Aa

Tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Không thể để “phơi mưa nắng”

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Hai, 07/04/2025 - 06:40

Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính là bước đi mạnh mẽ trong tiến trình cải cách bộ máy, hướng tới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tiết kiệm. Tuy nhiên, hệ quả tất yếu là nhiều trụ sở, nhà đất công trở nên dôi dư. Nếu không được xử lý kịp thời, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn, khối tài sản công này có nguy cơ bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí ngân sách và ảnh hưởng đến tiến trình đổi mới đang được kỳ vọng.

Chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là bước đi quyết liệt trong tiến trình cải cách, tinh gọn tổ chức bộ máy. Việc này không chỉ hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và phục vụ nhân dân, mà còn góp phần tiết kiệm ngân sách, tạo dư địa cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình này đặt ra một thách thức rất lớn, đó là việc xử lý khối lượng tài sản công dôi dư khổng lồ sau sáp nhập, đặc biệt là cơ sở nhà đất, trụ sở làm việc của cơ quan hành chính các cấp.

Thời gian qua, việc cải cách tổ chức bộ máy đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đối với các bộ và cơ quan ngang bộ, đã giảm 5 bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ, chỉ còn lại 17 bộ và cơ quan ngang bộ. Cùng với đó, tổ chức bên trong các bộ và cơ quan ngang bộ cũng được tinh gọn đáng kể: Giảm 13/13 tổng cục và tương đương (đạt tỷ lệ 100%), 519 cục và tổ chức tương đương (giảm 77,6%), 219 vụ và tương đương (giảm 54,1%), cùng với đó là giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm tới 91,7%).

Ở cấp địa phương, 63 tỉnh, thành phố đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh (giảm 29%), đồng thời giảm 1.454 cơ quan chuyên môn cấp huyện (giảm 17,5%). Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, ngành và địa phương cũng được tinh gọn rõ rệt. 

Về việc điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, dự kiến sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh, dừng mô hình chính quyền cấp huyện; hiện cả nước có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị.

Như vậy, có thể hình dung số công trình, trụ sở, tài sản công trở nên dôi dư sẽ rất lớn. Nhiều trong số đó là các công trình được đầu tư lớn, tọa lạc tại vị trí trung tâm, có tiềm năng khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng có nguy cơ bị bỏ trống hoặc sử dụng kém hiệu quả sau khi tổ chức bộ máy được tinh gọn.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài chính đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích. Trong đó, 3.780 cơ sở nhà đất có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, còn lại 7.249 cơ sở nhà, đất vẫn chưa có phương án xử lý.

Đây là con số đáng lưu tâm, phản ánh nguy cơ lãng phí tài sản công rất lớn nếu thiếu những giải pháp xử lý một cách tổng thể, đồng bộ, hiệu quả và có tầm nhìn dài hạn. Bài toán đặt ra là: Làm sao để những khối tài sản dôi dư ấy không bị "phơi mưa nắng" vô ích, mà được khai thác hợp lý, trở thành nguồn lực mới phục vụ phát triển và tiếp thêm động lực cho tiến trình cải cách bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ?

Tài sản công không chỉ là nhà đất, đó là cơ hội phát triển

Theo ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp sẽ tạo ra một nguồn lực đặc biệt đáng chú ý, đó là rất nhiều trụ sở công dôi dư, phần lớn trong số đó nằm tại các vị trí đắc địa, có giá trị cao cả về tài chính lẫn tiềm năng phát triển hạ tầng. "Đây là nguồn lực khổng lồ chờ được giải phóng", ông Hạ nhấn mạnh.

ĐBQH Tạ Văn Hạ cho rằng các địa phương cần nhanh chóng hành động, không để khối tài sản này rơi vào trạng thái bị bỏ quên hoặc xuống cấp. Việc đầu tiên cần làm là rà soát, kiểm kê kỹ lưỡng hiện trạng sử dụng, xác định rõ giá trị, tính pháp lý và nhu cầu khai thác. "Những trụ sở còn tốt nên được bàn giao cho các cơ quan nhà nước đang thiếu cơ sở vật chất. Những công trình đã xuống cấp hoặc không còn phù hợp thì cần có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tổ chức đấu giá để thu hút đầu tư", ông Hạ đề xuất.

