Tái khởi động 2 dự án trên đất vàng, Veracity có xoá tan nỗi ám ảnh "tiền hết, dự án treo"?
Hai dự án The Summit Building và DLC Complex nằm trong hệ sinh thái của Công ty Cổ phần Veracity "đắp chiếu" đã nhiều năm, có dự án liên tục đổi chủ, có dự án thay tên, thậm chí sau khi trải qua nhiều lần hứa bàn giao thì đến nay vẫn chưa thấy ngày về đích. Mới đây chủ đầu tư đã có những động thái tái khởi động dự án, môi giới mời gọi rao bán quỹ căn còn lại. Liệu điều này có xoá tan được nỗi ám ảnh "tiền hết, dự án treo" trong quá khứ và làm hồi sinh những khối nhà đang nguội lạnh lâu nay, giúp thị trường ấm lên trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm?
LTS: Từ đầu năm 2024, thị trường bất động sản ấm dần lên khi lãi suất ngân hàng hạ nhiệt và các bộ Luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản sắp chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội khơi thông điểm nghẽn pháp lý. Những chất xúc tác này giúp thị trường dần hiện rõ dấu hiệu hồi sinh.
Nhiều dự án sau khi được "cấp oxi" từ dòng vốn mới đã nhanh chóng hoàn thiện, mở bán ra thị trường với nhiều chính sách ưu đãi. Nhờ nguồn cung từ các dự án dở dang và các dự án mới, một lượng lớn căn hộ sẽ nhanh chóng được chào bán ra thị trường trong thời gian tới, kỳ vọng đem lại sự sôi động cho thị trường, đa dạng nguồn hàng cho nhà đầu tư và người mua thực. Đặc biệt, nhiều dự án từng bị "đắp chiếu" lâu năm đã rục rịch trở lại đường đua. Tuy nhiên, để thị trường bước vào một chu kỳ mới thực sự "khoẻ mạnh"cũng cần nhận diện, đánh giá toàn cảnh các dự án, chủ đầu tư để người mua không rơi vào vết xe đổ "ma trận" của những dự án hình thành trong tương lai chưa biết ngày về đích.
Để có góc nhìn đa chiều về thị trường, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) thực hiện tuyến bài: Dự án 'đắp chiếu' trở lại đường đua, trong khó đã ló lối ra?
Bài 2: Tái khởi động 2 dự án trên đất vàng, Veracity có xoá tan nỗi ám ảnh "tiền hết, dự án treo"?
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Dự án The Summit Building đổi chủ nhưng bao giờ "đổi vận"?
Sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp "trở lại đường đua" bằng cách khởi động lại dự án cũ, đổi tên, đổi chủ dự án với mong muốn đổi được vận mệnh. Thực tế cũng ghi nhận, có rất nhiều dự án sau khi đổi chủ hay đổi tên phần nào đã thoát khỏi vũng lầy tai tiếng và tiến độ được đẩy nhanh đã giúp thị trường bất động sản ấm lại. Tuy nhiên, thị trường vẫn nghi ngại một số dự án sau nhiều lần "thay tên đổi họ" liệu có thực sự đổi được vận hay vẫn "dậm chân tại chỗ".
Theo tìm hiểu của Reatimes, dự án The Summit Building - dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại tọa lạc tại số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội - là dự án đã nhiều lần đổi chủ tuy nhiên vẫn "án binh bất động" trên vị trí đất vàng còn lại hiếm hoi của Thủ đô. Sau thời gian dài "đắp chiếu", gần đây dự án có dấu hiệu tái khởi động, một số môi giới mời chào rao bán quỹ căn còn lại với mức giá cũng không hề rẻ.
Anh Nguyễn. Đ. L (môi giới tại sàn giao dịch Tân Long Land) cho biết, dự án đang khởi động trở lại và dự kiến bàn giao nhà vào quý III/2024. Hiện tại, giá bán các căn hộ 3 phòng ngủ có diện tích từ 101,2 - 144,6m2 được rao bán từ 6 - 7,5 tỷ đồng, tùy vị trí và diện tích căn hộ. Còn những căn có diện tích lớn nhất vào khoảng 145m2, giá gần 11,5 tỷ đồng. Ngoài ra, căn 2 phòng ngủ diện tích 86,4m2 có giá khoảng hơn 5 tỷ đồng là đang được quan tâm nhiều nhất.
"Dự án đã mở bán từ năm 2020, khi đó cũng đã có nhiều người đặt cọc mua nhà và trả tiền theo tiến độ. Đến hiện tại chỉ còn một số ít căn vẫn trống chưa có người mua. Dự án có mức giá 55 - 67 triệu/m2, tuỳ vị trí, diện tích, các căn hộ có thể sẽ có mức giá cao hơn. Người mua cũng nhận được những gói hỗ trợ như nội thất, phí dịch vụ, hỗ trợ lãi suất…", anh L cho hay.
