Aa

Tân Sơn thuở ấy...

Chủ Nhật, 26/04/2020 - 07:00

Cố hồi tưởng. Nhưng hầu như không thể nhìn thấy nét gì của thời xa xưa ấy nữa. Suối đã cạn dòng. Những tảng đá cũng biến đi đâu mất. Và cũng chả còn ai đi hát lượn vào buổi chợ phiên...

Tôi ra quân tháng 11/1985, sau hơn ba năm trong quân ngũ. Hồi ấy đơn vị tôi đóng quân dọc tuyến đường chiến lược 279, từ Lục Ngạn, Bắc Giang kéo qua đèo Ngaom đến Chi Lăng, Lạng Sơn, trong đội hình của Quân đoàn bổ trợ. Trung đoàn bộ thì ở Tân Sơn. Nhưng trong khoảng gần một năm trước khi ra quân, tôi bị điều xuống đại đội vận tải, chuyên đi rừng. Bọn tôi thường phải vượt rừng, đi mãi sang vùng Lộc Bình, Lạng Sơn. Vào sâu những cánh rừng già, cắm trại dưới triền núi đá để “làm nhiệm vụ đặc biệt”! Nhưng nhiệm vụ đặc biệt ấy là gì sẽ kể sau.

Cầm quyết định ra quân, tôi đi lên cơ quan trung đoàn bộ thanh toán các chế độ của quân nhân xuất ngũ. Về đại đội, đem mấy thứ quân trang tặng lại mỗi thằng bạn một thứ. Thằng Hải Toác, nhà ở phố Hòe Nhai, đang ở trung đội vệ binh là trung vệ đội tuyển bóng đá trung đoàn nên hay đá bóng với tôi, khá thân. Thấy tôi cầm giấy tờ qua cổng gác, nó bèn đi theo ngay sang xin cái màn. Nó nói, hôm nọ thèm quá, em đem cái màn mới đem vào dân đổi lấy con chó thịt rồi, nằm cái màn rách muỗi đốt kinh quá! Nghe nó trình bày thế nên mấy thằng khác đành nhường. 

Tôi chỉ giữ lại cái ba lô và một bộ đồ lính tươm tất nhất mặc trên người. Và tiền chế độ, tất nhiên. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu, bởi khi đó vừa mới đổi tiền xong rất loạn lạc lung tung thời giá. Tôi chỉ nhớ là đã nhẩm tính trong đầu, giữ lại cho đủ số tiền mua vé tàu từ ga Đồng Mỏ về ga Bắc Ninh là ổn. Xong vẫn còn dư ra một khoản. Tôi nghĩ ngay đến rượu. Quả thực là hồi ở lính, bọn tôi uống rượu nhiều. 

Hình như chỉ biết lấy rượu làm niềm vui. Bởi sách báo không có, đài thì cả đại đội mới có một chiếc ậm ọe. Thế nên có đồng phụ cấp nào là từ lính đến quan đem uống rượu hết. Uống cho say rồi đi ngủ, chứ biết làm gì giữa cái rừng núi âm u này. Đời bộ đội kham khổ, cả tuần cả tháng có khi toàn cơm hẩm cá mục nên đâm ra thèm đủ thứ. Thèm từ chén rượu sắn nhạt toẹt thèm đi. Nên khi có tiền trong túi, tôi nghĩ đến sự phải làm bữa rượu thịt cho đã đời. 

Nhưng phàm là uống rượu mà không có bạn thì mất vui. Cơ mà gọi nhiều bạn thì không đủ tiền. Đành phải tính. Tôi bèn rẽ vào tiểu đoàn 4 rủ ông bạn thân người cùng làng, nhà chỉ cách nhau vài chục mét, đi uống bữa rượu chia tay đời lính. Trần Tựa vốn đang là giáo viên thanh nhạc của Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc khi ấy, vừa vào lính hồi tháng chín, vẫn đang trong thời kỳ rèn luyện chiến sĩ mới. Tôi và Trần Tựa hai thằng đi bộ ra ngã ba Tân Sơn, vào cái quán phở duy nhất của chợ Tân Sơn bên cầu. 