Đồng thời, ĐBQH đưa ra 3 định hướng sử dụng ưu tiên: Một là chuyển đổi thành không gian công cộng như công viên cây xanh, khu vui chơi ngoài trời. Hai là xây dựng trung tâm văn hóa, sinh hoạt dành cho thanh thiếu niên. Ba là phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế. Bởi đây là những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến chất lượng sống của người dân, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, học tập, nghiên cứu - những trụ cột của phát triển bền vững. 

Ông Tạ Văn Hạ cũng nhấn mạnh: "Xử lý tài sản công dôi dư không chỉ là vấn đề trước mắt, không phải cứ xử lý xong sớm là tốt. Chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc để phát huy hiệu quả nhất các tài sản này về lâu dài".

Tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Không thể để “phơi mưa nắng”- Ảnh 1.

Trụ sở xã Lử Thẩn (cũ) của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai được cải tạo làm khu nội trú, nhà công vụ giáo viên và nơi sinh hoạt cộng đồng. (Ảnh: Trọng Bảo/Báo Dân tộc và Phát triển)

Xử lý công trình, tài sản công cần gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất

Nhìn từ góc độ quy hoạch và phát triển không gian, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập là một bài toán phức tạp, đòi hỏi phải được tính toán kỹ lưỡng, gắn với quy hoạch tổng thể và có giải pháp cụ thể nhằm tránh lãng phí nguồn lực.

Theo chuyên gia, tài sản công dôi dư sau sáp nhập chủ yếu gồm 2 nhóm: trụ sở hành chính và trang thiết bị bên trong. Trong đó, việc xử lý thiết bị như bàn ghế, máy tính, ô tô… có thể thực hiện tương đối đơn giản thông qua bán đấu giá. Tuy nhiên, với các trụ sở dôi dư, đặc biệt là những công trình lớn, vị trí trung tâm thì việc xử lý lại rất phức tạp, cần có định hướng rõ ràng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: "Phải kiên quyết xử lý những bất hợp lý trong sử dụng tài sản công, bởi đây là nguồn lực rất lớn và cũng rất quan trọng. Để đảm bảo công khai, minh bạch, cần thực hiện thống kê đầy đủ từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp huyện, xã để xác định rõ đơn vị nào đang quản lý, sử dụng tài sản công như thế nào. Việc này cũng cần gắn với phương án sáp nhập địa giới hành chính, từ đó mới có căn cứ sắp xếp hợp lý".

Sau bước rà soát, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm đề xuất 3 phương án xử lý trụ sở dôi dư, tùy theo vị trí, quy mô và nhu cầu từng địa phương.

Thứ nhất, quy hoạch lại thành công trình công cộng phục vụ dân sinh. "Hiện nay nhiều nơi đang thiếu trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội. Đơn cử khi sáp nhập tỉnh, trụ sở UBND cũ của một tỉnh có thể chuyển đổi thành bệnh viện, trường học, khu nhà ở cho người thu nhập thấp. Những công trình khác có thể làm công viên cây xanh, bãi gửi xe... góp phần chỉnh trang đô thị", ông Nghiêm nói.

Thứ hai, hợp tác công - tư để khai thác hiệu quả. Các cơ quan quản lý có thể phối hợp với doanh nghiệp để cải tạo, sử dụng lại các cơ sở nhà đất dôi dư, tạo ra giá trị mới cho đô thị.

Thứ ba, chuyển tài sản công thành tài sản tư thông qua đấu giá, đấu thầu. Phương án này giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ thêm: "Trước đây khi di dời trụ sở các bộ, ngành ở Hà Nội, nhiều vị trí được định hướng làm công trình công cộng, không gian xanh. Nhưng trên thực tế, nhiều đề xuất vẫn chỉ nằm trên giấy". Do đó, việc các trụ sở cũ sẽ được sử dụng vào mục đích gì là câu hỏi cần được nghiên cứu bài bản, trả lời một cách cẩn trọng. Quan trọng hơn, quá trình này cần gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược phát triển đô thị và có cơ chế giám sát rõ ràng để tránh bị lợi dụng, lãng phí tài sản công.