Khi được hỏi vì sao dự án chậm tiến độ, chưa bàn giao căn hộ cho người đã mua nhà trước đó, anh L cho rằng, tiến độ bàn giao nhà có chậm hơn so với kế hoạch ban đầu bởi nhiều yếu tố tác động. Giờ dự án đang khởi động lại, công trường đang xây dựng, người mua nhà hoàn toàn có thể yên tâm là sẽ được bàn giao sớm. Tuy nhiên, thời gian chi tiết hơn thì môi giới này không trả lời được.
Sau nhiều năm, với sự xuất hiện của chủ mới, dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng vẫn chưa được triển khai hoàn thiện.
Theo khảo sát của phóng viên, dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, vật liệu xây dựng ngổn ngang xung quanh dự án. Bên ngoài, nhiều môi giới phát tờ rơi giới thiệu về căn hộ dự án. Ngoài ra, ở cửa cũng được đặt rất nhiều poster giới thiệu hấp dẫn về dự án như "Cộng hưởng kim cương, đỉnh cao thịnh vượng", "Cung cấp trải nghiệm sống độc nhất vô nhị". Mặc dù, môi giới khẳng định chắc nịch về thông tin dự án sắp bàn giao, tuy nhiên, bên trong dự án này chỉ có lác đác công nhân làm việc.
Theo tài liệu của Reatimes, The Summit Building đã có một hành trình thay đổi chóng mặt về các pháp nhân cũng như nhà đầu tư xây dựng dự án. Đầu tiên, khu đất tại 216 Trần Duy Hưng được chia làm khu A và khu B. Ngày 27/1/2003, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long (Hoa Phượng Thăng Long) thuê 4.741m2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Mục đích thuê đất là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Thời gian thuê đất 45 năm kể từ ngày ký quyết định trên (đến năm 2048).
Năm 2014, Hoa Phượng Thăng Long chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội, cũng đăng ký tại địa chỉ 216 Trần Duy Hưng.
Tháng 1/2017, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – The Summit Building (khu B) có diện tích 2.373 m2 tại 216 Trần Duy Hưng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý III/2016 đến quý IV/2019. Chủ đầu tư là Liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư Bất động sản 216.
Đến ngày 15/2/2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành quyết định cho phép Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – The Summit Building. Do đó, khu đất 2.373m2 với mục đích ban đầu là thực hiện một phần dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm đã chính thức bị khai tử, thay vào đó là xây dựng tòa nhà ở thương mại để bán cao 35 tầng.
Đến tháng 2/2019, liên danh chủ đầu tư đề nghị thành phố cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Cổ phần Veracity. Ngày 21/8/2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án, từ đó khu "đất vàng" 216 Trần Duy Hưng chính thức về tay Công ty cổ phần Veracity.
Như vậy, sau nhiều năm, với sự xuất hiện của chủ mới, dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng vẫn chưa được triển khai hoàn thiện. Việc rao bán trở lại của môi giới và động thái thưa thớt của công nhân tại dự án liệu có đảm bảo cho dự án này thực sự "hồi sinh" và về đích đúng hẹn?
"Chốn bình yên" Harmony Square (DLC Complex Nguyễn Tuân) đổi tên nhưng vẫn liên tục lỗi hẹn
Trên website của Công ty Cổ phần Veracity còn cho thấy, hệ sinh thái của doanh nghiệp này bao gồm hai dự án khác là dự án Harmony Square tại số 63, Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân (Hà Nội) và dự án Ivory Tower tại 25 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân (Hà Nội). Trong đó, dự án Harmony Square vốn có tên cũ là DLC Complex Nguyễn Tuân, được mệnh danh là "Chốn bình yên nơi giao lộ thịnh vượng", Veracity đóng vai trò là nhà phát triển dự án.
Dự án tọa lạc ở khu đất đắc địa giữa lòng thành phố, trên nút giao hai tuyến phố lớn là Nguyễn Tuân và Ngụy Như Kon Tum, được cấp giấy phép xây dựng ngày 8/10/2018 và khởi công vào ngày 11/11/2018. Theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư cam kết bàn giao cho khách hàng đầu quý IV/2021.
Thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư không thực hiện theo đúng tiến độ mà đã lùi thời gian bàn giao nhà đến 4 lần, khiến hàng trăm khách hàng như "ngồi trên đống lửa" đã không ít lần xuống đường căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư bàn giao căn hộ đúng tiến độ.
