Với nhiều người, giấc mơ an cư lập nghiệp ngày càng trở nên xa vời, nhất là trong bối cảnh công việc ngày một bấp bênh, trong khi giá nhà không ngừng tăng cao.
Đặc biệt, nhiều bạn trẻ, hoặc các cặp vợ chồng mới cưới, thường đặt mục tiêu sở hữu một ngôi nhà riêng trong khoảng 5-10 năm sau hôn nhân, dù có phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, trước thực trạng giá bất động sản leo thang chóng mặt, không ít người cảm thấy rằng: "Dù làm việc cả đời cũng khó đủ tiền mua nhà”.
Người trẻ cần tích lũy trong 50 năm nữa mới có thể mua nhà
An và Minh - một cặp vợ chồng trẻ mới cưới, đang là hình ảnh điển hình của những người trẻ trong hành trình chinh phục giấc mơ an cư giữa đô thị tấp nập. Ở độ tuổi 27 và 29, cả hai đều có công việc ổn định: An làm nhân viên văn phòng, Minh là kỹ sư. Tuy nhiên, tổng thu nhập hàng tháng của họ chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.
Hiện tại, họ đang thuê một căn phòng nhỏ khoảng 30-35m2 ở ngoại thành. Dù không rộng rãi, nơi đây vẫn là tổ ấm đầu tiên, nơi hai người cùng nhau bắt đầu hành trình xây dựng gia đình. Mỗi sáng, họ thức dậy trong ánh nắng xuyên qua cửa sổ nhỏ, cùng ăn bữa sáng đơn giản rồi vội vã đi làm. Cuộc sống tuy giản dị, nhưng tràn đầy hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, khi An và Minh ngồi lại để bàn về việc mua một căn nhà của riêng mình, cả hai không khỏi cảm thấy áp lực. Giá nhà đất ngày càng tăng vọt, trong khi khoản tiết kiệm của họ vẫn chỉ là con số nhỏ nhoi sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà và những khoản chi bất ngờ. Mỗi tháng, An cố gắng dành ra một ít từ khoản lương của mình, còn Minh thì nhận thêm vài công việc ngoài giờ để tăng thu nhập. Nhưng con số tích lũy dường như quá bé nhỏ so với giá bất động sản khổng lồ mà họ phải đối mặt.
Có những đêm Minh trằn trọc, nghĩ về một tương lai dài đằng đẵng khi cả hai có thể mất hơn 50 năm để chạm tay vào giấc mơ an cư. Còn An, cô lo lắng về những tháng ngày sau này, khi có con cái, căn phòng nhỏ bé này liệu có đủ không gian để chào đón thêm thành viên mới.
Dẫu vậy, họ vẫn nắm tay nhau, tìm cách tiết kiệm hơn và suy nghĩ tích cực. Minh thường nói với An rằng: “Dù khó khăn, chỉ cần mình có nhau, mọi thứ đều có thể vượt qua.” Nhưng đâu đó trong lòng họ, vẫn len lỏi một nỗi buồn man mác khi nhận ra giấc mơ mua nhà không chỉ cần sự cố gắng, mà còn cần một chút may mắn giữa thời cuộc khắc nghiệt.
Phân khúc nhà ở giá rẻ tại các thành phố gần như “tuyệt chủng”
Theo số liệu của VARS, nguồn cung bất động sản đã giảm mạnh từ năm 2018 đến nay. Trong vòng 9 tháng đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Nguồn cung có sự phân hóa mạnh với 70% nguồn cung mới đến từ phân khúc căn hộ chung cư, trong đó các sản phẩm có giá trên 50 triệu đồng/m2 chiếm phần áp đảo. Điều này khiến giá nhà bị đẩy lên mức cao trong suốt thời gian qua.
