Người Việt, gọi người qua đời là "khuất bóng". Có một hình ảnh gợi cho ta về sự khuất bóng, đó là khi ta nói về mặt trời lặn. Mặt trời đã khuất bóng. Nghĩa là mặt trời bị khuất, bị che đi thôi, do nó "lặn" xuống phía Tây. Khuất đi, mặt trời sẽ mọc lại.
Nghĩa là mặt trời sẽ hiện rõ, mọc lên vào sáng mai ở phương Đông. Mặt trời khi lặn, khi khuất bóng về chân trời phía Tây, nó không mất đi. Một người qua đời, người Việt nói mất, cũng như mặt trời lặn, do "lặn" nên bị "khuất bóng" thôi, nó sẽ "mọc" lại. Mặt trời sẽ trở lại. Người mất đó sẽ trở lại. Mà khuất bóng, sẽ còn "hình".
Thường khi ta đứng bên ánh sáng ngọn đèn hay ánh mặt trời, từ hình hài ta, rọi đổ về phía kia một cái bóng của ta.
Còn khi một người mất, họ sẽ bị "mất" (khuất) bóng thôi, chứ hình vẫn còn. Vì linh hồn vẫn còn, nên họ, người mất đó vẫn có thể hiện về. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, bởi thân tứ đại đã trở về với đất mẹ, khi họ trở về, hình hài chỉ còn là những tinh anh, không còn đổ bóng xuống trên mặt đất.
Thủa nhỏ con nít ở quê, tôi chạy chơi ngoài xóm với bạn nhỏ cùng tuổi. Thường ban đêm, lũ chúng tôi hay rủ nhau chơi các trò trốn tìm, và có trăng mới chạy chơi quanh xóm được. Mà có trăng, hình mình sẽ đi đâu sẽ có bóng đổ theo phía mặt trăng chiếu. Không hiểu sao, tụi nhỏ như chúng tôi thủa ấy, rất kiêng việc đứa khác nghịch, đạp lên bóng mình. Và nếu nghịch việc đó, có thể dẫn đến đánh nhau.
Còn một việc nữa liên quan đến bóng vô cùng hệ trọng.
Ở quê tôi, đây là cái tục, cái thói quen bám rễ sâu trong tâm thức mọi người. Đó là khi đào cái hố, cái ao hầm gì, khi lấp đất cái hố đó, phải để 1 cái cây tre xuống hố, cao quá mặt hố, để khi đất lấp xong, người ta rút cái cây tre đó lên. Làm vậy, vì người dân quê tôi sợ khi lấp, ta đứng lấp, cái bóng ta đổ xuống hố, và ta lấp bóng dưới đó. Việc bóng mất là nghiêm trọng, rất kiêng. Mai con trẻ theo chân làm theo cha mẹ chúng tôi phải nhớ.
Lên chùa ở từ nhỏ, tôi cũng được các thầy dạy phải làm vậy khi lấp hố.
Một câu chuyện nữa, đó là ở quê, nếu chúng tôi bảo, nãy con thấy ai như ma, mẹ tôi hỏi ngay, có thấy bóng không? Theo kiểu quan niệm của quê tôi, nếu nói thấy ma, mà thấy có bóng, là không phải ma. Nếu là ma thật, là đúng người mất hiện về, sẽ không có bóng.
Khuất bóng, là vì dùng để chỉ cho người qua đời?
Vì khuất bóng, sẽ "còn hình". Nhưng "hình" mà không đổ bóng xuống, là hình mà ánh sáng có thế xuyên qua được, hình đó không ngăn che được ánh sáng, nên ánh sáng soi vào hình đó không tạo ra bóng. Và đó là...ma, là người trong cõi âm, hay người thân ta hiện về muốn báo điều gì đó.
Sống quá nửa trăm năm, hôm nay nhớ mạ, nhớ lời mạ hỏi chuyện bóng ma, mà sao thấy trong đó một trời ý nghĩa thâm sâu vô cùng.
Tôi ngạc nhiên và thấy thật khó hiểu, là sao người dân quê tôi có thể có cái quan niệm về người mất về người trong cõi âm vô cùng thâm thúy ý nghĩa đến thế.
Mạ tôi ra đi... đến tháng 9 này là tròn năm.
Như quan niệm trên mạ tôi từng nói với tôi, tôi biết mạ tôi vẫn còn hình, còn đâu đó, nhưng tôi không thấy được. Chất liệu hình hài của mạ đến ánh sáng cũng không cản được, có nghĩa là hình hài của Mạ là thứ xuyên suốt, con khó nhìn được bằng đôi mắt trần này. Chỉ trừ phi, khi Mạ muốn cho con gặp.
Người âm, trừ phi, họ muốn cho cháu con gặp, khi đó ta mới "thấy" được họ. Như mạ tôi, rõ ràng tôi làm nên từ gen di truyền từ Mạ, nên Bà có trong tôi, luôn hấp dẫn đồng thanh với tôi, luôn bên tôi trong mọi lúc mọi nơi. Nhưng vì giờ hình hài Bà là thứ trong suốt, là chất liệu phi vật lý thô như hình hài sắc trần thô ngũ uẩn của ta, nên tôi không thấy được Bà.
Sự thật về thế giới người trong cõi âm, có như dân quê tôi quan niệm không? Ngạc nhiên, là nó hoàn toàn trùng khớp với hiểu biểt của Phật giáo về thế giới. Một quan niệm về người mất, về cõi âm như thế, phải nói là vô cùng đặc sắc. Người Việt nhân gian, không dùng từ chết để nói về việc qua đời của người thân mình. Họ dùng từ ra đi, từ khuất bóng... Và có một từ, là từ trùng khớp ý nghĩa với từ khuất bóng, nhưng hay hơn về quan niệm người mất đi về đâu, đó là từ "Quy tiên"… Và, sinh tử vẫn tương dung!