Hôm ấy cũng đúng chợ phiên. Chủ quán này tên là Nam, người gầy đét khô khẳng, mắt lúc nào cũng đỏ kè và sặc mùi rượu. Chỗ này là nơi mà thỉnh thoảng có phụ cấp hay mùa quân trang bán được món gì kha khá bọn tôi vẫn ra cải thiện. Tay Nam này được cái chiều khách, thằng nào mời ông chủ một chén cũng chiều mà một bát cũng xong! Lính tráng uống rượu say, bá cổ tay Nam hát: “Một đàn bươm bướm xinh/ tung tăng bướm bay lượn/ bướm bay xuống cầu Tân Sơn/ đỗ ngay xuống nhà anh Nam/ tình tình là tình tang tang...”. 

Có hôm tay Nam cười khì khì. Cũng có hôm hắn cáu, chửi ỏm tỏi thậm chí vác ghế phang nhau với bọn tôi tá lả. Chả là vợ chồng y đẻ liền năm con gái lít nhít tha thẩn chơi ngoài bãi chợ như đàn gà vịt. Chuyện này tôi đã từng kể lại trong truyện ngắn “Bến Sông Xuân” rồi. Có hôm tôi say rượu, ca hát rồi đánh nhau tay bo với hắn không lại, phải tháo chạy ra cầu nhảy xuống suối bơi về đơn vị mới thoát thân. Mấy hôm sau ra, tay Nam lại cười khì khì bảo, mày đấm hiểm phết, hôm nay sườn tao vẫn đau!

Hai thằng chúng tôi vào quán, gọi một chai 650 rượu. Dõng dạc chỉ vào cái chân giò lợn to nhất hàng, hô chặt miếng to bày vào bát lớn. Thấy tôi chơi sang quá, tay Nam ngập ngừng dao thớt có vẻ nghi ngờ. Bởi quán này đã bị lính tráng nó ăn chạc nhiều. Lính vào gọi rượu thịt loạn lên, đánh chén no say, đứng dậy bảo chịu nhé, ghi sổ nhé! Lúc ấy chả lẽ đánh nhau với mấy ông lính cùn trơ. Các bố ấy ở tuyến dưới thì còn có cơ mà ra trả, chứ lên chốt nửa năm mới về một lần thì trả vào... mắt! Nên tay Nam cứ gõ dao khan vào thớt cành cạch, cành cạch... 

Tôi biết ý, móc trong túi ra nắm tiền, bảo y: “Tính tiền trước đi cho nó thoải mái tâm hồn. Hôm nay tạm biệt Tân Sơn, vĩnh biệt đời lính rồi vô tư đi!” Tay chủ quán cười khành khạch như yêu tinh rồi vung dao băm chặt nhanh như máy. Thêm vài củ hành trần, một bát măng chua, đĩa muối chanh ớt thêm tí mì chính để chấm. Hai thằng chúng tôi chả cần đũa bát làm gì, cứ thế cầm tay những khoanh chân giò to mà ăn. Đã đời! Quả thực là cả hai thằng đều đang đói khát, thiếu chất nên ăn miếng thịt chân giò lợn lúc ấy nó ngon ngọt làm sao. Chiêu ngụm rượu xong vào người thấy đời lâng lâng mọi nhẽ. 

Sau này, có nhiều dịp tiệc tùng với nhau, cao lương mĩ vị đủ cả, tôi và Trần Tựa vẫn hay nhắc, đời bọn mình chưa từng được ăn bữa thịt chân giò lợn nào ngon như cái hôm chia tay ở chợ Tân Sơn! Lúc ấy rượu ngà ngà rồi, tôi bảo Trần Tựa, thôi ông chịu khó ở đơn vị huấn luyện ít lâu. Xong khóa chiến sĩ mới là họ sẽ điều ông về văn công quân khu thôi. Tài như ông quân đội họ không bỏ phí đâu. Quả sau này Trần Tựa được điều về đoàn văn công quân khu 1 ở trên Thái Nguyên thật. Rồi sau đó về đoàn Tổng cục chính trị dưới Hà Nội và trở thành một giọng ca xuất sắc. Nay cũng đã nghỉ hưu với hàm đại tá, nghệ sĩ ưu tú.

