Aa

Tại sao một số hoa lại kiêng bày ban thờ, ngày Tết?

Thứ Sáu, 01/02/2019 - 20:01

Có người hỏi tôi, nên chọn mua hoa gì trong ngày Tết, hoa nào nên và hoa nào không nên dâng lên ban thờ, hoa ly có phải là ly tán không… Tôi bảo, hoa ngày Tết là cả một câu chuyện dài…

 

Tôi không phải là người hay chơi hoa và sành sỏi về hoa, nhưng xét về khía cạnh văn hóa, phong tục và tính mục đích, việc chọn hoa để trang trí ngày Tết phải dựa trên 5 yếu tố sau:

1/ Hương: Thực ra, cái tác động đầu tiên đến con người là màu sắc của hoa, vẻ đẹp của hoa cũng toát ra từ màu sắc. Tuy nhiên, tôi xếp yếu tố “Hương” lên đầu tiên bởi “Hương” thường hay đi liền với “Hoa”. Vả lại, tôi rất khoái câu chuyện quanh bài thơ “Sơn trà” (Tạ lại người cho trà) của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Số là khi cụ bị đau mắt, có người tặng cụ chậu trà, một loài hoa hữu sắc vô hương, có ý chơi xỏ cụ đau mắt nên không thưởng thức được sắc đẹp, cụ mới làm bài thơ bằng chữ Hán rồi tự dịch sang chữ Nôm như thế này:

Tết đến người cho một chậu trà

Đang say ta chẳng biết rằng hoa

Da mồi tóc bạc ta già nhỉ

Áo tía đai vàng bác đó a

Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá

Gió to luống sợ lúc rơi già

Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi

Đếch có mùi hương một tiếng khà.

Bài thơ trên có rất nhiều điều để bình vì nó hàm súc và thâm thúy với nhiều tầng ý nghĩa. Tuy nhiên, dẫn lại bài thơ trên trong tình huống này chỉ nhằm nhấn mạnh hương hoa quan trọng như thế nào, nếu không muốn nói có thể coi là linh hồn của hoa. Vì vậy đây là yếu tố đầu tiên cần xem xét, nhất là hoa bày trên ban thờ, trong nhà ngày Tết. 

Bạn có thể chọn loại hoa đẹp nhưng không có hương, không sao cả. Nhưng nếu chọn hoa có hương thơm thì nhất thiết phải chú ý mùi hương nên thanh khiết, dịu nhẹ, thoang thoảng như hoa hồng đỏ, hải đường hay một số loài địa lan… Nếu tính cả cây cảnh thì quất, bưởi, cam, quýt, phật thủ… cũng là loài có mùi hương dễn chịu, lại tạo cảm giác ấm áp và mùi tinh dầu của những loại quả này lại có tính sát khuẩn rất tốt.

Một số loài hoa có hương thơm nhưng nồng gắt bạn cần cân nhắc khi bày trong nhà, nhất là với những không gian hẹp. Ví dụ như hoa huệ rất thơm và là loại hoa dùng để thờ cúng nhưng hương hoa huệ quyện với mùi hương đốt suốt ba ngày tết sẽ nồng và gắt, có thể gây cảm giác ngột ngạt, khó thở. Vì vậy thường thì người ta chỉ dâng hoa huệ ở đền, chùa hay khi có không gian thờ cúng riêng, chứ ít bày trong không gian ở, nhất là gần phòng ngủ.

Tương tự như vậy, hoa ly có mùi hương rất nồng, nhất là về ban đêm cũng không nên bày trong không gian ở, nếu có thì ban đêm cũng nên đưa ra ngoài ban công chứ không nên để trong nhà. Đây là lý do chính không nên bày hoa ly trên ban thờ, chứ không phải là nó mang nghĩa “ly tán” như người ta gán ghép.

Riêng với hoa nhài, có mùi thơm rất dễ chịu, nhẹ nhàng nhưng lại không được bày trong nhà, càng không được dùng để thờ cúng. Lý do vì người xưa coi hoa nhài tượng trưng cho người con gái không dứng đắn, do nó tỏa mùi hương quyến rũ vào ban đêm…

2/ Sắc: Sắc ở đây là nói khái quát, bao gồm cả màu sắc và hình hài bông hoa, cây, cành, lá…, tóm lại là về hình thức của hoa nói chung. Trong ngày Tết, dù bày trên ban thờ hay trong nhà, trên bàn trà thì bạn cũng nên chọn lọai hoa có màu sắc sáng sủa, tươi tắn hay trong sáng… Tốt nhất bạn nên chọn loài hoa, cây cảnh có màu sắc chủ đạo là vàng và đỏ, ví dụ như hoa đào, mai vàng, hồng đỏ, hải đường, cúc vàng, lay ơn… Ngày trước, khi các giống hoa còn ít, đơn điệu thì một bình lay ơn hay thược dược nhiều màu sắc cắm xen loáng thoáng vi ô lét hầu như là không thể thiếu trong mỗi nhà dịp Tết.

