Hiểm họa luôn cận kề
Thời gian vừa qua, tại khu vực phía Nam đã diễn ra 2 vụ hỏa hoạn ở chung cư khiến cộng đồng cư dân vô cùng lo lắng. Đó là vụ việc xảy ra tại Chung cư Carina Plaza (quận 8, TP.HCM) và ParcSpring (quận 2, TP.HCM).
Điểm xuất phát cháy tại tòa nhà Carina Plaza là ở tầng hầm để xe, còn tại ParcSpring là ở trên tầng 8. Tuy nhiên, thiệt hại từ vụ việc xuất phát ở dưới tầng hầm để xe là nghiêm trọng nhất, khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương và hàng trăm chiếc xe bị thiêu trụi.
Điều này như một hồi chuông cảnh báo hiểm họa xuất phát từ nơi để xe mà trước nay ít ai để ý tới.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại nhiều tòa nhà trên địa bàn TP.HCM, diện tích tầng hầm chủ yếu là để trông giữ xe. Nhiều tòa nhà lớn, có thời điểm chứa hàng ngàn xe máy và ô tô trong tầng hầm. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo phòng cháy chữa cháy, thông gió và đảm bảo sức khỏe cho người dân chưa được đảm bảo. Thậm chí, diện tích tầng hầm còn bị lấn chiếm, lối thoát hiểm duy nhất là lối vào và lối ra của tầng hầm còn bị vật cản ngăn cách.
Chia sẻ với phóng viên, chị Hoa, hiện đang sống tại một chung cư trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, mỗi lần xuống tầng hầm lấy xe là mỗi lần bị “tra tấn”, bởi không khí ngột ngạt, bùi xăng nồng nặc, xe cộ xếp không theo hàng lối…
“Hầm chung cư chỗ tôi sống không chỉ chứa xe của cư dân, mà còn nhận nhiều xe của người ngoài. Trong khi đó, không khí thì rất bí và nóng nực, nếu để hỏa hoạn xảy ra thì chắc chắn cả khu hầm sẽ bị thiêu rụi”, chị Hoa nói.
Trong khi đó, tại một chung cư ở quận Thủ Đức, ngay lối đi vào của tầng hầm còn kê một chiếc bàn dài để bán vé số.
“Đã nhiều lần cư dân phản đối việc đặt bàn để bán vé số tại tầng hầm chung cư, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Nhiều người nghĩ rằng, tầng hầm chỉ là nơi để xe, xuống lấy xe rồi đi chứ ít ai quan tâm”, anh Toàn, cư dân sống tại đây cho biết.
Cũng theo anh Toàn, hầm để xe ở đây vừa hẹp, vừa thấp, lối ra vào thì nhỏ, nên việc đi lại rất khó khăn. Những lúc cao điểm, có hàng chục chiếc xe máy xếp hàng đợi nhau và nổ máy khiến không khí vô cùng ngột ngạt.
“Không phải đến bây giờ cư dân mới để ý đến những nơi như tầng hầm để xe, nhưng sau vụ cháy xảy ra tại Chung cư Carina Plaza, những vấn đề ở dưới tầng hầng trở lên quan trọng hơn bao giờ. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của những người sinh sống bên trên nó”, anh Toàn nói.
Cần tách biệt chỗ để xe
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tỷ lệ xe máy chiếm phần lớn và nhiều trường hợp vượt quá công suất thiết kế khu vực để xe. Trong đó, có nhiều xe máy đã được sử dụng quá lâu, hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, cũ nát, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa dễ bị rò rỉ xăng dầu, là nguy cơ tiềm ẩn cháy rất cao trong khu vực để xe.
Theo ông Châu, khu vực để xe của dự án nhà chung cư cao tầng xây dựng tại các khu đô thị mới cần phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy và nếu có xảy ra cháy thì dễ chữa cháy và giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản. Tầng hầm chung cư chỉ nên sử dụng để bố trí hệ thống kỹ thuật, hoặc làm các dịch vụ ít có nguy cơ xảy ra cháy nhằm phục vụ cư dân chung cư.
Còn đối với dự án nhà chung cư, nhà liền kề, không xây dựng tầng hầm thì dành 100% diện tích tầng trệt của dự án làm khu vực để xe. Mặt bằng lầu 1 của dự án được bố trí chức năng công viên và lối đi bộ vào nhà.
Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị, cần bổ sung thêm quy chuẩn, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy khu vực hầm để xe của chung cư để tạo cơ sở pháp lý cho các chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng chung cư mới, hoặc nâng cấp, chỉnh trang khu vực hầm để xe tại các chung cư cũ hiện nay.
Đồng thời, cũng nên xem xét quy định về niên hạn sử dụng xe máy, xe ô tô và có biện pháp xử lý đối với xe máy đã hết niên hạn sử dụng, không đạt tiêu chuẩn an toàn, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy, nổ tại các chung cư, nhà cao tầng.