Với vị trí chiến lược tại cửa ngõ Tây Bắc, nơi từng là "vùng trũng phát triển", dự án đang từng bước chuyển hóa toàn bộ không gian đô thị, đón đầu làn sóng dịch chuyển của giới đầu tư, chuyên gia và các cộng đồng quốc tế có nhu cầu sinh sống – làm việc tại một thành phố cảng hiện đại.

Quy hoạch Cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng
Cảng Liên Chiểu – dự án cảng nước sâu đầu tiên của khu vực miền Trung đang trong giai đoạn đẩy nhanh thi công, không chỉ đóng vai trò chiến lược trong phát triển hạ tầng logistics quốc gia, mà còn được kỳ vọng là chất xúc tác quan trọng cho việc kiến tạo một trung tâm đô thị hiện đại mới tại Đà Nẵng.
Trong chuyến thị sát công trình Cảng Liên Chiểu vào ngày 1/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra tiến độ dự án và có buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh: "Cảng Liên Chiểu là công trình hạ tầng chiến lược quan trọng không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên".

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu
Thủ tướng cũng chỉ rõ rằng nhiều nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Ấn Độ... đang quan tâm đến khu vực này và sẽ chờ đợi hạ tầng hoàn chỉnh để quyết định đầu tư. "Phải gấp rút hoàn thiện hạ tầng để tạo điều kiện thu hút những nhà đầu tư lớn, mang lại sự phát triển bền vững cho TP. Đà Nẵng và khu vực", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Phát biểu trong buổi kiểm tra thực địa dự án, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đánh giá rằng Cảng Liên Chiểu là dự án quan trọng bậc nhất của TP. Đà Nẵng hiện nay. Ông nhấn mạnh: "Việc triển khai dự án đã góp phần tạo ra những động lực đầu tiên cho một số hoạt động đầu tư của TP trong thời gian qua".
Trao đổi với Reatimes, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhấn mạnh: "Như vậy, giờ chính là thời điểm để Đà Nẵng có điều kiện "cất cánh", vì đã có sẵn sân bay quốc tế, đường bộ và đường bộ cao tốc, đường sắt Bắc Nam hiện hữu và đường sắt cao tốc Bắc Nam trong tương lai. Điều này gắn kết với hệ thống cảng biển nước sâu Liên Chiểu và kết nối phía Tây của Đà Nẵng với đường Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 14B hướng về Tây Nguyên rất thuận lợi…".
Các tuyến giao thông như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường vành đai phía Tây, đường sắt quốc gia và hệ thống logistics sẽ được tối ưu hóa khi Cảng Liên Chiểu được đưa vào khai thác, đóng vai trò trung tâm kết nối chuỗi cung ứng miền Trung và vùng hệ sinh đầy tiềm năng của Tây Nguyên.
KTS. Trần Ngọc Chính hy vọng rằng với khu thương mại tự do của Đà Nẵng mà Thủ tướng đang rất quan tâm chỉ đạo thực hiện, đây chính là cơ hội của Đà Nẵng và của cả Việt Nam. Cần hiểu rõ, khu thương mại tự do thế hệ mới là cơ cấu của một cảng biển. Để cảng biển đó đạt công suất hàng trăm triệu tấn/năm là chuyện khả thi trong tương lai. "Với tầm nhìn mới và quyết tâm mạnh mẽ, như tôi đã nói ngay từ đầu, đây là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", khi Chính phủ và Đà Nẵng cùng vào cuộc, và hành động đó phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, thành phố hoàn toàn có thể phát triển khu thương mại tự do thế hệ mới", KTS. Trần Ngọc Chính, khẳng định.