Bởi vì, theo văn hóa phương Đông, màu vàng tượng trưng cho uy quyền, sự quyền quý, sang trọng. Chẳng thế mà thời phong kiến, màu vàng thường chỉ được dành riêng cho nhà vua như ngai vàng, hoàng bào… Còn màu đỏ là biểu tượng của hạnh phúc, tượng trưng cho may mắn, sức khỏe… Hai màu này cũng tạo cảm giác ấm cúng và giàu sức sống, mang lại sinh khí trong những ngày tết. Vì vậy mà hoa đào và mai vàng là hai loài hoa đặc trưng của ngày Tết. 

Bạn cũng nên chọn loại hoa hay trình bày bình hoa tạo cảm giác xum xuê, quây quần, ấm cúng, hướng lên trên và mở rộng sang các phía; không nên chọn hay trình bày bình hoa tạo cảm giác đơn độc, lẻ loi hay chia lìa, tan tác…

3/ Ý nghĩa: Theo văn hóa và phong tục từng nơi, người ta gán cho từng loại hoa những ý nghĩa nhất định. Nếu hương và sắc là hình thức thì ý nghĩa có thể coi là nội dung của hoa. Vì vậy, khi đã bày hoa, bạn nhất định phải nắm được ý nghĩa của từng loài hoa, nếu không có thể tạo ra những tình huống trớ trêu cười ra… nước mắt. Chẳng hạn như hoa hồng tượng trưng cho hạnh phúc, hoa cúc vàng là biểu tượng của sự trường thọ, còn hoa nhài lại tượng trưng cho quan hệ trai gái không đứng đắn.

Bạn cũng tuyệt đối không được trang trí cành dâu hay cây dâu, dù quả dâu cảnh có đẹp đến mấy cũng không được bày trong nhà, thậm chí theo phong thủy còn không nên trồng cây dâu trước cửa. Lý do vì cây dâu tiếng Hán phát âm là “tang”, gắn liền với chữ “tang ma” gợi sự chết chóc. Lý do thứ hai là thời xưa, trai gái thường dắt nhau vào nương dâu tình tự, có thể xảy ra những điều bất chính nên cây dâu tượng trưng cho sự không đoan chính. Chẳng thế mà trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết: “Ra tuồng trên bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu làm chi”.

4/ Mục đích: Tôi thường hay trao đổi với các bạn trẻ khi có dịp là làm gì cũng phải có mục đích, mục đích sẽ quyết định phương tiện. Khi mua hoa cũng vậy, bạn phải xác định trước mục đích để làm gì. Thậm chí còn phải hình dung trước cây hay cành, bình hoa ấy đặt ở không gian nào, rộng hẹp ra sao thì mới có được sự trình bày, trang trí hợp người hợp cảnh. Nếu không sẽ dẫn đến sự tréo ngoe, ví như mua hoa thờ cúng tặng… bạn gái hay cây hoa to đùng nuốt chửng căn phòng lại gây chật chội khó đi lại.

Cụ thể thì mua hoa bày ban thờ có thể mua cành đào, cành mai, cành hải đường nhỏ, hoặc bình cúc vàng, hoa hồng đỏ, lay ơn nhiều hồng hay đỏ…. Còn trang trí phòng khách thì có thể phong phú hay phóng khoáng hơn…

5/ Sở thích: Đây là yếu tố cuối cùng bạn cần tính đến, nhưng không phải cuối cùng là không quan trọng. Thậm chí nhiều khi đây lại là yếu tố quyết định bạn sẽ chọn mua hoa gì.

Có người thích đào, có người thích mai, có người thích hồng, có người thích lan… Ngay như hoa đào, có người thích đào bích, có người thích đào phai, có người thích đào rừng… Trong một gia đình thường có nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ, vì vậy bạn phải chọn mua hoa làm sao dung hòa được sở thích của từng thành viên.

Hoa tượng trưng cho cái đẹp, trang trí hoa là để làm cho cuộc sống đẹp hơn, vui hơn. Vì vậy mà bạn không thể xem nhẹ yếu tố đáp ứng và dung hòa sở thích của từng người trong gia đình, tránh tình trạng chồng mua hoa về vợ lại mặt nhăn mày nhó, hay vợ mua hoa về chồng mang ném ra sân thì hóa ra, đẹp đẽ đâu chưa thấy đã thấy sự bất hòa và chuốc lấy sự bực mình.

