một chính quyền đô thị theo cách nói hiện nay. Những giá trị phương Tây của đô thị đã được áp đặt và trở thành thói quen thường nhật của người dân Hà Nội thời ấy. Đổi thay của Hà Nội khi trở thành một thành phố thuộc địa là tuy còn nhiều dấu ấn của đời sống gắn kết với làng xã nguồn cội, nhưng về căn bản là cư dân Hà Nội đã quen dần việc ứng xử theo pháp luật. Nói đơn giản hơn, là nếp sống đô thị và một tầng lớp thị dân đã hình thành. Đáng tiếc sau đó, do trải qua quá nhiều cuộc thay đổi khiến những giá trị cũ bị phá vỡ mà giá trị mới lại không xây dựng được, dẫn đến hệ quả là những gì chúng ta thấy hôm nay. Cùng với đó là một sự đảo lộn của đời sống đô thị, sự đảo lộn của cư dân đô thị. Những người dân Hà thành đã tiếp thu và quen với nếp sống đô thị đã ra đi mưu sinh ở nơi khác, thay vào đó là sự tràn ngập của những người dân nông thôn đổ về, mang theo văn hóa tùy tiện, lối sống đơn giản của nông thôn vào phố thị; trong khi đó, cách quản lý hành chính đô thị cũng có nhiều thay đổi, không phù hợp khiến phố thị luôn trong nguy cơ bị nông thôn hóa. Đến nay, khi Hà Nội có được cái rất cơ bản là phát triển kinh tế thì văn hóa Hà thành đã phai nhạt đến độ không còn tìm thấy nữa.

Trước sức ép từ mật độ dân số tăng, mật độ tham gia giao thông tăng, vào giờ cao điểm, tuyến đường luôn ùn tắc kéo dài.

Văn hóa tham gia giao thông còn hạn chế khiến nhiều tuyến đường luôn ùn tắc kéo dài. Ảnh: Trần Kháng.

Kể câu chuyện Hà Nội là để cụ thể hoá cái thực trạng mà gần như toàn bộ các đô thị ở ta đang gặp phải. Mỗi thời đều có chuẩn mực riêng nhưng cái cần nhất ở các đô thị Việt Nam hiện nay là văn hóa đô thị. Chúng ta có thể nói đến văn hóa hiện đại hay văn hóa truyền thống, nhưng cái quan trọng nhất của thị dân phải là văn hóa, văn minh đô thị. Làm sao để có được điều này? Đầu tiên phải có một cơ chế. Cơ chế đó phải bảo đảm tính dân chủ. Bên cạnh đó bộ máy quản lý hành chính cũng phải được xây dựng tương ứng, đó là chính quyền đô thị. Hầu hết các thị dân giờ đây đều đến từ những nơi khác nhau và họ không có nhiều những ràng buộc họ hàng, làng xã… và họ quan hệ với nhau bằng những "khế ước xã hội", có thể được hiểu là luật pháp và tập quán tốt. Điều quan trọng nhất của đô thị phải là trật tự, là nền nếp, quản lý phải dân chủ trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Quy hoạch hạ tầng phải đi đôi với quy hoạch thượng tầng. Trong thượng tầng đó có pháp luật, giáo dục và cuối cùng là con người. Khi thị dân có văn hóa đô thị, thì chính họ là người giúp sức cho việc thực hiện quy hoạch. Nhưng trước khi con người tự giác, thì phải có hành lang pháp lý.

Thị dân bây giờ, nhiều người chưa có những thói quen văn minh vì họ chưa được tập dượt. Nỗ lực của mỗi cá nhân để cố gắng tiếp nhận lối sống tích cực và hình thành những thói quen tốt là quan trọng. Nhưng cạnh đó, xã hội cũng phải tạo điều kiện để giúp họ có kiến thức và kỹ năng để thích ứng với môi trường đô thị. Những lối sống, những nếp sống thuộc loại làm giảm chất lượng sống của cư dân đô thị có thể giảm đi rất nhiều nếu như chính quyền có những quy định rõ ràng, hợp lý. Và những quy định này cần được áp dụng một cách nghiêm khắc, liên tục chứ không phải dừng lại trong một phong trào. Nhiều việc tưởng trong tầm tay nhưng chúng ta cứ loay hoay chẳng biết lúc nào xong. Phải chăng ta thiếu một bộ máy đúng nghĩa đảm đương vai trò quản lý đô thị chuyên nghiệp với một hệ thống chấp hành theo các hành lang luật lệ từ trên xuống dưới thay vì trông đợi vào việc thi đua nhân điển hình từ cơ sở lên theo cách dọ dẫm lâu nay.

Một thói quen bỏ rác đúng chỗ luôn cần có chỗ để bỏ rác đúng. Đừng kêu gọi suông, cũng chẳng nên ngại phạt...

“Thị dân là gì? Câu hỏi tưởng chừng có câu trả lời đơn giản nhưng hóa ra lại khá phức tạp. “Thị dân” tất nhiên là người sinh sống ở các vùng đô thị. Nhưng như thế nào là “sống” hay “lối sống” ở đô thị, và một nơi như thế nào mới được xem là “đô thị”? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại được hiểu, rồi có những định nghĩa khá phức tạp bởi vì thị dân và lối sống thị dân góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo một đô thị. Và quan trọng hơn, lối sống thị dân sẽ quyết định “thương hiệu” của đô thị, nhìn từ góc độ văn hoá.

Trước đây người ta hiểu “thị dân” là người sống ở đô thị. Nhưng giờ đây với sự phát triển đa dạng của đô thị và sự phức tạp của quá trình đô thị hoá, cách hiểu này chưa đầy đủ. Không thể định nghĩa “thị dân” bằng cách xác định nơi sinh sống mà phải từ khía cạnh văn hóa của người sống ở đô thị”.

TS. Nguyễn Thị Hậu

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top