Aa

Tăng “đề kháng” cho ngành thép

Thứ Ba, 10/03/2020 - 06:15

Doanh nghiệp ngành thép giống như chiếc đĩa nông, chưa mưa đã đầy, chưa nắng đã khô, bất kỳ một biến động nhỏ nào của thị trường cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã mở rộng lệnh áp thuế theo Mục 232 về vấn đề an ninh quốc gia của Đạo luật Thương mại mở rộng 1962 đối với một số sản phẩm nhôm và thép thứ cấp (sản phẩm được làm từ nhôm và thép) nhập khẩu vào Hoa Kỳ khi cho rằng các nhà sản xuất nước ngoài có hành vi “lẩn tránh” lệnh áp thuế theo Mục 232.

Bất kỳ một biến động nhỏ nào của thị trường cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thép.

Chủ động phòng vệ

Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại".

Đề án nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, phần mềm phân tích và trang thông tin điện tử để vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm và để tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp và phân tích thiệt hại. Hoàn thiện và nâng cấp cơ sở dữ liệu để theo dõi các mặt hàng nhập khẩu đang bị Việt Nam điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có khả năng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng nhập khẩu có mức tăng đột biến, các mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, nhằm phát hiện và cảnh báo dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...

Trong đó, về xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, máy chủ, đường truyền để phục vụ công tác phân tích và cảnh báo theo hướng đồng bộ, hiện đại và đáp ứng nhu cầu cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm khai thác hiệu quả lợi ích và hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ việc hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê về xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn theo từng giai đoạn.

Trước sức ép ngày một gia tăng

Theo số liệu thống kê của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), kim ngạch hàng hóa nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi biện pháp mở rộng này trong năm 2019 là khoảng 785 triệu USD với thép và 480 triệu USD với nhôm. Trong đó, kim ngạch các sản phẩm thứ cấp của nhôm và thép được Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2019 lần lượt là 1,8 triệu USD và 1,63 triệu USD, chiếm tỷ trọng tương ứng là 0,38% và 0,21% tổng kim ngạch các mặt hàng nhôm và thép thứ cấp được nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Dù kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhôm và thép thứ cấp chưa lớn nhưng Cục Phòng vệ thương mại lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nhôm và thép thứ cấp nêu trên sang Hoa Kỳ cần trao đổi với đối tác nhập khẩu để xem xét đề nghị miễn trừ trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu thỏa mãn các điều kiện được miễn trừ.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng ví von rằng: Doanh nghiệp ngành thép giống như chiếc đĩa nông, chưa mưa đã đầy, chưa nắng đã khô. Bởi vậy, bất kỳ một biến động nhỏ nào của thị trường cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của Chính phủ thì sự chủ động ứng phó với các biến động, thay đổi, rủi ro thuộc về doanh nghiệp. Stephen Elop, cựu CEO Nokia từng nói rằng: “Chúng tôi chẳng làm điều gì sai thế mà chúng tôi vẫn thua trận”. Bởi, khi thế giới thay đổi nhanh, môi trường kinh doanh thay đổi các doanh nghiệp trước hết phải tự thay đổi để cứu lấy chính mình.

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Hiện nay, chiến lược kinh doanh của các tập đoàn lớn trên thế giới đang ngắn lại, thường là 3 năm và phải cuối chiếu từng năm để tạo độ linh hoạt và lường trước rủi ro. Quản trị rủi ro và quản trị bất định trở thành ưu tiên của các doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top