Aa

Cách bày mâm ngũ quả theo ngũ hành

Thứ Năm, 31/01/2019 - 06:01

Mâm ngũ quả trước hết là lễ vật cúng thần linh, tổ tiên, sau đó là gửi gắm ước nguyện của gia chủ về một năm mới tốt lành. Nhưng tại sao lại là mâm “Ngũ quả” thì không phải ai cũng biết.

 

Mâm ngũ quả là lễ vật không thể thiếu vào ngày Tết trong mỗi gia đình. Trước hết đó là lễ vật cúng thần linh, tổ tiên; sau đó là gửi gắm ước nguyện, cầu mong cho một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng… Đồng thời, mâm ngũ quả cũng là vật trang trí trong ngày Tết. Với màu sắc hài hòa và hương vị hoa quả của mỗi vùng miền, mâm ngũ quả làm cho không khí trong mỗi gia đình trở nên đầm ấm, thân thương hơn…

Ý nghĩa của Ngũ hành và ngũ quả

Sở dĩ cha ông ta từ xa xưa bày mâm ngũ quả (5 quả) là xuất phát từ quan niệm về ngũ hành trong triết học cổ phương Đông. Theo quan niệm này, thế giới được tạo nên từ 5 yếu tố vật chất đầu tiên là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Năm yếu tố này được thể hiện bằng rất nhiều tính chất, trong đó có màu sắc: Kim màu trắng, Thủy màu đen, xanh dương, Mộc xanh lục, Hỏa màu đỏ và Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường có màu sắc tượng trưng cho 5 hành trong ngũ hành, vì vậy có thể coi như một vũ trụ thu nhỏ, đồng thời cũng thể hiện sự đầy đủ, hoàn thiện. 

Ngũ hành

Ngũ hành

Hơn nữa, trong quan niệm phương Đông, số 5 cũng là con số đặc biệt. Đó là số của Thái cực, số của Ngũ hành Thổ ở phương Trung tâm. Số 5 cũng là số Sinh lớn nhất trong các cặp số Sinh – Thành. Hơn nữa, tính theo vòng Trường sinh (Sinh – Lão – Bệnh – Tử) thì số 5 cũng lại là số Sinh…

Chính vì vậy, số 5 có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa phương Đông. Do đó, mâm ngũ quả cũng có ý nghĩa đặc biệt và chiếm vị trí quan trọng trên ban thờ ngày Tết của người Việt. Mâm ngũ quả còn tượng trưng cho Ngũ phúc gồm: Giàu có, sang trọng, trường thọ, khỏe mạnh, bình an.

Mặc dù ngày nay, trên thực tế trên mâm ngũ quả thường có số loại quả nhiều hơn 5 nhưng nói chung vẫn là tượng trưng cho Ngũ hành nên vẫn mang đầy đủ ý nghĩa của Ngũ quả.

Mâm ngũ quả các miền

Tùy vào từng địa phương với các sản vật riêng cũng như quan niệm khác nhau về ý nghĩa các loại quả mà mâm ngũ quả giữa các vùng miền cũng có sự khác nhau.

Mâm ngũ quả miền Bắc: Thông thường có chuối xanh, bưởi, phật thủ, cam, quýt, quất, đu đủ, sung… Người miền Bắc thường không câu nệ nhiều, nên hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao trông đẹp mắt và đảm bảo đủ 5 sắc màu. 

Cách bày biện thường là để nải chuối dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác, trong đó trái bưởi đặt ở giữa, tượng trưng cho Ngũ hành Thổ ở vị trí trung tâm vũ trụ. Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất, có ý nghĩa che chở, bảo bọc. Các loại quả khác nhỏ hơn được đặt xen kẽ hoặc giắt vào các kẽ của nải chuối, sao cho màu sắc hài hòa và bắt mắt… Sau khi đất nước thống nhất, nhất là những năm gần đây giao thương giữa các vùng miền không còn là trở ngại thì trên mâm ngũ quả cũng có sự giao thoa. Chằng hạn như mâm ngũ quả miền Bắc thường có thêm trái dưa hấu và thanh long với màu đỏ rực rỡ đẹp mắt.

