Aa

Tăng động lực để kinh tế 2019 tiếp tục tạo kỳ tích

Thứ Tư, 02/01/2019 - 06:01

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt mức kỷ lục 7,08% – mức cao nhất trong 11 năm gần đây và là động lực để nền kinh tế năm 2019 tiếp đà đi lên. Dù vậy, không thể lơ là, chủ quan trong điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh khi biến động kinh tế, chính trị thế giới rất khó lường và đặc biệt "sức khỏe" của doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2018 tăng 7,08% – mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2018 tăng 7,08% – mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực; đồng thời đề nghị trong năm 2019 cần phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2018.

Không quá say sưa với thành tích

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không quá say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính – tiền tệ và xuất khẩu dưới tác động của chiến tranh thương mại.

Cũng tại Hội nghị này, sau khi điểm lại các con số kỷ lục về kinh tế – xã hội năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "Con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp. Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế".

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện.

Những rào cản làm kinh tế tư nhân không bứt phá được, đặc biệt là kinh tế hộ khó chuyển lên thành doanh nghiệp (DN), những nút thắt của DN công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ lao động…

Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững". Mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số.

"Chúng ta không chỉ phát huy các tài nguyên sẵn có mà quan trọng hơn là tinh thần cảm ứng và khả năng tư duy đóng góp của trên 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài.

Đồng thời, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển… Đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển kinh tế.

Ở góc độ chuyên gia, nhìn về nội lực nền kinh tế, Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá năm 2018, Việt Nam đã có cố gắng cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Các DN xác nhận là đã có cải thiện trong việc thực hiện các dịch vụ qua mạng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, các DN cũng phản ánh chi phí không chính thức, chi phí ngoài quy định lại tăng lên. Nguyên nhân là số điều kiện kinh doanh giảm nhưng vẫn còn điều kiện cuối cùng và để vượt qua điều kiện cuối cùng này, các DN vẫn phải mất chi phí.

Vẫn còn nhiều thách thức

Ts. Lê Đăng Doanh lo ngại mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2019 là 6,8% là cao và khó khăn. Nguyên nhân là do môi trường kinh tế thế giới không thuận lợi. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp tục, thương mại thế giới giảm sút.

"Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã giảm dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế châu Á và tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Trong khi đó, Việt Nam cố gắng duy trì ở mức cao hơn mức trung bình của khu vực là điều hết sức đáng chú ý, đòi hỏi nỗ lực rất lớn", ông Doanh cho biết.

Bên cạnh đó, kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển rất mạnh ở Việt Nam nhưng khung pháp lý đang còn thấp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng chỉ ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2019. Đó là sự biến động khôn lường, sự cạnh tranh của các nền kinh tế lớn, đồng thời họ lại chính là các thị trường thương mại quan trọng cũng như các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Điều này sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế cũng như tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, có những khó khăn trong việc hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2019. Đặc biệt là liên quan đến áp lực của chính sách tài khóa, thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh áp lực chi ngân sách vẫn còn rất cao.

"Đây là những vấn đề liên quan đến xử lý nợ không chỉ ở khu vực nợ xấu của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, mà còn liên quan đến nợ công cũng như các áp lực về nghĩa vụ trả nợ trong năm 2019. Theo đó, sẽ ảnh hưởng đến các chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam", ông Ánh nhận định.

Ts. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng nếu nói sự dịch chuyển cấu trúc nền kinh tế có sự tiến bộ là không thỏa đáng. Thời gian qua, Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuy nhiên, xét về tăng trưởng GDP trong chế biến, chế tạo không thay đổi, hàm lượng nước ngoài trong công nghiệp quá nửa.

"20 năm qua, Việt Nam không có được một sản phẩm chế tạo nào thực sự. Giá trị gia tăng trên một lao động của nông nghiệp vẫn đang tăng lên, trong khi khu vực công nghiệp lại giảm", ông Nghĩa phân tích.

Vì vậy, theo ông Nghĩa, Việt Nam nên phát triển kinh tế đúng với thế mạnh là nông nghiệp và du lịch. "Nông nghiệp và du lịch cũng sẽ là sức bật cho nền kinh tế trong năm 2019. Tôi dự báo GDP năm 2019 sẽ tương đương với kết quả đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi, kinh tế sẽ tăng trưởng khó khăn hơn", ông Nghĩa nhìn nhận.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cho hay muốn phát triển nông nghiệp, Việt Nam phải đột phá về khoa học công nghệ.

Thời gian qua, Việt Nam nói rất nhiều về công nghệ 4.0 nhưng nhìn chung các DN vẫn áp dụng công nghệ lạc hậu, đa số nông dân là các nông dân nhỏ và khả năng tái đầu tư áp dụng công nghệ rất thấp. Trong khi đó, đầu ra ngành nông nghiệp bế tắc, giá cả bấp bênh.

Theo ông Sơn, vướng mắc về thể chế là lớn nhất. Nông dân sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, nếu không liên kết thành HTX, không sản xuất theo quy mô trang trại sẽ không thể liên kết được với DN để làm ăn lớn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng

Năm 2019 phấn đấu tạo ra được những chuyển biến về chất, có tính đột phá trên các lĩnh vực để nền kinh tế thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của thị trường, phù hợp với thực tế phát triển đất nước trong tình hình mới. Nền kinh tế cần tiếp tục được cơ cấu lại một cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn ở tầm tổng thể quốc gia cũng như từng ngành, lĩnh vực, địa phương và các tổ chức kinh tế cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc

Mặc dù những con số về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 là đáng khích lệ, song không có bất kỳ con số nào có thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng. Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những năm 2017, 2018 và cả những năm tới đây, bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức ở phía trước.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - Dương Mạnh Hùng

Trong điều kiện tự do hóa thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, năm 2019, bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào nhóm giải pháp như rà soát và sửa đổi chính sách, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Chính phủ cũng cần đổi mới phương thức thu hút FDI, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ cao và chặn công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top