Tận tâm phụng sự kinh tế tư nhân - kinh tế nhân dân!
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sinh ngày 01/01/1960, nguyên quán tại xã Thụy Phong – huyện Thái Thụy – tỉnh Thái Bình, đã từ trần vào hồi 02 giờ 37 phút sáng ngày 05 tháng 8 năm 2024 (tức ngày 02 tháng 7 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 64 tuổi.
TS. Vũ Tiến Lộc là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) từ năm 2003 - 2021.
TS. Vũ Tiến Lộc là Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, XV.
TS. Vũ Tiến Lộc từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối tác Công Tư của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).
Ngoài ra, TS. Vũ Tiến Lộc cũng từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh Châu Á Thái Bình Dương APEC (ABAC), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (PECC), thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới (WFC), Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp…
TS. Vũ Tiến Lộc đã được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
TS. Vũ Tiến Lộc là chuyên gia cao cấp của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm huyết, giá trị cho hoạt động của Tạp chí. Ông đã tham gia đồng chủ trì nhiều Diễn đàn, Hội thảo, Toạ đàm do Reatimes tổ chức. Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam vô cùng đau buồn trước sự ra đi của TS. Vũ Tiến Lộc.
Ban Biên tập, toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam xin gửi đến gia đình TS. Vũ Tiến Lộc lời chia buồn sâu sắc.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết cuối cùng của TS. Vũ Tiến Lộc được đăng tải trong ấn phẩm Đặc san chủ đề Tầm vóc Việt Nam do Tạp chí phát hành nhân dịp kỷ niệm 8 năm ngày thành lập Tạp chí và 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam.
Để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đủ mạnh, có tầm ảnh hưởng trong nước và vươn ra khu vực, thế giới thì tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là chưa đủ. Vấn đề hàng đầu với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp quy mô lớn, hiện nay là kinh doanh an toàn và thuận lợi. Trước đây, chúng ta chỉ nói đến sự thuận lợi trong kinh doanh, nhưng hiện nay cần nhấn mạnh yếu tố kinh doanh an toàn và niềm tin kinh doanh.
Thực tế, nhiều doanh nhân lớn luôn muốn làm điều gì đó lớn lao hơn cho đất nước chứ không đơn thuần chỉ là lợi ích cá nhân. Họ làm vì khát vọng đóng góp để nâng tầm đất nước. Từ sự đổ vỡ của một số doanh nghiệp lớn có vi phạm pháp luật thời gian qua cho thấy cần đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Cần coi các doanh nghiệp lớn là tài sản quốc gia chứ không nên nghĩ doanh nghiệp đó thuộc sở hữu của một cá nhân.
Chúng ta cần phải có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, "vươn ra biển lớn", sẵn sàng và kiên trì với cạnh tranh toàn cầu để thực hiện được “khát vọng hùng cường” của đất nước. Và vũ khí bách chiến bách thắng cho cuộc chiến mới này cũng là bốn chữ: Kinh tế tư nhân - Kinh tế nhân dân. Do đó, phải tận tâm phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là rường cột của nền kinh tế quốc gia. Không còn cách nào khác, đó là sự lựa chọn để vượt qua những khó khăn của hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.
******
Từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội chuẩn bị cho ngày Quốc khánh năm 1945, Bác Hồ đã ở nhà của một gia đình doanh nhân - nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Tại đây, Bác viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bàn về tình trạng của nền kinh tế Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: “Chúng (thực dân Pháp) không để cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”. Theo cách lý giải của Bác, như vậy, các nhà tư sản dân tộc không ngóc được đầu lên, và công nhân ta bị bóc lột tàn nhẫn là những chỉ báo quan trọng của một nền kinh tế lệ thuộc.
Bác luôn trân trọng các nhà tư sản dân tộc và các nhà tư sản dân tộc không phụ lòng tin của Bác. Sau Quốc khánh 2/9, ngày 18/9/1945, các nhà tư sản dân tộc đã trở thành giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Bác phát động “Tuần lễ Vàng” quyên góp nguồn tài chính cho hoạt động của Chính phủ lâm thời, và các nhà tư sản dân tộc đã theo lời Bác trở thành lực lượng chủ công trong cuộc quyên góp này. Riêng gia đình ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến cho cách mạng hơn 5.000 lượng vàng (tương đương với hơn 90% tài sản của gia đình và gấp đôi số tiền trong ngân khố Chính phủ lâm thời lúc đó…). Còn rất nhiều những minh chứng như vậy cho lòng yêu nước cháy bỏng của giai cấp tư sản dân tộc, góp phần duy trì hoạt động của Chính phủ, bảo vệ nền độc lập nước nhà từ những ngày còn trong trứng nước.