Trở lại chuyện bữa rượu hôm đó. Tôi và Trần Tựa là hai thằng trai cùng lứa, cùng sinh ra ở một làng quê. Làng Ngọ Xá. Cùng chăn trâu cắt cỏ câu cá bắn chim, đánh bi đánh đáo thời bé với nhau. Lớn lên mỗi thằng đi học một trường một nghề. Mỗi thằng đi làm một nơi. Thế rồi chả hiểu cái sự đời nó ra làm sao, thằng trước thằng sau lại vào bộ đội ở cùng một đơn vị. Cơ mà khi Trần Tựa vào thì tôi đã sắp ra quân. Nhận được quyết định ra quân, nghĩ đến thằng bạn cùng làng mới chập chững vào lính mà thấy bùi ngùi. Vẫn biết hắn dân văn nghệ, có nhiều tài lẻ nên chắc sẽ không khổ như mình. 

Không phải trèo đèo lội suối, ngủ rừng rúc bụi. Nhưng vẫn có cảm giác hơi buồn buồn. Có cả hơi lo lắng cho bạn. Không biết rồi có đứng được trong những gian lao bất trắc của đời lính hay không... Hai thằng vừa chuyện trò vừa uống hết chai rượu, gặm nhẵn cái chân giò. Gọi tay Nam làm thêm bát phở cho chặt bụng, xong thấy đời cũng xôm. Ra đứng trên cái cầu bê tông ở ngã ba Tân Sơn, ngắm nhìn đám thanh niên nam nữ người Nùng đang tụ tập hát lượn thấy vui vui. Họ hát bằng tiếng dân tộc, nghe cứ i o như tiếng chim chả hiểu gì. Rồi từng đôi, từng đôi họ tách bọn rẽ vào rừng “hát” riêng với nhau...

"Hai chúng tôi đứng ngắm dòng suối nước trong veo chảy dưới chân cầu" (Ảnh: Internet)

Hai chúng tôi đứng ngắm dòng suối nước trong veo chảy dưới chân cầu. Tôi đã từng đi dọc theo con suối này từ bến thuyền. Đi mãi về hướng Bắc, ngược theo khe núi đá, cho đến khi dòng nước ồn ào dưới chân cầu kia chỉ còn là những giọt tí tách nhỏ như khi người ta cất rượu. Tôi bảo Trần Tựa: “Ông đã từng được ăn quả chua me đất rồi uống nước suối trong rừng vắng chưa? Ngọt tuyệt vời! Không hiểu sao nhai quả chua me đất tròn nhỏ như hòn bi, chua chua chát chát trong miệng. Rồi vốc một ngụm nước suối chiêu thì cả miệng họng đẫm một vị ngọt đằm không tả nổi! Ông nên thử đi...”

Tôi cũng chả biết ông bạn mình dịp ấy đã thử chưa, quên không hỏi lại. Thế nhưng hôm ấy nước suối khá cạn, nhìn những tảng đá lớn lô nhô ngổn ngang nằm dưới lòng suối, rất nhiều hình thù lạ mắt, trông như những tác phẩm của các nhà điêu khắc. Trần Tựa liền nổi hứng nghệ sĩ, bèn gọi một tay thợ chụp ảnh kiêm bán quán nước, kiêm đủ thứ nghề gần đó xuống suối, chụp cho hai thằng một kiểu. 

Cái bức ảnh kỷ niệm hôm ra quân dưới suối Tân Sơn nay tôi vẫn còn giữ được. Thế nhưng đã bong tróc gần hết, chỉ còn mờ mờ hình hai thằng lính đứng cạnh nhau trên tảng đá, giữa dòng suối, mắt nhìn lên cao về phía trước. Hình như bọn tôi lúc ấy ai cũng đang phải cố gồng mình, hướng về tương lai mà sống, chứ thực sự cuộc đời ngổn ngang bất định kinh khủng.

Chia tay nhau, Trần Tựa về đơn vị. Còn tôi cuốc bộ gần 30 ki lô mét vượt đèo Ngaom ra ga Đồng Mỏ về xuôi. Có đến hơn ba chục năm sau chúng tôi mới trở lại nơi đã từng đóng quân xưa. Hai chúng tôi đến bên cây cầu bê tông trên ngã ba Tân Sơn đứng ngắm. Cố hồi tưởng. Nhưng hầu như không thể nhìn thấy nét gì của thời xa xưa ấy nữa. Suối đã cạn dòng. Những tảng đá cũng biến đi đâu mất. Và cũng chả còn ai đi hát lượn vào buổi chợ phiên...  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top