Aa

Tái thiết đô thị Hà Nội theo hướng giữ gìn bản sắc và nâng cao chất lượng sống cư dân

Thứ Ba, 06/09/2022 - 06:06

Vấn đề chỉnh trang đô thị Hà Nội đã được đặt ra từ lâu. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng bắt buộc phải thực hiện, nhằm tái thiết lại bộ mặt đô thị cho Thủ đô và cải thiện toàn diện đời sống người dân.

Hiện nay, khu vực nội đô lịch sử Hà Nội đang đối mặt với nhiều bất cập. Trong đó có thể thấy, mật độ xây dựng quá cao tạo ra những không gian sống khép kín và chật hẹp. Đồng thời, việc thiếu hụt cây xanh, công trình công cộng, trường học, hạ tầng giao thông so với quy chuẩn hiện hành đã tác động không nhỏ đến chất lượng sống của đa số người dân nơi đây.

Để giải quyết những hệ quả của quá trình đô thị hóa, đòi hỏi sự chung tay rất lớn của chính quyền và người dân cũng như các nguồn lực xã hội. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng buộc phải thực hiện, nhằm tái thiết lại bộ mặt đô thị Hà Nội và cải thiện toàn diện đời sống người dân.

Những bất cập hiện hữu

Không khó để bắt gặp những khu vực, tuyến phố nhếch nhác với tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, bất tuân quy hoạch đâu đó giữa lòng Hà Nội. Mặc dù các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị văn hiến này theo chiều hướng tốt hơn, song vẫn còn đó rất nhiều tồn tại cần xử lý.

Tại Hội thảo Xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội, do Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức vừa qua, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá, khu vực các quận lõi nội đô Hà Nội như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao, tạo ra những không gian sống đóng kín.

“Điều kiện nhà ở không đạt chuẩn cùng với sự thiếu hụt các công trình công cộng, dịch vụ xã hội đã tác động không nhỏ đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân”, KTS. Trần Ngọc Chính nhìn nhận.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (Ảnh: Reatimes)

Cụ thể, KTS. Trần Ngọc Chính dẫn số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở gần đây nhất cho thấy, quận Đống Đa có mật độ dân số 37.688 người/km2, gấp 15 lần mật độ chung của toàn TP. Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là khu vực còn nhiều khu dân cư cũ và cơ sở hạ tầng đang trên đà xuống cấp cùng với sự mai một các giá trị xưa.

Điển hình như ở phường Khâm Thiên, việc xây dựng không theo lề lối đã tạo ra một không gian tự phát, lộn xộn và không còn ai nhận ra nơi đây đã từng có lịch sử huy hoàng trong quá khứ. Bên cạnh đó, tỷ lệ cây xanh, mặt nước ngày càng giảm, tỷ lệ nhà cơi nới diện tích để sử dụng ngày càng tăng dẫn đến thiếu điều kiện ánh sáng và mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy cũng như vấn đề giao thông.

Quận Hoàn Kiếm đang được quy hoạch tốt hơn, song với quỹ đất hẹp, mật độ dân cư cao, nhiều nhà cổ, nhà cũ đã lâu không được cải tạo dẫn đến xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến bộ mặt của khu vực. Ngoài ra, trên địa bàn quận đang thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, triển lãm nghệ thuật của người dân.

Hay như quận Ba Đình cũng đang gánh chịu những hệ quả của quá trình đô thị hóa. Dân số gia tăng nhanh chóng dẫn đến việc người dân phân chia các ô đất nhỏ để xây dựng nhà ở cho nhiều thế hệ. Những giá trị kiến trúc truyền thống theo đó cũng dần mai một và không gian nhà ở từ thoáng đãng đã chuyển thành nhà ống diện tích nhỏ, lấp đầy các con ngõ. Cùng với đó là hệ lụy không gian xanh dần bị bê tông hóa, không gian mặt nước dần bị san lấp, lấn chiếm. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian cây xanh không theo kịp với tốc độ phát triển dân số, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người dân.

“Là người làm công tác quy hoạch, tôi cho rằng hiện trạng cơ cấu sử dụng và tổng số lượng quỹ đất hữu hạn thì việc tăng diện tích đất ở tại các quận nội đô sẽ làm giảm diện tích đất dành cho công trình hạ tầng, từ đó gây nên mất cân đối cơ cấu sử dụng. Sự suy giảm quỹ đất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dẫn đến các hiện tượng như ách tắc giao thông, thiếu trường học, sân chơi, công viên”, KTS. Trần Ngọc Chính nói.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Trong đó, công tác kiến trúc đô thị, cảnh quan, công trình vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa làm rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội. Nhiều công trình hiện diện nhưng chưa có các khu vực được tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.

Mặt khác, do năng lực, trình độ quản lý các cấp còn hạn chế, thiếu công cụ quản lý nên công tác quy hoạch chưa đi trước một bước, văn bản pháp lý chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa đầy đủ, quản lý đô thị vẫn nặng về các chỉ tiêu quy hoạch chứ chưa chú trọng đến kiến trúc công trình. Thêm vào đó, ý thức xây dựng đô thị văn minh của một số cá nhân, tổ chức chưa cao và công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện triệt để, xử phạt chưa đủ mức răn đe, ngăn ngừa.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho rằng, nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật và nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển không gian ngầm tại khu vực nội đô lịch sử mới chú ý hệ thống giao thông động, là hệ thống tàu điện ngầm, hầm chui chứ chưa chú trọng phát triển không gian ngầm để phục vụ phát triển giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng, bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan tại khu vực nội đô lịch sử.

