Aa

Tản mạn về hậu Lễ hội hoa Dã quỳ

Thứ Hai, 04/01/2021 - 07:00

Nó vốn là một loài hoa dại, đã nở hàng triệu đời nay trên trái đất này. Có thể ai cũng đã từng thấy ở bất cứ nơi đâu trên đất nước ta, nhưng không hiểu sao, khi về với Tây Nguyên nó mới là... dã quỳ.

Tôi là người "có tâm" với dã quỳ, từng viết vài chục bài báo về dã quỳ, từ hồi người ta còn coi nó là... cỏ dại, người ta tìm cách tiêu diệt nó vì nó lấn chiếm đất đai. Thời ấy người ta tranh thủ từng thẻo đất để trồng khoai, sắn... chống đói và chăn nuôi, nên cái sự dã quỳ cứ lừ lừ lấn đất khiến con người rất ghét. Thậm chí có quan bác có trách nhiệm còn nói với tôi: Ông có ý đồ gì mà cứ đi ca ngợi loại ăn hại ấy? Tôi thì... tán, gán cho dã quỳ những phẩm chất của... Tây Nguyên, mặc dù, nó, dã quỳ ấy, có mặt ở khắp nơi. Hồi ấy tôi đã viết như thế này: "Nó vốn là một loài hoa dại, đã nở hàng triệu đời nay trên trái đất này. Có thể ai cũng đã từng thấy ở bất cứ nơi đâu trên đất nước ta, nhưng không hiểu sao, khi về với Tây Nguyên nó mới là... dã quỳ. Có lẽ do cái gió, cái nắng, cái thiên thời địa lợi, cái thông thổ khắc nghiệt, cái gì đó không diễn tả nổi khiến nó mới là dã quỳ.

Đấy là một loài hoa rất lạ. Nó không ưa mưa, mưa chỉ làm cho lá nó tốt, xanh một cách nghi ngại và bần thần, xanh vô dụng và tức tưởi. Càng mưa càng nhiều dinh dưỡng lá càng xanh hoài xanh phí như thế. Đến mùa khô, cái mùa khắc nghiệt nhất của Tây Nguyên, sáu tháng không có nước, không khốc nắng, đã thế còn gió, những cơn gió hoang đàng vô kỷ luật phóng túng hung dữ tràn trên cao nguyên, quật tan nát hết những gì chúng gặp, phá tanh bành những gì vướng trên hướng bay vô định của chúng. Nhưng lạ, gặp dã quỳ thì khác, gió trở thành một loại gió khác, nó hiền lành mà dịu dàng, mơn man và ve vuốt.

Dã quỳ không bao giờ mọc đơn lẻ, chúng quấn vào nhau thành từng thảm, kết thành vạt, trùng điệp miên man và thăm thẳm trước sự rợn ngợp của chiều cao nguyên lúc nắng đang vàng nhất, gió đang lồng nhất, và người đang cô đơn nhất.

hoa-da-quy
Hoa dã quỳ (Ảnh sưu tầm)

Khi cô đơn, đứng nhìn dã quỳ từng thảm nhấp nhô trong chiều cao nguyên, ràn rạt trong gió và ngờm ngợp trong nắng, con người thấy ấm lòng lại, thấy thanh thản và thêm yêu những ngày mình đang sống, đã  sống và sẽ sống...

Sau này, du lịch phát triển, Lâm Đồng làm hẳn lễ hội hoa, lấy dã quỳ làm biểu tượng của mình. Dân đổ xô đi chụp ảnh dã quỳ, cỏ hồng vân vân các loại thì người ta bắt đầu nhìn dã quỳ với con mắt khác...

Hôm rồi, tôi bay về Pleiku để tham dự một cái lễ hội hoa dã quỳ và núi lửa Chư Đăng Ya do một huyện của tỉnh Gia Lai tổ chức.

Và tôi thất vọng.

Lý do đơn giản thôi, chưa quy hoạch tổ chức thì dã quỳ ngàn ngạt, dã quỳ miên man, dã quỳ mê mải, dã quỳ ngờm ngợp trong mắt người. Giờ tổ chức phát, dã quỳ lơ thơ, leo kheo trong nắng, còn lại là những vạt đất đỏ choét, những lều quán nhếch nhác. Có cả những gùi dã quỳ, lọ dã quỳ... héo quắt. Người ta đã quên đi một điều là, cái giống hoa dại này nó chỉ đẹp khi tồn tại trong tự nhiên, khi kết với nhau thành từng thảm, và nó vàng đến tận cùng đến vô ngôn khi nó đối mặt với gió và nắng mùa khô cao nguyên. Giờ chia cắt nó, thậm chí ngắt nó cho vào gùi, vào vò, nó thảm hại lắm.

Chưa kể người ta mang chiêng ra phụ họa với dã quỳ. Chả biết ai "đạo diễn" mà có cả đội chiêng và xoang đánh và múa theo thể... hành khúc, một điệu nhạc quả quân đội dùng để duyệt binh. Họ rước cả cờ và ảnh lãnh tụ. Nó không sai nhưng sái. Nó khiến cho người ta nhớ cái hình ảnh ví von dạo nào: Đóng khố phía dưới và mặc vét thắt cà vạt phía trên.

Thế là tôi đổi hướng, chạy về phía dã quỳ chưa... lễ hội. Ngay bên đường 19 và đường 14 chứ đâu. Vẫn thế, như ngàn đời trước, dã quỳ đẹp đến nao lòng. Nó nguyên sơ, nó dân dã nhưng tinh khiết. Nó cứ thế vô ưu với trời với đất, với nắng với gió Tây Nguyên giữa mùa khô lồng lộng trời xanh ngằn ngặt...

Té ra, muốn làm điều tốt cho nhau cũng không dễ. Ngoài có tâm ra, còn phải có sự hiểu biết, không thì nó chả ra làm sao?

Và, tôi đã thử làm một việc và có vẻ đang thành công: Đưa dã quỳ xuống trồng ở cái khu du lịch tôi đang làm việc ở Củ Chi.

Trồng dã quỳ rất dễ nhưng té ra cũng... không dễ lắm. Thì đúng đất, đúng thông thổ, cứ thế nó lan nhanh hơn cỏ. Nhưng khi nâng niu nó, thì khác, nó cũng dở chứng lắm. Đợt trồng đầu tiên, mấy bác Jrai thứ thiệt trồng. Khác với sắn, hom dã quỳ phải non thì mới lên, còn hom già thì nó sẽ khô chứ không nứt mầm. Và khi đã nứt lá thì ra hoa ngay. Rất thích, tất cả đều nứt lá và... ra hoa. Nhưng thay vì lan nhanh như cỏ thì nó cứ chết dần. Lại một bao hom thứ 2 được gửi xuống. Lần này thì các kỹ sư nông nghiệp vào cuộc. Họ ươm lên rất tốt rồi mới mang trồng. Và đào hố cho phân chứ không như lần trước cứ dúi xuống cho nó lên. Và nữa, trồng ở chỗ trống, có nắng. Lần trước trồng dưới tán rừng.

Kết qủa dã quỳ lên ầm ầm như ở... Tây Nguyên. 

Biết đâu, ở đây lại có một "khu dã quỳ" để khách du lịch "check in". Nó như Ba Vì ở ngay Hà Nội, cũng đang trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch bởi vì ở đấy có... dã quỳ.

Nhiều khi cứ để yên thế lại là cách làm du lịch có văn hóa nhất, thay vì xắn tay áo xông vào "tổ chức lễ hội" như một cái mốt, mà giới trẻ bây giờ gọi là đu trend./.                                                                 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top