Aa

Tận dụng cơ hội gì từ chiến tranh thương mại?

Thứ Sáu, 09/11/2018 - 02:01

Các công ty sản xuất nội thất tại Trung Quốc dưới áp lực của chiến tranh thương mại đã phải tính đến phương án chuyển sản xuất ra nước ngoài và Việt Nam là một điểm đến.

Nhiều ngành tăng trưởng âm, sản xuất công nghiệp chậm lại

Tăng trưởng toàn ngành công nghiệp tháng 10 giảm xuống 7,7%, mức thấp nhất 5 tháng. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%, cũng là mức thấp nhất 5 tháng và khai khoáng giảm 9,5%.

Tốc độ tăng trưởng thấp của tháng 10 có thể thấy từ trước bởi xu hướng giảm dần đều đã diễn ra trong nhiều tháng qua cộng hưởng với nền cao đột biến của cùng kỳ 2017.

Tháng 10/2017, chứng kiến sự phục hồi mạnh của sản xuất công nghiệp do khai thác khí thiên nhiên và sản xuất điện thoại cùng tăng tốc. Thị trường điện cạnh tranh được tạm dừng trong tháng 10/2017 để mở đường cho các nhà máy điện khí gia tăng sản lượng, gián tiếp thúc đẩy khai thác khí thiên nhiên và tăng trưởng ngành khai khoáng. Tổng sản lượng khí tự nhiên khai thác tháng 10/2017 đạt 910 triệu m3, tăng 14% so với trung bình 9 tháng đầu năm.

Trong khi tháng 10 năm nay, sản lượng khí thiên nhiên chỉ đạt 750 triệu m3, thấp hơn trung bình 9 tháng khoảng 10%. Sau sự thành công của Galaxy S8 vào tháng 4, Galaxy Note 8 được mở bán vào tháng 9/2017 đã đẩy sản xuất và xuất khẩu điện thoại tăng vọt.

Xuất khẩu điện thoại tháng 10/2017 đạt 5,2 tỷ USD, tăng 85,5% theo năm, cao nhất 53 tháng. Tháng 10 năm nay, giá trị xuất khẩu điện thoại chỉ là 4 tỷ USD, kéo chỉ số công nghiệp sản xuất ngành điện tử giảm 1,5%.

Ngành dược sau nhiều tháng năm 2018 tăng trưởng cao đã bất ngờ chuyển sang tăng trưởng âm 0,2%. Thực tế nhìn lại, trong tháng 10 cùng kỳ tăng trưởng cũng tương đối thấp.

Điểm tích cực là dù sản xuất dược trong nước có chậm lại, nhập khẩu dược phẩm tháng 10 cũng giảm 14,9%. Điều này cho thấy chính sách bảo hộ ngành dược vẫn phát huy tác dụng và có thể ngành dược sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong các tháng tiếp theo.

Ngành sản xuất xe có động cơ giảm tốc từ 35% trong tháng 9 xuống chỉ còn 14,2% trong tháng 10 dù giá trị nhập khẩu ô tô trong tháng 10 thay đổi không đáng kể.

                                                                       Tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu nội thất


Trong 3 tháng từ tháng 8 đến tháng 10, nhập khẩu ô tô đều trên 200 triệu USD/tháng trong khi trung bình 7 tháng đầu năm là 66 triệu USD/tháng.

Nghị định 116 tạo ra một số hàng rào kỹ thuật với việc nhập khẩu xe nguyên chiếc nên giúp giảm bớt lượng xe nhập khẩu vào đầu năm.

Theo thời gian, các nhà nhập khẩu đã khắc phục, đáp ứng được các quy định mới và vì vậy, xe nhập khẩu tăng tốc. Diễn biến này rất có thể sẽ có ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô trong nước trong những tháng tiếp theo.

Hai ngành vốn có tăng trưởng cao là dệt may và sắt thép tiếp tục duy trì phong độ ổn định. Tăng trưởng ngành dệt tháng 10 đạt 15,7%, cao nhất từ đầu năm, may đạt 18,1% và ngành sản xuất kim loại đạt 39,2%, cao nhất 18 tháng.