Mâm ngũ quả miền Nam: Người miền Nam thường căn cứ vào tên gọi để chọn các loại quả bày biện sao cho mang ý nghĩa gửi gắm ước nguyện. Các loại quả thường được chọn là: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…, khi đọc lên sẽ thành “Cầu sung vừa đủ xài” (cầu là mãng cầu, sung là quả sung, vừa là quả dừa, vì cách phát âm của người miền Nam âm “d” đọc thành âm “v” nên trái “dừa” đọc gần với tiếng “vừa”, đủ là trái đu đủ và xài là trái xoài khi đọc tiếng “xoài” phát âm gần như “xài”). 

Cầu sung vừa đủ xài

Cầu sung vừa đủ xài

Với đặc điểm về khí hậu nắng nóng quanh năm, mâm ngũ quả miền Nam cũng thường có thêm có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn. Chính vì vậy mà khi hành phương Nam, Tết đến nhớ quê, nhớ nhà, nhà thơ Nguyễn Bính đã tả về cái Tết phương Nam trong bài thơ “Xuân về nhớ cố hương” (năm 1944) thế này:

Xuân về chẳng có hoa tươi
Nắng luôn cả sáu tháng trời không mưa
Ở đây ăn tết buồn chưa?
Rượu bia, hoa giấy và dưa đỏ lòng
Ba ngày tết nóng như nung
Hỏi phong vị ấy là phong vị gì?

Tuy nhiên, người miền Nam lại kỵ không bày chuối lên mâm ngũ quả vì cách phát âm tiếng “chuối” của người miền Nam gần với tiếng “chúi” nên cho rằng chuối là “chúi nhủi”, làm ăn không phất lên được.

Mâm ngũ quả miền Trung: Khác với mâm ngũ quả miền Bắc và miền Nam, mảnh đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt nên các loại trái cây cũng không phong phú đa dạng như vùng khác. Do đó người dân miền Trung cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa của mâm ngũ quả mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên là chính. Thêm nữa, do miền Trung chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả cũng rất phong phú, thường không cố định. 

Những lưu ý khi bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả ngày Tết thường được bày từ chiều tối 30 cho đến hết ba ngày Tết, có gia đình còn để lâu hơn. Do đó khi chọn quả để bày biện, bạn cần lưu ý là không chọn quả chín quá vì như vậy sẽ nhanh bị hỏng, nhất là trong suốt những ngày Tết đều thắp hương nên các loại quả càng nhanh chín hơn. Tuy nhiên lại tuyệt đối không được bày hoa quả giả, vì mâm ngũ quả là lễ vật dâng lên thần linh và gia tiên nên phải thể hiện lòng thành kính và sự chân thành của con cháu, bày đồ giả là có tội

Cũng vì là lễ vật nên các loại quả để bày biện phải thanh tịnh, nghĩa là sau khi mua về phải được để riêng chứ không được lấy ăn một số quả rồi số còn lại bày lên mâm. Khi chưa bày mâm, các loại quả phải được để ở nơi cao, trang trọng, không được vất lăn lóc nơi góc nhà hay các nơi uế tạp. Ngoài ra, cũng không nên đặt thêm các loại hoa, thực phẩm hay vật gì khác lên mâm ngũ quả.

Ngoài màu sắc tượng trưng cho Ngũ hành, bạn cũng cần lưu ý đến mùi hương của các loại quả. Nên chọn loại quả có mùi thơm, nhưng là thơm dịu, ấp áp (ví dụ: bưởi, phật thủ, cam, quýt, quất…), không nên chọn loại có mùi nồng hay quá nặng. Nhất là khi hầu hết các gia đình hiện nay không có phòng thờ riêng biệt mà thường là bàn thờ chung trong không gian ở nên những loại quả có mùi nồng, nặng sẽ gây cảm giác khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến giấc ngủ.  

Ý nghĩa của các loại quả

Để có mâm ngũ quả trang trọng, đúng ý nghĩa, bạn cũng nên biết ý nghĩa của một số loại quả theo quan niệm dân gian:

Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.

Phật thủ: Bàn tay Phật che chở cho cả gia đình.

Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng.

Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.

Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.

Lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Đào: Thể hiện sự thăng tiến.

Táo: Phú quý, giàu sang.

Thanh long: Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.

Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

Quả trứng gà – lê ki ma: Lộc trời cho.

Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.

Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.

Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top