Aa

"Tam giác truyền thông" doanh nghiệp - hiệp hội - báo chí: Từ kết nối thông tin đến sức nặng của tiếng nói phản biện chính sách

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Sáu, 18/07/2025 - 13:15

Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên gồm doanh nghiệp - hiệp hội - báo chí không chỉ là yêu cầu khách quan, mà còn góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của quốc gia trong giai đoạn mới, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi bài toán tháo gỡ các nút thắt thể chế đang được đặt ra để xử lý quyết liệt và mạnh mẽ.

Phối hợp hiệu quả để nâng cao "sức nặng" kiến nghị

Chia sẻ tại Diễn đàn "Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách", các chuyên gia đều khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối giữa ba chủ thể trong "tam giác truyền thông".

Trong hệ sinh thái đó, các hiệp hội đóng vai trò cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp thực tế với cơ quan quản lý Nhà nước. Doanh nghiệp, với tư cách là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ chính sách, cần chủ động cung cấp các phản hồi về tính khả thi và hiệu quả của chính sách, nhất là trong quá trình hoàn thiện thể chế, sửa đổi đồng bộ nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan quan báo chí đóng vai trò giám sát, phản biện chính sách và truyền tải những chủ trương, chính sách mới.

Là người từng làm báo, hiện là doanh nhân và đại diện cho một hiệp hội ngành nghề, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest khẳng định, Quốc hội và Chính phủ luôn cần kênh thông tin từ "tam giác" này, nhưng vấn đề là cách thức đưa thông tin như thế nào cho hiệu quả. 

Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên không chỉ là yêu cầu khách quan, mà còn góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của quốc gia. Theo ông Hiệp, nếu thông tin chỉ dừng lại ở việc phản ánh các văn bản thì sẽ khó tạo sức lan tỏa. Điều cần thiết là tạo ra một tiếng nói đồng thuận, tiếng nói có sức nặng và ảnh hưởng lan rộng trong xã hội.

"Tam giác truyền thông" doanh nghiệp - hiệp hội - báo chí: Từ kết nối thông tin đến sức nặng của tiếng nói phản biện chính sách- Ảnh 1.

GS. TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

Trong "tam giác truyền thông" này, GS. TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đánh giá vai trò của báo chí và tiếng nói đóng góp của doanh nghiệp ngày càng cần được nâng cao, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi bài toán tháo gỡ các nút thắt thể chế đang được đặt ra để xử lý quyết liệt, mạnh mẽ. 

"Chúng ta đều cần quan tâm đến Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Có điều chúng ta cần lưu ý rằng, không phải kiến nghị nào được gửi lên cũng được xử lý ngay mà cần có quá trình. Trong chuyện giải quyết kiến nghị chính sách, cần có thời gian nghiên cứu và tiếp cận thực tế.

Nếu quy định pháp luật chồng chéo, chưa rõ ràng, cần có tiếng nói đề nghị Quốc hội hoàn thiện chính sách, quyết ngay không chờ đợi nếu có thể. Trong trường hợp Quốc hội chưa thể điều chỉnh ngay, thì vai trò thuộc về Chính phủ, cần hành động ngay. Những vấn đề chưa được quy định rõ ràng, Chính phủ được phép ban hành biện pháp gỡ vướng. 

Và muốn nhận diện được những vấn đề đó, cần lắng nghe vướng mắc từ cuộc sống, từ chính các doanh nghiệp đưa đến. Tiếng nói của doanh nghiệp và các hiệp hội, cùng với sự truyền thông của cơ quan báo chí là rất quan trọng, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng chính sách của đất nước", GS. TS. Hoàng Văn Cường nhận định.

Từ góc độ người làm báo, nhà báo Thu Hiền (Tạp chí Kinh tế và Tài chính) cũng đồng tình, mô hình tam giác phối hợp giữa báo chí - doanh nghiệp - hiệp hội là cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi vai trò của báo chí ngày càng được khẳng định rõ nét trong dòng chảy thông tin và chính sách.

Theo bà, trong tam giác này, hiệp hội đóng vai trò trung gian, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước; báo chí là kênh truyền tải thông tin, đồng thời góp phần thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả trong hoạch định chính sách. Nếu mô hình tam giác này vận hành đúng cách, sẽ góp phần cải thiện chất lượng phản biện, lan tỏa thông tin chính xác và thúc đẩy chính sách đi vào thực tiễn.