Thị trường xuất khẩu thuận lợi là động lực chính thúc đẩy ngành dệt may với tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may tháng 10 lên tới 21,6%. Ngược lại, tín hiệu xuất khẩu lại yếu đi với mặt hàng kim loại khi giá trị xuất khẩu sắt thép tháng 10 chỉ tăng 5,1%, thấp nhất 30 tháng.

Một ngành mới nổi lên và cần lưu ý là sản xuất nội thất (giường tủ bàn ghế). Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rất có thể đã có tác động tích cực đến ngành sản xuất nội thất của Việt Nam khi tăng trưởng của ngành này từ tháng 8 đã đạt trên 20%. Trong khi trung bình 7 tháng trước đó là 14%. Xuất khẩu nội thất từ gỗ trong tháng 10 cũng đạt tăng trưởng khả quan với 18,5%.

Các công ty sản xuất nội thất tại Trung Quốc dưới áp lực của chiến tranh thương mại đã phải tính đến phương án chuyển sản xuất ra nước ngoài và Việt Nam là một điểm đến.

Điều này không chỉ tích cực với ngành sản xuất nội thất mà còn với nhiều ngành khác như khu công nghiệp, logistics … Quan trọng hơn, nếu có chiến lược thu hút FDI đúng đắn, Việt Nam có thể tận dụng thêm cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Dịch vụ gây ấn tượng với bán lẻ và vận tải

Chỉ số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 10 tăng lên 9,31% (đã loại trừ lạm phát), cao nhất 10 tháng trong đó đóng góp chính là tăng trưởng của bán lẻ hàng hóa.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 đạt 286 nghìn tỷ, tăng 14,2% theo năm, mức cao nhất nhiều năm (số liệu chưa loại trừ lạm phát). Tính chung 10 tháng, doanh số bán lẻ tăng 12,2%. Trong đó bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13%, may mặc tăng 12,6%.

Ngược với bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú ăn uống lại tăng thấp, 8,4%, thấp nhất 19 tháng do du lịch tăng chậm. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 10 là 371 nghìn lượt, mức thấp nhất 11 tháng và tính từ đầu năm, khách Trung Quốc đạt 4.18 triệu lượt, tăng 28,8% theo năm (cùng kỳ tăng 45,6%).

Vận tải hành khách và hàng hóa cùng thể hiện xu hướng cải thiện. Tăng trưởng luân chuyển hành khách 10 tháng đạt 12,8%, và luân chuyển hàng hóa là 14,1%. Trong luân chuyển hành khách, luân chuyển bằng đường hàng không tăng 7,3%, gấp đôi so với trung bình 2 tháng trước.

Với hàng hóa, tăng trưởng luân chuyển đường biển tăng 12,2%, mức cao nhất nhiều năm. Vận tải đường biển chiếm tỷ trọng 51% trong tổng luân chuyển hàng hóa nên sự cải thiện của lĩnh vực này có ảnh hưởng lớn đến bức tranh chung của ngành vận tải.

Bên cạnh đó, vận tải sôi động còn là một tín hiệu tích cực cho thấy các hoạt động kinh tế, giao thương hàng hóa vẫn đang ở trạng thái tốt dù xét về giá trị. Kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng 2018 tăng thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ, 13,7% so với 21,8%.

Tăng trưởng khách du lịch quốc tế

Tựu chung lại từ số liệu vĩ mô tháng 10 có thể thấy công nghiệp sẽ giảm tốc trong quý IV và được bù đắp một phần nhờ dịch vụ.

Trong công nghiệp, tăng trưởng của các ngành sẽ phân hóa. Điện tử tăng thấp, thậm chí có thể giảm nhưng nhiều ngành công nghiệp khác lại có tăng trưởng cao và tạo được sức lan tỏa nhất định.

Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có những biểu hiện ban đầu và trong những tác động tích cực, dòng vốn FDI là một vấn đề cần lưu tâm. Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc do lo ngại chiến tranh thương mại đang mang đến cơ hội cho Việt Nam. Với câu chuyện CPTPP, Việt Nam lại có thêm lợi thế để tạo sự khác biệt với các nước cùng trình độ phát triển.

Tận dụng tốt dòng vốn rút khỏi Trung Quốc sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh hơn bởi doanh nghiệp FDI luôn có lợi thế công nghệ và thị trường, những lợi thế mà doanh nghiệp trong nước cần nhiều thời gian để xây dựng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top