Cũng theo ông Thắng, việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế quản lý khi mới chỉ tập trung vào các biện pháp để bảo tồn mà chưa có các giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị của các công trình thành nguồn lực phát triển. Công tác cải tạo chung cư cũ tại khu vực nội đô và toàn TP. Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc.

Thực tế không dễ để cải thiện bộ mặt đô thị Hà Nội trong ngắn hạn, tuy nhiên chính quyền cũng cần nhanh chóng có những giải pháp để giải quyết những bất cập trước mắt cũng như quyết liệt thực hiện từng bước để Hà Nội sớm đạt được mục tiêu đô thị xanh, văn minh, văn hiến và hiện đại.

Cần hành động quyết liệt hơn nữa vì một Thủ đô xanh

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định nhiều mục tiêu phát triển Hà Nội, trong đó có hướng đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, đồng thời là một đô thị đáng sống trong khu vực. Đây là cơ sở quan trọng để TP. Hà Nội có định hướng phát triển, quy hoạch Thủ đô xứng đáng với sự kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân cả nước.

Trong đó, việc cải tạo, tái thiết, chỉnh trang đô thị phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội và nâng cao đời sống người dân. KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, việc có một quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù sẽ giúp cho công tác cải tạo tái thiết chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô có tính khả thi hơn. Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc được UBND TP. Hà Nội ban hành thông qua Quyết định 975/QĐ-UBND là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, đảm bảo chất lượng sống cho người dân.

“Việc phát triển đô thị phải bao gồm cả phát triển các khu đô thị mới, đi đôi với chỉnh trang tái thiết, tái phát triển các khu vực đô thị cũ hiện hữu. Sẽ rất thiếu sót nếu không coi trọng chỉnh trang tái thiết các khu vực đô thị cũ, hiện hữu vì hoạt động này tạo được thêm nguồn lực cho phát triển”, KTS. Trần Ngọc Chính nhìn nhận.

Tuy nhiên, Hà Nội đã quá chật hẹp và để có không gian chỉnh trang, tái thiết, các chuyên gia đều kiến nghị di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm.

Sau khi di dời các nhà máy, xí nghiệp, Hà Nội dự kiến ưu tiên tuyệt đối quỹ đất cho phát triển trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe, cây xanh. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trước năm 2020, thành phố đã triển khai di dời 95 cơ cở công nghiệp, trong đó 65 cơ sở sau di dời đã hình thành trường học, trung tâm dịch vụ thương mại, hạ tầng kỹ thuật, khu nhà ở; 30 cơ sở đã được duyệt chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. Sau năm 2020, thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội dự kiến tiếp tục di dời 113 cơ sở công nghiệp, ưu tiên tuyệt đối quỹ đất cho phát triển trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe, cây xanh. Trong đó, có 39 cơ sở ở khu vực nội đô lịch sử.

Vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô sẽ giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm Hà Nội. Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách và Hà Nội đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, thời gian qua, nhiều cơ sở trong danh sách di dời nhưng vẫn chưa thực hiện, gây khó khăn cho quá trình tái cấu trúc lại bộ mặt của khu vực.

KTS. Trần Ngọc Chính nhận định, để đẩy nhanh tiến độ đưa các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, không chỉ trông chờ vào tinh thần tự giác, mà Hà Nội cần có chế tài đủ mạnh để buộc các đơn vị, doanh nghiệp giao, trả đất. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng đề xuất chính sách phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng giao thông của Thủ đô, nhằm cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng vừa bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống, vừa phát triển nhà ở mới và xây dựng lại chung cư cũ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Ông Hoàng Cao Thắng cũng cho rằng cần huy động mọi nguồn lực đầu tư xây mới, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị định hướng giao thông, tạo điều kiện thực hiện tái thiết đô thị tại khu vực nội thành.

Từ góc nhìn kinh tế học di sản, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng nên ưu tiên đầu tư các dự án bảo tồn di tích có khả năng tạo nguồn thu để bổ sung nguồn vốn tái đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, có thể xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch giàu bản sắc, những tuyến du lịch riêng mang thương hiệu Hà Nội. Khu di tích lưu niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Khu di tích Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn là những ví dụ điển hình cần được lan tỏa theo hướng bảo tồn gắn với phát triển du lịch và đầu tư liên ngành để có một sản phẩm hoàn chỉnh.

“Đã đến lúc phải tập trung đầu tư công cho những dự án mang tính tích hợp và bao trùm để biến di sản văn hóa từ dạng tài sản văn hóa - tài nguyên du lịch thành loại “hàng hóa đặc biệt” có giá trị kép cả về mặt văn hóa và kinh tế”, PGS.TS. Đặng Văn Bài nêu quan điểm.

Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tạo lập không gian công cộng, sáng tạo, phù hợp chức năng sử dụng đất theo quy hoạch là điều rất quan trọng. Đặc biệt, ưu tiên phát triển đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian công cộng phục vụ người dân. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc bảo tồn, gìn giữ, nâng cao những di sản công nghiệp có giá trị.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023. Các chuyên gia cũng hy vọng, lần sửa đổi này sẽ hình thành các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp Hà Nội ngày càng phát triển, nhưng vẫn giữ được bản sắc, đồng thời song hành cùng với đời sống cư dân hiện hữu.

Trong quá trình phát triển, không thể phủ nhận Hà Nội đã làm được rất nhiều và có những thành quả nhất định. Song các chuyên gia đều đồng tình, Hà Nội cần có những giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt hơn nữa để xứng đáng với tầm nhìn mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, xứng đáng là Thủ đô xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top