Để báo chí làm tốt vai trò trong mô hình này, nhà báo Thu Hiền cho rằng báo chí cần hoàn thiện đồng thời 3 nhiệm vụ song song: cung cấp thông tin, phản biện chính sách và kết nối dữ liệu đa chiều.

"Thời gian qua, báo chí đã làm khá tốt vai trò đưa tin và phản ánh, tuy nhiên vai trò kết nối dữ liệu vẫn còn hạn chế. Điều này đòi hỏi sự phối hợp sâu hơn với các cơ quan chức năng, các chuyên gia và hiệp hội để báo chí có đủ nền tảng dữ liệu vững chắc cho phân tích và phản biện", nhà báo Thu Hiền nói

"Tam giác truyền thông" doanh nghiệp - hiệp hội - báo chí: Từ kết nối thông tin đến sức nặng của tiếng nói phản biện chính sách- Ảnh 2.

Nhà báo Thu Hiền - Tạp chí Kinh tế và Tài chính. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

Truyền thông chính sách trong giai đoạn mới: Gợi mở ba định hướng

Chia sẻ quan điểm, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Xây dựng, nguyên Tổng Biên tập Tuần Tin tức (TTXVN) nhấn mạnh, sự phối hợp giữa hiệp hội và báo chí là yếu tố làm tăng trọng lượng cho các kiến nghị chính sách. Dẫn chứng từ thực tế, ông cho biết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã 3 lần có văn bản kiến nghị sửa đổi Nghị định 103 có quy định thu tiền sử dụng đất bổ sung. Nhưng vẫn cần sự tham gia của báo chí, vì nếu báo chí đưa thông tin và phản ánh, thì các kiến nghị sẽ có trọng lượng và giá trị hơn.

Tuy nhiên, theo ông Doanh, báo chí muốn phản ánh đúng và trúng thì phải hiểu vấn đề. Bởi lẽ, "không phải nhà báo nào cũng có thể nắm được hết các khía cạnh chuyên môn, cũng không thể là chuyên gia trong mọi lĩnh vực". Vậy nên, vai trò chủ động cung cấp thông tin và kiến nghị đến Hiệp hội của doanh nghiệp là rất quan trọng.

"Tam giác truyền thông" doanh nghiệp - hiệp hội - báo chí: Từ kết nối thông tin đến sức nặng của tiếng nói phản biện chính sách- Ảnh 3.

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Xây dựng, nguyên Tổng Biên tập Tuần Tin tức, TTXVN. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

Ông Doanh cũng lưu ý một thực tế đang diễn ra là không ít doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại, dè dặt trong việc bày tỏ quan điểm, góp ý chính sách. Dù nhiều văn bản pháp luật quan trọng đang trong quá trình lấy ý kiến, từ các dự thảo nghị định đến các luật có tác động sâu rộng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, thậm chí vắng bóng.

"Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chủ động đóng vai trò là cầu nối, là "người đại diện" đáng tin cậy của doanh nghiệp. Hiệp hội không chỉ lắng nghe, tổng hợp ý kiến, mà còn mạnh mẽ kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo tiếng nói, nguyện vọng và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp được phản ánh trung thực, kịp thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật", ông Bùi Văn Doanh chia sẻ.

Nhìn chung, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình để bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số từ năm 2026, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định vai trò của "tam giác truyền thông" càng cần được củng cố với ba định hướng trọng tâm đối với các cơ quan báo chí, truyền thông:

Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần truyền tải được thông điệp, rằng việc xây dựng chính sách pháp luật phải bám sát, căn cứ vào “bộ tứ trụ cột” gồm 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị.

Thứ hai, trong tổ chức thực hiện, kể cả xây dựng và thực thi chính sách phải gắn chặt chẽ với tư duy mà Tổng Bí thư đã nói đến nhiều lần, đó là chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy kiến tạo phát triển”.

Ba là, trong các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn…, các phóng viên, nhà báo nên mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận, phỏng vấn, chất vấn các cơ quan nhà nước.

Với sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan báo chí và truyền thông, các vấn đề thực tiễn sẽ được nhận diện rõ hơn, qua đó đề ra những giải pháp, cơ chế phối hợp phù hợp, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công tác hoàn thiện thể chế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top