Trong chuyến công tác tại Singapore, ngày 3/3/2025 ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã làm việc với Westport Malaysia - một trong những đơn vị vận hành cảng hàng đầu khu vực, sở hữu hệ thống bến nước sâu và hạ tầng hiện đại, kết nối với 359 cảng trên toàn thế giới. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh những tiềm năng hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cảng biển và logistics.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên phải) và ông Vijaya Kumar Puspowanam, Giám đốc điều hành cảng Westport
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng phân tích những lợi thế cạnh tranh vượt trội của Cảng Liên Chiểu so với các cảng khác trong khu vực, nhất là trong kết nối vận tải đa phương thức: nằm ngay trên tuyến luồng hàng hải quốc tế, khoảng cách từ cảng đến luồng hàng hải quốc tế 7,3km; về đường bộ kết nối từ cảng đến hệ thống giao thông quốc gia 4km; kết nối trực tiếp hệ thống đường sắt quốc gia 1,5km. Thành phố đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung kết nối đến cổng cảng và tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kết nối từ cảng đến các phân khu chức năng của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Với sự đồng bộ giữa cảng biển, khu thương mại tự do, đô thị thông minh và các dịch vụ chuyên gia cao cấp, Đà Nẵng đang định hình một mô hình đô thị cảng biển kiểu mẫu mới. Đây là cơ hội để TP thoát ra khỏi không gian du lịch truyền thống và tiến tới trung tâm kinh tế đa ngành – logistics – đổi mới sáng tạo. Thấy rõ điều này, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bắt đầu dịch chuyển sự quan tâm về khu vực Tây Bắc TP. Đà Nẵng, nơi hội tụ đủ ba yếu tố nền tảng: hạ tầng hiện đại, quỹ đất quy hoạch bài bản và tầm nhìn dài hạn từ chính quyền thành phố.

Đà Nẵng - thành phố du lịch, nghỉ dưỡng và sự kiện
Đà Nẵng cũng đang hoàn tất đề án hình thành Khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) gắn với Cảng Liên Chiểu. Mô hình này nếu được Trung ương phê duyệt, sẽ tạo bước nhảy vọt về cơ chế: quản trị riêng, chính sách thuế linh hoạt, dòng vốn và dòng hàng lưu thông tự do – điều kiện lý tưởng để hình thành chuỗi logistics và trung tâm phân phối khu vực.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - để triển khai thực hiện FTZ Đà Nẵng, có 2 nhóm công việc chính cần phải làm và hoàn thành càng sớm càng tốt.
Đầu tiên là xây dựng "hạ tầng cứng" ngoài FTZ, tức là hạ tầng kinh tế - xã hội về giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt, công nghệ thông tin, điện, nước, môi trường… "Có làm được "hạ tầng cứng" ngoài FTZ thì mới huy động được nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư hạ tầng trong FTZ. Trong đó, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu đóng vai trò quyết định đến thành công của FTZ Đà Nẵng", TS. Nguyễn Đình Chung, chia sẻ quan điểm của mình.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh đến vấn đề thứ hai là "hạ tầng mềm", tức là cơ chế, chính sách, thể chế đối với FTZ Đà Nẵng như: Tự do kinh doanh một cách cao độ nhất có thể và ưu đãi vượt trội cho các thể nhân, pháp nhân hoạt động trong FTZ.
Từ những nền tảng đó, Đà Nẵng có thể từng bước khẳng định vị trí là trung tâm kinh tế biển kiểu mới: không chỉ xuất phát từ vị trí địa lý chiến lược, mà còn từ năng lực tổ chức hạ tầng, năng lực thu hút chất xám và môi trường sống lý tưởng. Đây chính là mô hình đô thị tương lai: thông minh, tích hợp, quốc tế hóa và phát triển bền vững.
Khi hạ tầng giao thông đồng bộ được xây dựng xoay quanh trung tâm là Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng đang hướng đến việc phát triển một khu đô thị hiện đại gắn với nhu cầu đổi mới: không chỉ làm việc, giao thương, mà còn là nơi ở chất lượng cao cho chuyên gia và nhà đầu tư.

Một góc đô thị Đà Nẵng - thành phố đáng sống!