Quản trị tài sản công: Cần số hóa và minh bạch

Từ góc độ tài chính công, PGS. TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh rằng, điều kiện tiên quyết để khai thác hiệu quả tài sản công dôi dư sau sáp nhập là sự minh bạch và quản lý có hệ thống, bắt đầu từ khâu kiểm kê và xây dựng dữ liệu.

"Trước hết, cần tổng rà soát và cập nhật đầy đủ dữ liệu về tình trạng sử dụng nhà, đất công, đặc biệt là các tài sản phát sinh dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Trên cơ sở đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa đồng bộ để theo dõi, giám sát và ra quyết định kịp thời, minh bạch", ông Long khuyến nghị.

Không dừng lại ở quản trị nội bộ, chuyên gia cho rằng việc công khai danh mục nhà đất công là yếu tố sống còn để tăng cường giám sát từ xã hội, ngăn chặn nguy cơ thất thoát, tham nhũng và lợi ích nhóm. "Thông tin rõ ràng, minh bạch sẽ giúp xã hội giám sát tốt hơn và khiến việc sử dụng tài sản công trở nên công khai, trách nhiệm hơn", ông Long nói.

Về giải pháp cụ thể, PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh đến nguyên tắc tái sử dụng trong nội bộ hệ thống Nhà nước. "Cần điều chuyển trụ sở dôi dư cho các cơ quan đang thiếu hoặc phải làm việc trong điều kiện xuống cấp, thay vì thuê mới hoặc xây dựng mới tốn kém. Đồng thời, cần linh hoạt điều chỉnh công năng để phục vụ các mục tiêu công như bệnh viện, trường học, nhà ở công vụ, trung tâm hành chính, ký túc xá hay các cơ sở đào tạo công chức", ông đề xuất.

Với những tài sản thực sự không còn nhu cầu sử dụng trong khu vực công, PGS. TS. Ngô Trí Long đưa ra 2 phương án khai thác: Thứ nhất, tổ chức đấu giá công khai để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu. Thứ hai, có thể cho doanh nghiệp thuê lại những tòa nhà công không sử dụng để khai thác, chuyển thành văn phòng làm việc, không gian sáng tạo hoặc trung tâm khởi nghiệp, nhưng phải rõ ràng về mục tiêu, thời hạn và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, PGS. TS. Ngô Trí Long cũng lưu ý: "Cần kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp để tài sản công bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Đồng thời, phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với lãnh đạo đơn vị sở hữu tài sản công bị lãng phí.

Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế thu hồi tài sản công bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích - điều mà hiện nay còn thiếu các công cụ thực thi đủ mạnh. Nếu không có chế tài rõ ràng, tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng tùy tiện sẽ tiếp tục kéo dài, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước và niềm tin công chúng".

Bộ Nội vụ đề xuất địa phương chủ động bố trí ngân sách cải tạo trụ sở sau sáp nhập

Dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định, nêu rõ yêu cầu xử lý trụ sở và tài sản công đi kèm quá trình sáp nhập nhằm tránh lãng phí nguồn lực và bảo đảm hoạt động ổn định của bộ máy mới.

Theo đề xuất, chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở hành chính mới sẽ phải chủ động cân đối, bố trí ngân sách để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các trụ sở tiếp tục sử dụng sau khi sáp nhập.

UBND cấp tỉnh được giao lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp, kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đối với cấp tỉnh, trước khi sáp nhập, UBND cấp tỉnh cũng phải thống nhất phương án xử lý trụ sở và tài sản công tương ứng.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn sáp nhập sẽ lập danh sách và đề xuất phương án tổ chức lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, tài sản sẽ được chuyển giao cho UBND cấp tỉnh để quản lý, sử dụng theo nhu cầu địa phương.

Dự thảo cũng quy định rõ: trong vòng 5 năm kể từ khi nghị quyết có hiệu lực, các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở và tài sản công của các cơ quan, đơn vị hành chính.

Việc bố trí, sử dụng trụ sở sau sáp nhập sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các đơn vị hành chính mới, nhằm đảm bảo ổn định nơi ở, điều kiện làm việc và tránh xáo trộn trong quá trình chuyển đổi tổ chức.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top