Mới đây, công trường đã có một số công nhân làm việc và máy móc hoạt động, song cả dự án vẫn là một khối bê tông xám lạnh và thô ráp, không giống như những lời quảng bá. Câu hỏi đặt ra là không biết đến bao giờ dự án sẽ hoàn thiện để bàn giao nhà? Chủ đầu tư thật sự khởi động lại dự án để nhanh chóng bàn giao nhà cho người mua hay lại tiếp tục lỡ hẹn? Nhất là trong bối cảnh nguồn cung căn hộ đang khan hiếm và giá chung cư "lên đồng" suốt thời gian qua?
Sàn bất động sản Tân Long Land là đơn vị phân phối độc quyền hai dự án The Summit Building và Harmony Square.
Theo chia sẻ của môi giới tại sàn giao dịch Tân Long Land, mặc dù chưa biết bao giờ dự án mới được bàn giao nhưng căn hộ tại dự án Harmony Square vẫn được các chủ nhân tương lai rao bán. Họ là những nhà đầu tư "mắc kẹt" tại đây, nhiều năm liền chưa nhận được nhà để có thể chuyển nhượng sang tên hoặc để cho thuê trong khi lãi suất ngân hàng vẫn phải trả. Một số người mua cũng "khốn khổ" vì đã chi trả tiền theo từng giai đoạn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhà, cũng không còn đủ tài chính để mua nhà ở dự án khác bởi có bao nhiêu tiền tích cóp đã dành để mua căn hộ tại đây.
"Hiện tại, căn hộ ở Harmony Square có giá bán trung bình vào khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2, mức giá này đã cao gấp đôi so với thời điểm mở bán năm 2021. Hiện tại chỉ còn số ít căn hộ trống đẹp nhưng người mua vẫn có thể lựa chọn mua từ người sở hữu trước đó", môi giới này chia sẻ.
Công trường đã có một số công nhân làm việc và máy móc hoạt động, song cả dự án vẫn là một khối bê tông xám lạnh và thô ráp.
Nhìn thẳng vào thực tế, giới chuyên cho rằng, thời gian qua, một số dự án bất động sản được chủ đầu tư quảng bá, giao dịch khi dự án chưa được phép triển khai, chưa đủ điều kiện huy động vốn. Không ít trường hợp chủ đầu tư có những động thái bán hàng nhưng thực tế cố tình chiếm dụng vốn của khách hàng để đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng một lúc, hoặc sử dụng vốn cho các mục đích cá nhân khiến nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ cam kết... Thậm chí nhiều dự án nằm tại vị trí đắc địa, ngay ngã ba, ngã tư đường lớn nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, quây hàng rào tôn xung quanh. Do đó, người mua nhà cần phải tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư dự án, năng lực triển khai dự án cũng như lịch sử của dự án để tránh rơi vào tình cảnh là nạn nhân của những dự án treo.
Siết chặt về quản lý đất đai, rà soát, xử lý công khai các dự án chậm tiến độ
KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay: "Tại Hà Nội còn rất nhiều những dự án chung cư cao tầng trễ hẹn rồi tái khởi động rồi vẫn trễ hẹn. Có những dự án đổi tên, đổi chủ nhưng vẫn không có tiến triển mới".
Ông Tùng lý giải, bối cảnh đô thị đất chật người đông như Hà Nội, nhà ở khan hiếm nên giá nhà đang leo thang mỗi ngày, cùng với đó nhu cầu được ở, được hưởng môi trường sống và làm việc chất lượng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Như vậy, việc những dự án trễ hẹn, "đắp chiếu" thì hiệu suất sử dụng đất gần như bằng "0", đất đai không được sử dụng để mang lại lợi ích cho người dân, cho phát triển kinh tế - xã hội, dự án vẫn thừa mà nhà vẫn thiếu.
Trong hoàn cảnh này, người mua nhà là đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất. Những tổn thất mà nhóm này phải chịu gồm: Tổn thất về tài chính, mất chi phí cơ hội, mất niềm tin, tỷ lệ rủi ro đầu tư bị đẩy lên cao... Ngoài ra, giữa những ngã ba, ngã tư, những dự án chậm tiến độ là toà bê tông xám, tôn quây xung quanh, vật liệu lộn xộn đã tạo ra khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Theo vị chuyên gia này, các nhà quản lý, chính quyền các cấp cần phải siết chặt hơn nữa việc thực thi quy định pháp luật về quản lý đất đai, có biện pháp xử lý dự án chậm tiến độ, "đắp chiếu". Qua đó, siết chặt chế tài và thực thi một cách minh bạch, công bằng, công khai các dự án chậm triển khai đang trong diện xử lý để toàn thể người dân có thể cùng theo dõi, giám sát.
Reatimes tiếp tục thông tin…