Ngày 13/10/1945, Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, kêu gọi họ tham gia Công Thương cứu quốc đoàn. Trong bức thư lịch sử này, Người viết: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
Người khẳng định một chân lý: Sự thịnh vượng của quốc gia gắn liền với sự thịnh vượng của giới công thương.
Nhưng điều kiện của cuộc chiến tranh tàn khốc và cơ chế kế hoạch hoá tập trung diễn ra trong suốt nhiều thập kỷ sau đó, đã không cho phép chúng ta thực hiện những chỉ dẫn của Bác về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần và phát triển kinh tế tư nhân. Phải chờ đến giữa thập niên 80, công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bắt đầu từ Đại hội Toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã đánh dấu một quyết định chính trị hệ trọng: Trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Từ thân phận xấu xa của “thằng bán tơ” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Mụ Lường” trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đồng Chi, “Con buôn, con phe” trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, “đối tượng bị cải tạo” trong các cuộc cải tạo công thương nghiệp; từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, các doanh nhân Việt Nam đã được “Tổ quốc gọi tên mình”. Theo đề nghị của Chủ tịch VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày doanh nhân Việt Nam.
Năm 2011, trong buổi làm việc với cộng đồng doanh nhân tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Trong lịch sử 81 năm của Đảng, lần đầu tiên chúng ta có một nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân”. Vài ngày trước cuộc gặp này, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò của doanh nhân ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước.
Có thể khẳng định, tiếp theo sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2004 về Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị năm 2011 là dấu mốc quan trọng, xác định rõ vai trò, vị trí và định hướng phát triển của đội ngũ doanh nhân, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Và các Nghị quyết sau này của Đảng và Nhà nước ta đều nhấn mạnh điều này.
Đến năm 2013, cũng theo đề nghị của Chủ tịch VCCI, lần đầu tiên doanh nghiệp, doanh nhân được chính danh trong Hiến pháp. Các doanh nhân có mặt trong khối diễu hành toàn dân tộc trên quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh. Doanh nghiệp, doanh nhân tự hào là lực lượng chủ công góp phần xây dựng nền kinh tế nước nhà. Điều này hàm chứa một thông điệp chính trị và định hướng chính sách để xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc giai đoạn mới, mà ở đó nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân chủ lực.
Kể từ đó đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có một thế hệ doanh nhân lớn mạnh hơn, vững vàng hơn trong sân chơi nền kinh tế thị trường. Nhìn lại, rõ ràng doanh nhân Việt Nam có trải nghiệm không phải ở nền kinh tế nào cũng có được.
Chúng ta mới có gần 20 năm tôn vinh doanh nhân, nhưng những người kinh doanh ở Việt Nam đã có một hành trình dài, đầy vinh quang và cũng rất thăng trầm. Điều quan trọng, họ đã khẳng định và lan tỏa khát vọng làm giàu và tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc. Họ là những doanh nhân dân tộc, là những người kinh doanh đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết. Đó là lớp doanh nhân muốn gánh vác một phần trách nhiệm lớn của đất nước và cùng đất nước đứng trước những thử thách của thời đại.
Thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam có thể tính từ sau Đổi mới, sau năm 1986. Phần lớn họ trở thành doanh nhân bởi sự thúc ép tự cứu mình, từ đó góp phần đưa gia đình, đất nước thoát nghèo. Nhiều người ra đời trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, thế hệ doanh nhân đầu tiên này là nhân chứng trong cuộc của gần như toàn bộ quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam. Không ít trong số này đã trở thành tên tuổi doanh nhân thành công nhất Việt Nam.
Hiện tại, thế hệ doanh nhân thứ hai đã và đang xuất hiện. Một phần là những người kế nghiệp, nhưng phần lớn là người tự nguyện lựa chọn kinh doanh là sự nghiệp, được đào tạo bài bản, tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp... Trong nhóm này có thế hệ doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo đang bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm, được cống hiến.
