Tàn thu vương sóng Tây Hồ
Tôi yêu mặt hồ này cả trong ngày tĩnh lặng hay những lúc gió mưa mù trời sóng dậy. Mỗi khi vui, buồn tôi đều ra đây với sóng. Sóng Hồ Tây luôn mang trong mình nét đẹp dịu dàng, đoan trang mà suốt cả nghìn năm qua chưa bao giờ bớt đi vẻ đẹp. Nó khiến tôi hình dung tới cảnh những đêm trăng mười sáu, các cung nữ ở Long Thành thong dong dạo thuyền quanh mặt nước gương hồ, khi đến đầu xóm Trích Sài thì ghé mua vài tấm lụa Lĩnh rồi ra lại giữa hồ thả nét duyên dáng cùng trăng. Giữa ánh sáng thanh ảo, chơi vơi trên sóng là những tấm thân ngà ngọc, mềm mại uốn lượn theo từng thếp lụa. Cái dịu dàng mềm mại của mặt sóng nơi đây còn khiến tôi nhớ tới những họa thư như rồng bay phượng múa của nhiều bậc thánh hiền đất Kinh kỳ viết trên nền giấy cẩm chỉ của làng Yên Thái ven Tây Hồ xưa.
Tiếng là mềm mại nhưng không ít lần Hồ Tây cuồn cuộn nổi lên muôn vàn sóng bạc. Đó là khi thời tiết cuối thu, chuyển đông. Có lần vì quá yêu những con sóng này mà tôi đã toan lội ra giữa hồ để chụm tay vớt đầu một ngọn sóng đang tung tỏa đến thổn thức, xem mùi vị của nó như thế nào. Nhưng sóng thì làm gì có mùi vị nhỉ. Hỏi là hỏi thế thôi chứ tôi biết sóng Tây Hồ luôn có biệt vị, bách mùi. Cuối thu, khi những tiếng cuốc mùa hè vẫn như đang rấm rứt ai hoài trên mặt sóng, khi bóng chim đen chảng mảng, rúc rích trong lùm cây rậm rạp ven hồ phía Quảng Bá thì cũng là lúc mùi thơm của sóng rõ rệt nhất. Sóng có mùi sen tàn. Tàn mà vẫn thơm thỏa trong mát đến vậy. Ở địa vùng Quảng Bá khi vào hạ, người ta nô nức kéo nhau xuống Hồ Tây để tắm, để thỏa vị sóng sen với những trẻ già, gái trai đều đủ cả. Mùi sóng thơm sen, mùi sen thơm sóng cứ rồ rộ tỏa lan. Đến cả cơn gió mặt hồ như cũng được ướp mùi này.
Trà sen Quảng Bá, Hồ Tây vốn đã nổi tiếng với kinh biên, vạn thuở. Nhưng đó cũng mới chỉ là thứ bảo trà ướp bằng hương hoa sen thôi chứ mấy ai được đạo trà bằng chính vại nước mùi sen sóng. Nói về thú tiêu dao trà mạn. Ông bạn già của tôi kể đã có lần duy nhất trong đời được thưởng thức thứ trà pha bằng nước Hồ Tây đượm mùi sen sóng ấy. Đó là lần ông được một lão trà sống ẩn mình trong làng Quảng Bá mời thưởng mà chỉ cần nghe ông kể về công đoạn cất nước ra sao, thỉnh loại trà nào thôi đã thấy công phu, thanh đạo lắm. Để có được thứ nước này, lão trà phải thức suốt đêm ngong ngóng chờ tới khúc đêm tầm tầm ngả sáng. Trước khi đi ra hồ ông đã thỉnh hoa, gội sạch trần bụi rồi lẹ làng với con thuyền nan tre nhỏ nhắn bơi ra giữa đầm sen mà hái những lá sen nón.
