Đô thị hóa là một quá trình thay đổi cảnh quan của toàn cầu. Các khía cạnh kinh tế xã hội như công ăn việc làm, lối sống văn minh, hiện đại càng ngày càng thu hút đông người dân hơn đến với các khu vực đô thị. Theo dữ liệu của trang GlobalData, dự báo từ năm 2015 đến năm 2025, 500 thành phố có sự phát triển mạnh mẽ nhất sẽ đóng góp tới 76% vào sự tăng trưởng của GDP thế giới.
Việc dân số đô thị tiếp tục tăng lên đồng nghĩa với số lượng “siêu đô thị” sẽ nhiều hơn. Theo dữ liệu mới nhất của GlobalData, ước tính vào năm 2025 sẽ có 41 siêu đô thị trên toàn thế giới, gồm 12 ở Trung Quốc và 6 ở Ấn Độ. Đây là một sự gia tăng đáng kể bởi vào năm 2000, chỉ có 25 siêu đô thị trên toàn cầu, 7 ở Trung Quốc và 3 ở Ấn Độ.
Phần lớn các siêu đô thị sẽ nằm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, bên cạnh đó là các siêu đô thị ở những khu vực đang phát triển khác gồm châu Phi và Nam Mỹ. Việc dự đoán các thành phố như vậy sẽ tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp phát triển và mở rộng cơ hội làm ăn. Các chính phủ cũng sẽ dựa trên cơ sở này để quy hoạch, quản lý đô thị, hoạch định các chính sách nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội còn nhiều bất cập như tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Điều thú vị về các siêu đô thị là không có hai cái giống nhau. Mỗi đô thị có đặc điểm riêng, đòi hỏi những chiến lược riêng để xây dựng và phát triển. Các siêu đô thị cũng có thể sẽ có hướng phát triển khác, không giống như bức tranh toàn cảnh của quốc gia. Chẳng hạn, GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến vào năm 2015 được dự đoán đạt 25.369 USD, trong khi mức GDP này của toàn Trung Quốc chỉ là 8.093 USD (theo dữ liệu của GlobalData). Điều đó cho thấy dữ liệu cấp quốc gia không phải lúc nào cũng áp dụng được cho các trong siêu đô thị ngay tại đất nước đó.
Khi các siêu đô thị xuất hiện trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, công nghệ sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy khả năng tăng trưởng. Sean Hyett, nhà phân tích của GlobalData, giải thích: “Cần tiến bộ công nghệ để đáp ứng nhu cầu của người dân ngày càng tăng như nhu cầu vận chuyển và mong muốn duy trì kết nối. Ở các thị trường mới nổi và đang có sự phát triển mạnh mẽ, yếu tố công nghệ càng trở nên thiết yếu”.
Khi mà khu vực đô thị ngày càng được mở rộng thì con người sống tại đó cũng thay đổi theo. “Dân số đô thị tăng lên, thu nhập cao hơn thì dữ liệu nhân khẩu học cũng liên tục bị cũ đi. Điều này có nghĩa là văn hóa và hành vi xã hội có sự thay đổi nhanh chóng và thường xuyên, đòi hỏi phải liên tục cập nhật thông tin về nhân khẩu học ở khu vực, nhằm đáp ứng tối đa được nhu cầu của cư dân tại đó”, ông Sean Hyett nói.
Số lượng siêu đô thị gia tăng trên toàn cầu chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Sự phát triển về mặt hạ tầng cũng kéo theo nhiều nhu cầu tăng lên như vận tải, nguồn tài nguyên gia tăng, bên cạnh đó là sự ô nhiễm môi trường, nguồn nước… chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho con người. Đó cũng là vấn đề mà những nhà quản lý chính sách cần lưu tâm khi xây dựng siêu đô thị.