Thống kê cho thấy, giá căn hộ chung cư rao bán tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, giá chung cư tại Hà Nội vào đầu năm 2024 đã tăng khoảng 38% so với năm 2019. Đáng chú ý, nhiều dự án chung cư cũ, bao gồm cả các khu nhà tập thể cao tầng đã đi vào hoạt động từ 5-10 năm, cũng bị đẩy giá lên cao đáng kể.
Theo số liệu thống kê của Savills, giá bán sơ cấp trong quý III/2024 hiện đang ở mức 69 triệu đồng/m2, tăng 6% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thứ cấp, giá trung bình của căn hộ trong quý III/2024 là 51 triệu đồng/m2, tăng 10% so với quý trước và 41% so với năm ngoái. Giá thứ cấp trung bình tăng 17% mỗi năm kể từ năm 2020 với hạng C tăng mạnh nhất đạt 20%/năm, tiếp đến là hạng A tăng 16%/năm và hạng B tăng 15%/năm.
Các dự án thuộc khu vực nội đô như Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình ghi nhận mức tăng mạnh nhất, trung bình từ 200-300 triệu đồng/căn. Trong khi đó, các quận ven và cận ven như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức có mức tăng thấp hơn, trung bình từ 100-200 triệu đồng/căn.
Dữ liệu khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá nhà riêng tại khu vực miền Bắc cũng không ngừng leo thang. Trong quý I/2021, giá nhà riêng trung bình ở mức 95 triệu đồng/m2 và đến quý III/2024, con số này đã tăng lên mức 173 triệu đồng/m2.
Chia sẻ về vấn đề người trẻ khó mua nhà, Ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho rằng quan niệm "Sẽ có một thế hệ không mua được nhà" là một xu hướng tiêu cực ảnh hưởng đến giới trẻ. Thực tế, mọi việc không hoàn toàn như nhiều người vẫn nghĩ.
"Trên thực tế, khi ở độ tuổi từ 30 đến 40, mọi người thường phải tiết kiệm từ 10 đến hơn 10 năm mới có thể mua được nhà. Đối với các bạn trẻ, việc mua nhà ngay sau khi ra trường là khó khăn và khi sống ở những thành phố có mật độ dân cư lớn, việc ai cũng có thể mua được nhà là điều không đơn giản".
Ông nhấn mạnh rằng để mua được nhà, giới trẻ cần đến những giải pháp tài chính, chẳng hạn như tối ưu hóa thu nhập và tiết kiệm, sử dụng "đòn bẩy" tài chính phù hợp để có thể sở hữu nhà trong tương lai.
Để giúp độc giả và nhà đầu tư hiểu rõ hơn về thị trường bất động sản, Người Quan Sát tổ chức chương trình Insight Talk với chủ đề “Liệu người trẻ có đang ngày càng khó mua nhà?” vào lúc 20h ngày hôm nay (ngày 15/1/2025).
Chương trình có sự tham gia của TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả (Bộ Tài chính) và ThS. Đặng Thùy Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Kinh doanh và Dịch vụ Bất động sản Realty Holdings.
Tại chương trình, các chuyên gia sẽ mang đến những phân tích sâu sắc, giúp độc giả hiểu rõ hơn về thị trường bất động sản và bối cảnh hiện nay. Qua đó, độc giả sẽ có cái nhìn cụ thể hơn để định hình kế hoạch tài chính, xác định nên mua nhà ở đâu và đâu là thời điểm thích hợp nhất. Bên cạnh đó, chương trình còn giải đáp thắc mắc đang được nhiều người quan tâm: “Liệu có cần tới 50 năm để mua được nhà ở thành phố?”.
Chương trình sẽ lên sóng vào lúc 20h, thứ Tư cách tuần. Hẹn gặp Quý độc giả và nhà đầu tư tại Insight Talk với chủ đề: "Liệu người trẻ có đang ngày càng khó mua nhà?" vào tối nay, ngày 15/1.
Đừng quên theo dõi chương trình trên fanpage Người Quan Sát.