Những bước hội nhập của nền kinh tế cùng với những thay đổi căn bản về tư duy kinh tế, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục mở rộng cánh cửa cho những người làm kinh doanh ở Việt Nam. Đây cũng chính là thế hệ sẽ thực hiện các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của nền kinh tế trong 5 năm, 10 năm tới và khát vọng 2045.
Trải qua gần 40 năm kể từ khi Đổi mới, đội ngũ doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cho đến thời điểm này, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra trên 40% GDP, đóng góp 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.
Bên cạnh một cộng đồng kinh doanh đông đảo với hơn 5 triệu hộ kinh doanh, chúng ta có 809.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Chúng ta cũng đã có những doanh nghiệp lớn, sánh vai các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và khu vực, góp phần làm rạng danh đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập toàn cầu.
Nhưng, chúng ta cũng chưa thể yên tâm, khi số lượng doanh nghiệp lớn và vừa trong nền kinh tế nước ta còn quá ít. Khoảng 98 - 99% các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thuộc quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn chưa cao, định hướng phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm xã hội chưa trở thành hệ giá trị phổ cập trong cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam, nhìn chung vẫn chưa kết nối có hiệu quả được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp tới trên 40% GDP, nhưng phần đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt trên dưới 10%, còn lại 30% vẫn là đóng góp của khu vực các hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức trong nền kinh tế. Sản xuất, kinh doanh nhỏ vẫn là phổ biến và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn khá đơn độc trong thời hội nhập. Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và điều đáng nói là khu vực FDI rất thiếu vắng sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta quá lệ thuộc FDI, và nếu tiếp tục lệ thuộc vào FDI bằng gia công, bằng lao động giá rẻ và thiếu liên kết với khu vực kinh tế trong nước, thì năng suất và giá trị gia tăng của nền kinh tế luôn thấp, khó vượt lên được, khó trở thành nước phát triển tự chủ và thịnh vượng.
Chúng ta mở rộng cửa, nhưng khu vực kinh tế nội địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều và chưa phát huy được hết tiềm năng. “Miếng bánh” hội nhập vẫn mang lại lợi ích nhiều hơn cho các doanh nghiệp ngoại. Trong khi doanh nhân Việt cần phải trở thành rường cột của nền kinh tế nước nhà. Thị trường nội địa và doanh nghiệp dân tộc cần phải là điểm tựa. Thị trường 100 triệu dân và tương lai là hơn thế, với tầng lớp trung lưu bùng nổ và một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao, có quy mô đủ lớn sẽ nâng “đôi cánh” để “đàn chim Việt” bay cao. Đội ngũ doanh nghiệp Việt với hàng triệu chủ thể tràn trề sức sống, đang phát triển, với hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới mỗi năm, sẽ phải đủ sức để trở thành lực lượng nòng cốt phát triển đất nước này, không thể nào khác được.
Nhìn ra nước ngoài, chúng ta thấy không một nền kinh tế nào có thể trở nên hùng cường nếu chỉ trông cậy vào FDI, nhưng cũng không một nền kinh tế nào có thể trở nên hùng cường nếu không kết nối được cộng đồng doanh nhân dân tộc với cộng đồng doanh nhân quốc tế. Chúng ta giang tay, kết nối bốn phương, nhưng phải trụ vững trên đôi chân của chính mình. Đó là điều chúng ta đang ngộ ra, đang trải nghiệm, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại, cuộc cách mạng 4.0. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên mong manh hơn, thị trường quốc tế trở nên dễ đứt gãy, các nhà đầu tư và các thương hiệu hàng đầu đang trở về chính quốc, các nền kinh tế Mỹ, châu Âu đang trở lại với tiến trình tái công nghiệp hoá, thị trường nội địa được đề cao, doanh nghiệp dân tộc trở thành điểm tựa… Trong xu thế này, việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp dân tộc phải là quốc sách của chúng ta.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, trong đề án Chiến lược phát triển doanh nghiệp đến năm 2030, Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển khu vực kinh tế tư nhân cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và một đề án phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân đang được khẩn trương soạn thảo. Cộng đồng doanh nghiệp, mà trước hết là các doanh nghiệp tư nhân, hãy chung tay với các cơ quan Chính phủ chuẩn bị dự án này. Đề án không chỉ là sáng kiến và tầm nhìn của các cơ quan Chính phủ, mà trước hết phải là tầm nhìn và định hướng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nhân chủ động, Chính phủ chung tay. Tinh thần đối tác công tư cũng phải thể hiện mạnh mẽ hơn trong công việc hệ trọng này.
