Tuy nhiên, vẫn còn những nhược điểm khiến loại vật liệu này chưa có chỗ đứng trên thị trường.
Nhiều ưu điểm
Với trình độ khoa học ngày càng phát triển, những vật liệu sử dụng trong xây dựng nhà ở ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Trong những năm gần đây, việc sử dụng các vật liệu mới thay thế các vật liệu xây dựng thông dụng để giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian xây dựng và giảm giá thành công trình, được nhiều chủ đầu tư, nhà thầu chú ý. Một trong những loại vật liệu đó là tấm tường bê tông với nhiều chủng loại.
Với chất liệu từ xi măng và các chất phụ gia làm cho vật liệu này trở nên “xanh hơn”, nhiều ưu điểm hơn so với gạch đất nung truyền thống.
Theo đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tấm tường rỗng đúc sẵn là những tấm tường có lỗ rỗng chạy dọc theo chiều cao hoặc chiều dài tường, được sản xuất từ bê tông thông thường hoặc bê tông nhẹ. Tấm tường rỗng tiền chế được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như làm tường ngăn giữa các căn hộ và giữa các phòng, tường bao che, tường rào trong các công trình dân dụng và công nghiệp, tường chống ồn cho các công trình giao thông…
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết, tấm tường rỗng đúc sẵn đem lại hiệu quả kinh tế lớn do tiết kiệm vật liệu và nhân công xây dựng. Tấm tường rỗng từ bê tông hoặc bê tông nhẹ, chiều dày nhỏ hơn nên tiết kiệm chi phí vật liệu hơn so với các loại tường truyền thồng như tường gạch, block bê tông khí chưng áp.
Ngoài ra, tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn có thể dễ dàng thi công lắp đặt với năng suất cao. Với ba công nhân có thể dễ dàng lắp đặt 6m2 tường trong 1 giờ (tương đương 40m2 tường trong 1 ca lao động 8 tiếng). Tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn được chế tạo trong nhà máy với độ chính xác cao, bề mặt nhẵn có thể sơn hoàn thiện luôn mà không cần lớp vữa trát.
Bên cạnh đó, sản phẩm này còn hạn chế được rác thải xây dựng ra môi trường, linh hoạt trong đổi màu sơn sau khi lắp đặt, có thể biến tấu qua các hình thức giật cấp, tạo hình,… tạo ra bề mặt trần phẳng, che được hệ thống cơ điện phía trên.
Các lỗ rỗng trong tấm tường được sử dụng linh hoạt để bố trí hệ thống kỹ thuật (điện, nước). Có thể cắt, khoan tấm tường để bố trí hệ thống kỹ thuật dễ dàng. Khả năng chống ẩm, chống cháy cao, nên tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn được sử dụng tại những nơi có độ ẩm và nhiệt độ cao như nhà tắm, nhà bếp, nhà kho.
Một ưu điểm nữa là loại vật liệu này có độ bền và tuổi thọ tốt hơn tường gạch truyền thống, phù hợp với xu hướng hạn chế sử dụng vật liệu nung. Chiều dày tường rỗng bê tông đúc sẵn chỉ từ 68 - 140 mm, giảm đáng kể so với các loại tường truyền thống khác, giúp tăng diện tích sử dụng căn hộ, tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư. Nguyên vật liệu để chế tạo tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn đơn giản (xi măng, cát, đá, nước), có nguồn cung cấp dồi dào.
Với những ưu điểm nổi bật, tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn được sử dụng rất rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, từ các nước phát triển như Đức, Phần Lan, Tây Ba Nha, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất…, đến những nước đang phát triển, có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam như Ai Cập, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Indonesia…
TS. Lê Trung Thành, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết, theo dự báo đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tương ứng khoảng 42 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Hiện nay, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng khoảng 10 - 12%/năm.
“Do đó, nếu chỉ dùng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm. Ngoài ra, sử dụng gạch đất sét nung còn khó công nghiệp hóa ngành xây dựng. Vì vậy, việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây dựng không nung nói chung và tấm tường bê tông nói riêng sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tiêu thụ một phần phế thải từ các ngành công nghiệp như nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng,… góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải xây dựng”, ông Thành cho biết.
Nhưng còn những e ngại
Dù có nhiều ưu điểm và nằm trong mục tiêu của ngành xây dựng, nhưng hiện nay, tấm tường bê tông đúc sẵn vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nguyên nhân chính, theo các nhà sản xuất, nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư là loại vật liệu này còn tồn tại những hạn chế.
Đầu tiên, để sản xuất loại vật liệu này cần phải đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, chứ không đơn giản như sản xuất gạch nung truyền thống.
Sản phẩm này được sản xuất trên dây chuyền hiện đại và dựa trên TCVN 11524:2016 của Hội Bê tông Việt Nam về thiết kế, chế tạo, bảo quản, vận chuyển, lắp đặt và sử dụng đối với tấm tường rỗng bê tông rỗng đúc sẵn.
Chẳng hạn, tường ngăn giữa các phòng trong căn hộ là 68mm hoặc 75mm; tường ngăn giữa các căn hộ là 100mm hoặc 120mm; tường bao ngoài là 140mm. Chiều rộng tấm tường là 300mm và 600mm…
Ngoài ra, với kích thước, khối lượng một tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn lớn so với các gạch xây, nên khi vận chuyển, thi công, lắp dựng phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ như xe nâng, cẩu…
Theo đại diện Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Đại Phú Vinh, bên cạnh những điều kiện khắt khe về kỹ thuật, thì tấm tường bê tông không dễ tháo ráp sau khi lắp đặt, nhạy cảm với dao động của tòa nhà, tức là dễ bị rung lắc khi có lực tác động mạnh.
Mối nối có thể bị nứt nếu không được xử lý đúng cách, khả năng chịu lực theo phương ngang yếu. Vì vậy, phải bố trí vách ngang nhiều, làm cho công trình không còn thông thoáng, hoặc phải bố trí hệ cột phụ bằng thép.
Bên cạnh đó, theo kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), tấm tường bê tông đúc sẵn không linh hoạt khi thiết kế kiến trúc với nhiều góc cạnh, do các tấm bê tông không thể uốn cong, không dễ dàng để cắt xén tùy tiện… và tổng giá thành cao hơn tường gạch xây. Chỉ khi làm đại trà mới có giá thành chấp nhận được.
Bên cạnh những hạn chế so với gạch nung truyền thống, lý do nữa khiến tấm tường bê tông đúc sẵn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường là còn do xuất hiện đối thủ cạnh tranh mới.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sáu, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải cho biết, loại vật liệu nhẹ thứ hai đồng hành cùng công trình xây dựng thế hệ mới đó là tấm thạch cao với nhiều tính năng mang lại lợi ích vượt trội. Cụ thể, tấm thạch cao có kết cấu bền chắc, đặc biệt tấm thạch cao chuyên dụng chịu lực có thể chịu va đập rất cao.
Tấm thạch có kết cấu hợp lý, dễ dàng thi công và đưa vào sử dụng ngay mà không cần mất thời gian chờ đợi so với vật liệu xây dựng truyền thống, giúp giảm chi phí thi công và sửa chữa.
Với cùng một độ dày tường là 101 mm, thì tường thạch cao có khả năng cách âm tối đa 42 dB. Tai người thường khi chênh lệch 3 dB đã có thể cảm nhận rõ sự khác biệt. Với ưu điểm cách âm cao hơn đến 10 dB so với tường gạch truyền thống, tấm thạch cao giúp bạn trải nghiệm không gian yên tĩnh thú vị và thoải mái hơn…