Dựa theo Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục nhằm kết nối giao thông cơ giới giữa hai bờ vịnh.
Đây là một công trình mang tính biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, yêu cầu ứng dụng công nghệ và kỹ thuật cao. Ban đầu, dự án được dự kiến khởi công vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2025, nhưng sau đó đã tạm dừng để tập trung vào các dự án khác.
Mặc dù là công trình cấp đặc biệt, hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục không nằm trong danh mục công trình quốc gia. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã xin chủ trương tự cân đối ngân sách và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Theo thiết kế, hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục sẽ nằm song song với cầu Bãi Cháy với quy mô 6 làn xe và tổng chiều dài khoảng 2.750m, trong đó, phần hầm dài khoảng 2.140m, bao gồm 1.000m hầm dìm và 1.140m hầm dẫn.
Hầm sẽ được xây dựng dưới đáy biển, cách mặt nước không quá 17m, cho phép xe lưu thông với tốc độ 60km/h và chịu được động đất lên đến 6 độ Richter, trở thành hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam.
Ngày 6/1 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp và làm việc với bà Ngô Tĩnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) để thảo luận và thống nhất các kế hoạch nghiên cứu, đầu tư tại Quảng Ninh.
Trong buổi làm việc, bà Ngô Tĩnh đã cụ thể hóa các ý tưởng đầu tư, trong đó có dự án hầm Cửa Lục và cam kết tập đoàn sẽ triển khai các dự án với thời gian nhanh nhất, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn cao. Bà cũng bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào các công trình hạ tầng khác, thu hút thêm nhà đầu tư tiềm năng về tỉnh.
Được biết, CPCG là tập đoàn tư nhân lớn thứ 2 tại Trung Quốc và thuộc TOP 500 doanh nghiệp toàn cầu, đã từng được Chính phủ Việt Nam mời tham gia các dự án tỷ đô.
Gần đây nhất, vào tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ đoàn lãnh đạo từ 18 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, trong đó có ông Nghiêm Giới Hòa - người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương.
Trong buổi gặp, Thủ tướng đã đề nghị CPCG và các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu, tham gia các dự án trọng điểm tại Việt Nam như cầu Tứ Liên (Hà Nội), cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng, tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc cũng như các dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành và các tuyến đường sắt xuyên biên giới.
Về công nghệ xây dựng, CPCG sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Tập đoàn ứng dụng các công nghệ thông minh như Internet of Things (IoT) và cảm biến để theo dõi và tối ưu hóa quá trình xây dựng, đồng thời sử dụng phần mềm quản lý dự án hiện đại như BIM để dự đoán chi phí, thời gian, và quản lý rủi ro hiệu quả.
Ngoài ra, công nghệ máy đào hầm TBM được áp dụng triệt để, giúp xây dựng các đường hầm dài với độ chính xác cao, ngay cả tại các khu vực đô thị phức tạp.