Câu hỏi đặt ra, cũng là vấn đề cấp bách của toàn cầu là: Làm thế nào để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái và phát triển bền vững?
Sự phát triển của đô thị tương lai đòi hỏi một số chiến lược mới, một số trong đó đã được áp dụng cho sự phát triển đô thị ngày nay. Việc tái sử dụng thích ứng các tòa nhà cũ bao gồm các tòa nhà lịch sử, công nghiệp… được đề xuất trong bài viết này là một ví dụ về một trong những chiến lược phát triển đô thị bền vững.
Tái sử dụng thích ứng là một cách cải tạo xây dựng, chuyển đổi công năng của các tòa nhà cũ, nhưng cần phân biệt với cải tạo tòa nhà và bảo vệ tòa nhà cổ. Bảo vệ tòa nhà cổ đề cập đến việc sửa chữa các tòa nhà lịch sử, bảo tồn các giá trị lịch sử và văn Quần thể di tích cố đô Huế, cố đô Hoa Lư, Thành Nhà Hồ và các địa danh lịch sử khác. Việc này có tầm quan trọng sống còn đối với bản sắc văn hóa của đất nước, cũng là giá trị và thẩm mỹ quốc gia.
Tái sử dụng thích ứng cũng bảo tồn cấu trúc tòa nhà ban đầu, nhưng bảo tồn lịch sử chỉ là mục đích thứ yếu. Cải tạo tòa nhà có nghĩa là giữ lại các chức năng xây dựng hiện có và cải tạo chúng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiện đại, thay thế cửa sổ hoặc gia cố để kéo dài tuổi thọ của tòa nhà. Tái sử dụng thích ứng bao gồm cả cải tạo kiến trúc và sử dụng hoàn toàn tòa nhà để cung cấp cho nó các tính năng mới.
Tái sử dụng thích ứng đã trở thành một mô hình chủ đạo trong thế giới kiến trúc ngày nay, đã được thực hiện ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn như: nhà thờ được chuyển thành nhà hàng, xe lửa cũ hoặc silo bị bỏ hoang được chuyển thành nơi ở, nhà máy được chuyển thành phòng hòa nhạc, bệnh viện được chuyển thành khách sạn hoặc tòa nhà văn phòng hay các tòa nhà công ngiệp cũ được chuyển đổi thành bảo tàng. Tái sử dụng thích ứng là bền vững, thân thiện với môi trường, khả thi về kinh tế và có giá trị văn hóa xã hội cao. Việc này đã làm sống lại các công trình cũ và đạt được sự thống nhất về đổi mới và bảo vệ.
Các nước châu Âu đi đầu về việc cải tạo và tái sử dụng các tòa nhà cũ và đây luôn là chủ đề nóng trong ngành xây dựng. Tái sử dụng thích ứng tại châu Âu luôn hướng đến mô hình bảo vệ toàn diện: Không chỉ bảo vệ công trình cũ mà còn sửa chữa môi trường sinh thái tự nhiên, và xây dựng toàn bộ khu công trình cũ thành khu vực cảnh quan di sản. Điển hình là các nhà kho cũ đã được chuyển thành nhà hát, phòng trưng bày, phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng, phòng hòa nhạc và thư viện kết hợp cảnh quan xung quanh thành một bảo tàng ngoài trời, bảo vệ toàn bộ khu vực dưới dạng không gian mở và chủ yếu trưng bày các vật thể kể chuyện của khu công nghiệp, cơ sở sản xuất hay các công trình cũ có giá trị. Đây là vừa một không gian giải trí công cộng đô thị, đáp ứng nhu cầu kép về trải nghiệm lịch sử, văn hóa và giải trí của khách du lịch. Bài viết này sẽ đề cập đến các ví dụ điển hình cho việc tái thiết thích ứng này.
Công viên mỏ luyện than cốc Zollverein, Essen, Đức là một kiệt tác về kiến trúc khai thác. Nó được khai trương vào năm 1932 và là một trong những mỏ than hiện đại nhất vào thời điểm đó, được thiết kế bởi công ty kiến trúc Schupp và Kremmer theo phong cách Neue Sachlichkeit (Tính khách quan mới). Mỏ đã bị đóng cửa vào năm 1986. Tổ hợp công nghiệp Zeche Zollverein rộng 100ha, với nhà máy luyện cốc, đã trở thành di sản văn hóa thế giới của UNESCO từ năm 2001. Di tích công nghiệp này là một trung tâm sống về lịch sử văn hóa. Một loạt các triển lãm, buổi hòa nhạc, nhà hát và biểu diễn, hội thảo và lễ hội đã biến địa điểm đóng cửa trước đó thành một địa điểm công cộng sôi động. Khoảng 1,5 triệu khách từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm mỗi năm. Nhiều công ty và tổ chức đã mở cơ sở ở đây.
Thiết kế của công viên dựa trên một số nguyên tắc: Nhấn mạnh tính toàn vẹn của tòa nhà, áp dụng phương pháp thiết kế cảnh quan hạn chế, giảm các loại yếu tố và vật liệu, tôn trọng tài nguyên hiện có, bảo vệ di sản công nghiệp, tăng cường không gian cho du khách di chuyển và mở các không gian khép kín. Tại đây, du khách cũng có thể tận dụng mọi cơ hội có thể để khám phá môi trường tự nhiên của mỏ than Zollverein: Đi dạo qua công viên xanh mát, thỏa thích bơi vào mùa hè và trượt tuyết vào mùa đông.
Có thể thấy rằng việc tái thiết thích ứng các công trình di sản cần có một kế hoạch lâu dài, đòi hỏi sự tôn trọng tính lịch sử của khu vực. Các ví dụ đưa ra có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với nghiên cứu lý thuyết và khám phá thực tế về việc tái thiết công trình cũ trong nước. Việc tái thiết thích ứng này cần phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, phát hiện kịp thời các vấn đề và cơ hội mới trong quy hoạch, tối đa hóa tiềm năng của nó và điều chỉnh phù hợp để đạt được lợi ích tối đa. Việc chuyển đổi cần được tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố, của khu vực.
Chúng ta nên tận dụng cơ hội đổi mới và chuyển đổi để khai thác triệt để việc bảo vệ di sản và thúc đẩy sự phát triển du lịch. Làm nổi bật các đặc điểm khu vực như văn hóa, cảnh quan nguyên bản tại khu vực có thể được sử dụng để thúc đẩy du lịch, với việc nâng cấp phát triển các khu trải nghiệm giải trí kỹ thuật số, sử dụng chiếu sáng và sáng tạo để làm phong phú thêm không gian giải trí sẽ trở thành một đặc điểm chính của thành phố. Cần tôn trọng sự xuất hiện ban đầu và lịch sử của công trình di sản. Bảo vệ và tái thiết công trình giá trị cần kết hợp giữa thời gian và không gian, tái hiện lịch sử và ký ức. Tôn trọng quá trình phát triển tự nhiên, ủng hộ việc tái chế năng lượng, vật liệu và tự duy trì khu vực, xây dựng hệ sinh thái cảnh quan sôi động. Sử dụng hợp lý các nguồn lực và giảm hiệu quả chi phí dự án.
Trong thiết kế, các vật liệu và năng lượng trên công trường được tái chế càng nhiều càng tốt, khai thác tối đa tiềm năng vật liệu để đạt lợi ích môi trường, kết hợp với tiết kiệm năng lượng và lợi thế xã hội, làm cho việc tái sử dụng thích ứng trở thành một thành phần thiết yếu của phát triển bền vững.
ThS. KTS. Đỗ Hoàng Rong Ly
Khoa Kiến Trúc – Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng