Theo đó, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Gần vượt qua con số 24,3 tỷ USD của cả năm 2016.
Tính đến ngày 20/8/2017, cả nước có 1.624 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 13,45 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, có 773 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2016 và 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 3,5 tỷ USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ 2016.
Cùng thời gian này, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 18 ngành lĩnh vực được đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 11,69 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng đầu năm. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,36 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,28 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. BĐS tiếp tục “rớt” khỏi top 3 lĩnh vực nhận được đầu tư FDI nhiều nhất.
Hàn Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong 98 quốc gia vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 6,02 tỷ USD, tương đương 25,7% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,74 tỷ USD, chiếm 24,58% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,92 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2017, TPHCM là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 3,3 tỉ USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư, chính thức soán ngôi vị dẫn đầu của Thanh Hóa.