Aa

Doanh nghiệp thép nỗ lực vượt “phép thử”

Thứ Tư, 15/01/2020 - 05:50

Rủi ro kéo dài từ thương chiến Mỹ - Trung cho đến “phép thử” từ thị trường xây dựng chững lại trong năm 2020 được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến sức tăng trưởng của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ vượt qua các “phép thử” này, tận dụng dư địa thị trường vẫn còn rất lớn.

Trước những dự báo ngành thép tiếp tục biến động khó lường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như giá nguyên liệu và thị trường trong nước, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ trong năm 2020 đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Biến động khó lường

Trong niên độ 2019 - 2020, HSG cho biết sẽ hướng đến việc tăng sản lượng tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu (XK) trong bối cảnh hoạt động XK sẽ khó khăn hơn do các biện pháp phòng vệ thương mại, trong khi cạnh tranh khốc liệt tại thị trường nội địa. Công ty tiếp tục các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp (DN), đáng chú ý nhất là việc cải tiến hệ thống phân phối theo mô hình mới.

Tại đại hội cổ đông vào ngày 13/1, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, chỉ rõ lợi nhuận của công ty trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng bởi biến động giá thép từ thương chiến Mỹ - Trung.

Trước băn khoăn của cổ đông về việc mới đây phía Mỹ áp thuế áp thuế cao nhất là 456% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu liệu có ảnh hưởng, HSG cho biết công ty sẽ không bị ảnh hưởng, vì trước khi bị áp thuế đã chuyển đổi toàn bộ nguồn gốc hàng xuất đi Mỹ không có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, tuy Mỹ cũng áp một số mức thuế cho thép xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc, nhưng HSG không nằm trong danh sách áp thuế này.

Doanh nghiệp thép Việt Nam tăng cường giảm rủi ro điều tra thương mại

Nhận định mới đây về triển vọng ngành thép Việt trong năm 2020, Chứng khoán VCBS có lưu ý về rủi ro ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, Trung Quốc là một trong các quốc gia bị Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% các sản phẩm thép, vì vậy với sản lượng sản xuất lớn buộc Trung Quốc phải dịch chuyển XK các sản phẩm thép và phôi sang các quốc gia khác.

Tuy Việt Nam vẫn đang duy trì thuế tự vệ với các sản phẩm thép Trung Quốc, thế nhưng vẫn chịu rủi ro từ các hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch, chính sách bán phá giá và các sản phẩm kém chất lượng từ quốc gia này.

Bên cạnh đó, rủi ro giá bán chưa có nhiều động lực cải thiện khi công suất toàn ngành đang tăng lên. Tổng công suất thép xây dựng trong năm 2020 được ước tính tăng 15%, đến từ khu liên hợp thép Dung Quất của Hoà Phát và nhà máy VAS Nghi Sơn với công suất lần lượt là 2 triệu tấn và 500.000 tấn. Ngoài ra, dự kiến năm 2020, thị trường xây dựng trong nước chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc sẽ tăng áp lực cạnh tranh, giảm giá bán.

Chưa kể, rủi ro còn đến từ thị trường xây dựng chững lại trong năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến ngành thép. Các nhà phân tích tỏ ra quan ngại phân khúc bất động sản thương mại sẽ chững lại do chính sách siết chặt dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, cũng như siết chặt các quy trình pháp lý cấp phép, từ đó đã làm tốc độ nguồn cung các dự án mới ra thị trường có phần kém sôi động hơn.

Dư địa lớn trong dài hạn

Mặc dù vậy, VCBS vẫn kỳ vọng ngành thép vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong dài hạn. Điều này đến từ triển vọng tăng trưởng dài hạn ngành xây dựng trong nước, nhất là nhu cầu xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng trong tương lai sẽ tăng trưởng khả quan khi tỷ lệ dân số đô thị hóa và diện tích sàn bình quân người tại Việt Nam còn khá thấp so với một số quốc gia trong khu vực và các quốc gia phát triển trên thế giới.

Hơn nữa, các hoạt động thu hút dòng vốn FDI cùng với các chính sách hỗ trợ công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Chính phủ sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành xây dựng công nghiệp, trong đó có ngành thép.

Thực tế cho thấy ngành thép mang tính chu kỳ và có thể nhận thấy rõ sự phụ thuộc của ngành thép Việt Nam vào thị trường xây dựng và bất động sản khi các nhu cầu xây dựng vẫn chiếm tới 65% nhu cầu sử dụng thép ở Việt Nam. Vì vậy, nếu như thị trường bất động sản có sự điều chỉnh nhẹ trong các năm tới có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thép chậm lại.

Ở một DN thép nội khác là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), giới phân tích cho rằng vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong dài hạn. Nhất là khi tổng công suất dự án thép Dung Quất đi vào hoạt động ổn định sẽ nâng tổng công suất của DN này thêm 4 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, nhu cầu thép cán nóng (HRC) nội địa lớn so với nguồn cung trong nước. Trong năm 2019 ước tính tổng nhu cầu thép HRC trong nước trên 15 triệu/tấn. Ngoại trừ Formosa với sản lượng tiêu thụ nội địa cả năm 2019 ước tính đạt 3,8 triệu tấn, chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu sản xuất trong nước, phần còn lại thép HRC tại Việt Nam đều phải nhập khẩu.

Nhằm giảm rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào từ việc thực thi các chính sách bảo hộ và giảm rủi ro điều tra thương mại, áp thuế, đặc biệt các sản phẩm đầu ra có nguồn gốc phôi từ Trung Quốc, khả năng các nhà sản xuất trong nước sẽ đa dạng hóa một phần sản lượng nhập khẩu sang các nhà sản xuất thép HRC nội địa, đây cũng là một lợi thế cho Hòa Phát.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top