Theo quy hoạch, các khu nhà ở cho chuyên gia, khu đô thị thông minh, trung tâm dịch vụ, giáo dục, y tế quốc tế sẽ được tích hợp đồng bộ trong vùng phát triển Tây Bắc. Một ví dụ rõ nét là dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư sẽ kết nối trực tiếp với khu vực Cảng Liên Chiểu. Dự án được định hướng trở thành đô thị sinh thái – nghỉ dưỡng – sáng tạo, trong đó các phân khu nhà ở cao cấp, khu chuyên gia, trường học, bệnh viện và không gian sống chất lượng cao sẽ đóng vai trò trung tâm thu hút nhân lực tinh hoa trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, hàng loạt dự án hạ tầng đô thị ven sông Hàn, ven biển và các khu du lịch nghỉ dưỡng đã và đang hình thành ở Đà Nẵng và sau này khi không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng về phía Nam, chắc chắn tâm thế Đà Nẵng sẽ thay đổi, phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, nơi tổ chức các sự kiện quốc tế…
Khi cảng biển, hạ tầng giao thông và không gian ở cùng được thiết kế hợp lý, hiện đại, Đà Nẵng không chỉ trở thành "Đó là cửa ngõ của Trung Kỳ mở ra thế giới bên ngoài trên những tuyến giao thương kinh tế lớn mà các nước văn minh bắt buộc phải góp phần nuôi dưỡng nó" như nhận định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, mà còn là thành phố cảng với hệ sinh thái rộng mở cho việc chuyển giao công nghệ, giao lưu nhân lực, ứng dụng đổi mới sáng tạo, một trung tâm phát triển bền vững.
Cảng Liên Chiểu luôn nhận được quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo thành phố là minh chứng cho tầm nhìn lớn. Từ cảng biển – hạ tầng – quy hoạch đến con người, Đà Nẵng đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái đô thị thông minh, hướng tới vai trò đầu tàu kinh tế biển – công nghệ – logistics của miền Trung trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!
Cảng Liên Chiểu đón tàu 100.000 tấn
Cục Hàng hải và Đường thuỷ VN vừa trình Bộ Xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, khu bến Cảng Liên Chiểu quy hoạch các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan cỡ tàu trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Hàng hóa thông qua khu bến dao động từ 8,7 - 13,7 triệu tấn.
Quy mô bến cảng sẽ từ 5 - 8 bến cảng xây dựng mới (gồm 5 - 8 cầu cảng) với tổng chiều dài 1.380 - 2.780m và 1 bến cảng hàng rời với tổng chiều dài 100m, 3 bến phao chuyên dùng di dời phù hợp theo tiến trình đầu tư tại khu bến Liên Chiểu giai đoạn năm 2030 (chưa bao gồm các bến cảng khác). Cụ thể, bến cảng container sẽ quy hoạch từ 2 - 4 bến cảng (gồm 2 - 4 cầu cảng) với tổng chiều dài từ 750 - 1.650m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Trong đó, 2 bến cảng khởi động đáp ứng thông qua hàng hóa từ 7,5 - 11,9 triệu tấn; 2 bến cảng còn lại phát triển phù hợp với nhu cầu trung chuyển container quốc tế.
Bến cảng hàng lỏng/khí phục vụ kho dự trữ LNG, LPG được quy hoạch từ 1-2 bến cảng (gồm 1 - 2 cầu cảng) với tổng chiều dài từ 250 - 750m tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 0,45 - 0,75 triệu tấn.
Đối với các bến phao, khu neo đậu chuyển tải tại khu bến Liên Chiểu, tiến hành di dời đồng bộ với tiến trình đầu tư các bến cảng container tại khu bến Liên Chiểu. Cùng đó, đầu tư 2 bến cảng (gồm 2 cầu cảng) hàng lỏng với tổng chiều dài 380m tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 tấn thay thế các bến hàng lỏng khi di dời, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 0,75 - 1,05 triệu tấn.
Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu bến Liên Chiểu từ 2 - 4 bến cảng (gồm 2 - 4 cầu cảng). Trong đó, 2 bến cảng khởi động đáp ứng thông qua hàng hóa từ 7,5 - 11,9 triệu tấn, 2 bến cảng còn lại phát triển phù hợp với nhu cầu trung chuyển container quốc tế.