Sao lại gọi là sen nón? Ông bạn già của tôi giải thích như thế này. Sen nón là lá sen rất to, mới ngoi lên khỏi mặt nước chừng một hai hôm, lá chưa kịp mở hết. Lá sen ấy nếu đợi đến lúc mặt trời bằng ngọn sào vào sáng ngày mai sẽ tự mở hết cỡ nhưng trong đêm giữa chút khí trời còn sương hơi e e lạnh thì chúng vẫn khép lại như hình chiếc nón nên gọi là sen nón. Cái tên này do lão trà đặt thôi chứ bình thường không ai gọi thế cả. Có thể người ta gọi bằng một vài cái tên mĩ miều hơn như lá sen tơ, lá sen non bánh tẻ. Khi cắt lá khỏi cuống phải thật nhẹ nhàng đặt xuống mặt hồ nếu không lá rất dễ bị nhàu nát hay bị rách, lúc đó thì không thể dùng lấy nước sóng sen được bởi chỗ nhàu rách ấy sẽ tiết ra nhựa và sẽ làm cho thứ nước đựng trong đó bị ảm vị, bị nhôi màu và tất nhiên dùng pha trà sẽ không bao giờ ngon được.
Đặt lá sen nón xuống hồ và lặng lẽ ngồi đợi tới lúc những cơn gió sớm trong chơi đùa cùng sóng đã vô tình đẩy từng vi nước nhỏ vào nón sen, cho đến khi nước hồi về được khoảng vơi bát nhỏ thì chụm tay nâng khẽ nâng lá lên bờ, nhẹ nhàng trút vào vại nhỏ chừng đủ pha vài ấm trà. Công đoạn tiếp theo là đun nước bằng những viên than mộc dâu. Nghe đâu than ấy được đốt từ gốc lim nào đó mà người ta đã moi lên từ đáy hồ.
Ông bạn già kể tiếp: Thời cổ xưa mạn Trúc Bạch, Cổ Ngư có một rừng lim rất lớn. Khi cơn cuồng thủy sông Hồng lao tới nuốt chửng vùng này thì đã cuốn phăng toàn bộ rừng lim xuống đáy hồ và ngày nay nếu tìm được một khúc gỗ lim trầm tích này là rất hiếm và phải người có cơ duyên mới kiếm được. Thứ trà để pha nước sóng sen hoàn toàn mộc, được hái từ khu rừng trà nguyên sinh tận Bắc Thái. Loại trà mà người bản địa vùng này gọi là trà khỉ hái, bởi những cây trà nguyên sinh rất cao và khu rừng ấy luôn ẩm ướt quanh năm nên thân cây lúc nào cũng như được bôi một lớp mỡ nhờn nhỡn, rêu mốc mọc đầy nên không ai dám trèo.
Người ta đã nghĩ việc thu lượm rừng trà này bằng cách nuôi và huấn luyện những con khỉ nhà để chúng trèo lên, bứt lá trà non xuống. Rồi từng búp trà tơ non do khỉ hái ấy được tẩm xao ngay tại bìa rừng. Xao xong thì lập tức mang về cung biếu những già làng, trưởng bản, những thầy mo tín độ nhất của vùng. Nước cất sóng sen Tây Hồ khi đạt đến độ xôi vừa đủ mới tra vào ấm đất mộc Bát Tràng, tráng nhẹ để cho cánh trà không bị âm dập rồi chờ chừng vài phút nâng tay rót lẹ làng cho vào đôi chiếc chén đã thanh thủy bằng nước sôi nóng. Chén trà này có hương vị vô cùng đặc biệt với mùi sen nhẹ quẩn, hít hà cánh mũi mà lan sâu đến từng mao mạch cơ thể tạo ra một thứ minh giác vô cùng sảng khoái. Ông bảo đó mới là minh triết, mới là kỳ đạo về trà…
Cuối thu, nghe xong câu chuyện về thưởng trà của ông bạn già mà như thấy mùi vị sóng sen cứ vảng vất mãi trong tâm trí. Tiếc là lão trà biết thưởng thú trà theo cách độc nhất vô nhị đất Hà Thành này đã không còn. Thật buồn thay. Trong lúc mình đang lặng người với những lơ vơ hương trà sen sóng thì ông bạn già thủ thầm: Hôm nào tao sẽ pha theo cách của lão trà kia cho mày uống. Nhưng cũng phải thú thật với nhau rằng nước Hồ Tây bây không còn được thanh khiết như xưa dẫu vị sóng sen còn đấy. Nếu có lấy nước mang về chắc phải thêm một công đoạn là cho vào lọc qua hệ thống công nghệ và hẳn nó sẽ lọc luôn cả vị sóng sen Tây Hồ mất rồi. Rừng lim đã hóa ngàn năm, vạn chăng gốc nào, khúc gỗ nào còn tồn tại được mà tìm. Đành nhìn nhau mà kính ngưỡng minh trà của người xưa mà nói về một thời tri túc giao tâm.