Ngoài 5 yếu tố trên, bạn cũng nên lưu ý là mua hoa là để bày trong suốt mấy ngày Tết, vì vậy nên chọn loại hoa bền, lâu tàn.

Sau đây chúng tôi xin tổng hợp những loại hoa nên và không nên bày trên ban thờ hay trong nhà dịp tết và ý nghĩa của một số loài hoa theo phong tục dân gian để bạn đọc tham khảo.

Những loại hoa nên dâng cúng trên ban thờ:

Hoa đào: Hoa đào chính là biểu tượng của mùa xuân ở miền Bắc. Hoa đào được coi là tinh hoa của Ngũ hành, có thể xua đuổi ma quỷ mang đến cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc. Hoa đào đem đến nguồn sinh khí mới, mọi người trong gia đình dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý. Hoa đào còn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, mong muốn có một năm an khang thịnh vượng, làm ăn thuận lợi, phát tài, gia đình vui vẻ. 

Hoa cúc: Hoa cúc là biểu tượng của sự sống, tăng thêm phúc lộc, tuổi thọ cũng như sự hoan hỉ đến nhà. Mỗi loại hoa cúc lại thể hiện một ý nghĩa khác nhau, nhưng trên ban thờ thường thì người ta hay cắm cúc vàng.

Hoa hồng đỏ: Hoa hồng được xem là “nữ hoàng của các loài hoa”, kèm theo ý nghĩa hạnh phúc ngập tràn, vĩnh cửu. Khi chọn hoa hồng để thờ cúng trong dịp Tết nhất định phải là hoa phải có màu đỏ tươi và không xen lẫn các hoa nhiều màu khác để tỏ sự tôn nghiêm, thành kính sẽ mang đến nhiều điều may mắn, tốt lành cho gia chủ. 

Hoa mai vàng: Mai vàng tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang. Mai vàng là biểu tượng của mùa xuân phương Nam. Theo quan niệm dân gian, hoa mai nở đúng giao thừa hay sớm mùng một sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ đến với gia đình trong năm đó. 

Hoa lay ơn: Hoa lay ơn có ý nghĩa thể hiện tình cảm gắn bó, keo sơn, sự ấm áp, lòng biết ơn vô bờ bến với ông bà Tổ tiên, một lời cảm ơn chân thành và sâu sắc trong dịp Tết đại đoàn viên. 

Hoa Hải Đường: Hoa hải đường tượng trưng cho mùa Xuân. Chữ Đường, theo quan niệm của phong thủy mang ý nghĩa là một ngôi nhà lớn. Hải đường còn thể hiện sự giàu sang, phú quý, mang lại giàu sang, tài lộc. 

Những loài hoa không nên để trên ban thờ:

Hoa phong lan: Là loài hoa đẹp, nhưng vì có hoa có nhiều màu rực rỡ nên lại không phù hợp với sự trang trọng thành kính nơi thờ cũng. Mặt khác, chữ "phong" gần nghĩa với chữ phong tình, phóng túng nên nhiều người không dùng để bày bàn thờ.

Hoa đại (sứ, chămpa): Hoa đại là hoa thơm, màu đẹp tuy nhiên theo quan niệm của người xưa thì đây cũng là loài hoa không nên để trên ban thờ vì hình dáng hoa và sự tích hoa gắn liền với những chuyện không hay.

Hoa nhài: Hoa nhài là biểu tượng trong sạch, tinh khiết nhưng trong dân gian đây là loại hoa không đứng đắn, hay gặp nghịch cảnh, vì vậy cũng không nên bày trên ban thờ.

Cúc vạn thọ: Là loại hoa tên hay, có màu vàng tươi tắn. Tuy nhiên theo các nhà phong thủy thì không nên để cúc vạn thọ lên ban thờ để tránh gặp những điều không may mắn; mặt khác hoa cúc vạn thọ có mùi rất hôi nên không được nhiều gia đình sử dụng để thờ cúng tổ tiên.

Hoa dâm bụt: Là loài hoa có màu đỏ, bông cũng đẹp nhưng không dùng thờ cúng vì tên hoa có chữ "dâm" đằng trước. Chính vì vậy nên hoa dâm bụt không dùng để thờ cúng tổ tiên.

Hoa phù dung: Hoa phù dung có tên đẹp nhưng lại mau tàn, có tích không hay nên cũng không được dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và đặt lên ban thờ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top