Thời gian qua trên cả nước còn tồn tại rất nhiều dự án đầu tư dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài. Thực tế không chỉ gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhà nước, lãng phí nguồn lực từ đất đai, mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Gần đây, nhiều địa phương đã có hàng loạt động thái mạnh tay, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Toàn TP. Hà Nội có tới gần 400 dự án chậm triển khai. Tính riêng trên địa bàn huyện Mê Linh, sau rà soát có tới 47 dự án vốn ngoài ngân sách đã "treo" cả thập kỷ. Tất cả đang bước vào cuộc tổng rà soát, thanh kiểm tra, phân loại.
Theo ghi nhận của phóng viên, một dự án nhà ở hơn 55ha tại huyện Mê Linh, Hà Nội trước đây được gọi là dự án "treo". Nhiều vướng mắc liên quan đến chủ trương đầu tư, đất đai, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch, khiến chủ đầu tư loay hoay xoay xở suốt nhiều năm qua giờ đã được địa phương tháo gỡ.
Dự án hiện đã tiến hành đấu giá cạnh tranh, đang triển khai xây dựng hạ tầng, các khu nhà ở và nhà ở xã hội. Theo chia sẻ của đại diện huyện Mê Linh, hầu hết các dự án trong danh sách chậm triển khai đang được khởi động lại.
Hiện nay, theo quy định tại Luật Đất đai 2013, trong vòng 24 tháng sau khi được giao đất, chủ đầu tư phải triển khai dự án. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian chậm tiến độ này. Hết thời hạn này, dự án bị thu hồi. Tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất những chế tài mạnh tay hơn.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Chính phủ đã lập một Đề án để tập trung xử lý tại 4 thành phố có khoảng 2.000 dự án chậm tiến độ. Từ đó sẽ đưa ra các phương án để xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết thời gian tới./.