Chúng ta hoan nghênh các doanh nghiệp lớn của khu vực kinh tế tư nhân đã có sáng kiến, kiến nghị và sẵn sàng đầu tư phát triển một số lĩnh vực và dự án công nghiệp trọng yếu có liên quan tới yêu cầu phát triển bứt phá và tự chủ của quốc gia. Chính phủ hãy “yểm trợ” cho họ thông qua những đột phá về thể chế và chính sách. Không thể có đột phá trong phát triển nếu thiếu những đột phá dẫn đường về thể chế và chính sách. Muốn kiến tạo nền kinh tế phải kiến tạo chính nền thể chế, các Nhà nước kiến tạo thành công trên thế giới đều làm như vậy.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong bối cảnh khó khăn, thách thức như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã cố gắng, dũng cảm, kiên cường trụ vững để đóng góp vào tăng trưởng, lo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách. Và ngay cả khi trong bối cảnh thua lỗ, khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đi đầu trong việc ủng hộ cho quỹ vaccine phòng chống Covid-19, cho các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ cho người lao động, người nghèo, những đối tượng yếu thế với kinh phí nhiều nghìn tỷ đồng… Có doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư sản xuất thiết bị y tế, vaccine, bất chấp lỗ lãi, miễn là góp được phần bảo đảm tự chủ nguồn cung ứng vaccine cho đồng bào mình. Đó là những nghĩa cử rất đáng khích lệ, tôn vinh.
Đội ngũ doanh nhân dân tộc mà chúng ta đang dày công xây dựng và đề cập ở trên là đội ngũ doanh nhân có lòng yêu nước, có trách nhiệm xã hội, kinh doanh sáng tạo và nhân văn, chọn con đường phát triển bền vững là đích đến. Đây cũng là xu hướng chung của cộng đồng doanh nhân quốc tế thời hiện đại. Đã qua rồi thời của chủ nghĩa tư bản vị kỷ, coi lợi nhuận là tối thượng (Milton Friedman, 1970), nền kinh thế thị trường đang hướng tới vì lợi ích của tất cả các bên (Joseph Stiglitz, 2001) và các doanh nghiệp làm ra lợi nhuận cho mình bằng tinh thần và mục tiêu phụng sự xã hội. Doanh nghiệp phải tích hợp và cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường - doanh nghiệp không chỉ cần mang lại lợi ích cho cổ đông, mà còn chăm lo người lao động, cho khách hàng, cho các cháu học sinh, cho những người khốn khó… và cho cả hành tinh của chúng ta. Giá trị đích thực bền vững của doanh nghiệp là giá trị xã hội, giá trị nhân văn chứ không chỉ là tiền bạc. Nền kinh tế thị trường và công nghệ 4.0 rất cần trái tim nhân ái của con người.
Hệ thang bậc giá trị như vậy với các doanh nghiệp của chúng ta là không mới, nhưng hành trình hiện thực hoá vẫn còn dài. Những tháng ngày Covid-19 khắc nghiệt vừa qua là khoảng lặng để mỗi doanh nhân, mỗi con người ngộ ra và lựa chọn tốt hơn cho tương lai của chính mình. Và chúng ta cũng có điều đau xót, khi một số doanh nhân lớn đã không giữ được mình, kinh doanh thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật và trục lợi, vướng vào vòng lao lý. Nhưng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn cả đội ngũ doanh nhân Việt vẫn đang phát triển rất đáng tự hào.
Chúng ta tin rằng, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm sẽ luôn là hệ giá trị, là ngọn đuốc soi đường để định hình đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Cỗ xe tam mã: Kinh tế tư nhân, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ là động lực phát triển của đất nước này.
Và chúng ta tin rằng, có thể trong lĩnh vực quản trị tài chính, nhân sự, công nghệ hay tiếp thị…, thì doanh nhân của chúng ta còn rất nhiều thời gian để khép lại khoảng cách so với các nền kinh tế hàng đầu; nhưng trong định hướng phát triển một nền kinh tế nhân văn, sáng tạo, thì doanh nghiệp Việt có điểm trội để vượt lên. Đó là tố chất của “Đồng bào” ta, của con người và xã hội Việt Nam, là thương hiệu nội sinh, là năng lực cạnh tranh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam - đội ngũ tiêu biểu và tinh hoa của đất nước!