Aa

Tầng hầm thành "kho xăng", đề nghị chung cư phải có bãi đỗ xe riêng

Thứ Năm, 14/11/2019 - 10:40

Cho rằng tầng hầm sẽ thành "kho xăng dầu" và tăng nguy cơ cháy nổ, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đã đề nghị Quốc hội xem xét, sửa Luật Xây dựng để các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng, không để dưới tầng hầm.

Theo Báo cáo từ Đoàn giám sát của Quốc hội, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 - 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462ha rừng.

Như vậy, trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5ha rừng. 

Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng.

Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%).

Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nguy cơ cháy nổ đến từ các tòa chung cư, cao ốc là rất cao. Thống kê cho thấy, còn 2.662 công trình tiền ẩn nguy cơ cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Đáng chú ý, tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Trước những con số thống kê đầy lo ngại ấy, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề nghị Quốc hội xem xét, sửa Luật Xây dựng để các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng, không để dưới tầng hầm.

“Từng xe đều có bình xăng và nhiều xe đậu dưới tầng hầm thì nơi đậu xe sẽ trở thành kho xăng dầu. Khi cháy thì không thể ứng cứu được. Kể cả có phun nước vào thì xăng nổi lên và vẫn cháy”, đại biểu Phương phân tích.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) 

Qua đó, vị đại biểu này cho rằng, các cơ quan nhà nước có thể để xe dưới hầm nhưng khu dân cư, chung cư, khách sạn phải xây dựng bãi đỗ xe riêng, không nên để xe dưới hầm và nhà để xe nên làm trên cao.

Nói sâu hơn về vấn đề, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho hay, các nhà cao 50 - 70 tầng, khi cháy thì trụ chịu lực sẽ bị nóng, ảnh hưởng đến an toàn kết cấu, khó đảm bảo an toàn công trình về lâu dài. 

"Tôi đề nghị Quốc hội xem xét, sửa Luật Xây dựng để các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng chứ không để dưới tầng hầm", đại biểu nói.

Đánh giá về các con số hàng trăm, hàng nghìn các dự án chung cư không đảm bảo an toàn PCCC, Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ sự lo ngại: "Chung cư là xu hướng phát triển nhà ở của đô thị, nhưng nhiều vụ cháy vừa qua đã gây lo lắng trong nhân dân".

Nguyên nhân mà đại biểu này nêu ra trước hết là do chủ đầu tư chung cư chưa quan tâm đến các biện pháp kỹ thuật, nên hệ thống phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo yêu cầu. Thêm nữa, có toà nhà mật độ người dân quá cao, ảnh hưởng đến thoát nạn khi có cháy. Và thậm chí, người dân còn để vật dụng, hàng hoá trong thang thoát nạn, buồng kỹ thuật điện; có gia đình còn tháo dỡ bình cứu hoả ở thang bộ thoát nạn để lấy ánh sáng và gió.

"Nhiều tầng hầm chung cư là nơi lắp đặt bốt điện, tản nhiệt, điều hoà... Nếu chập điện thì hàng trăm xe máy, ôtô chứa xăng có nguy cơ bị cháy, nổ. Trong khi không ít chung cư chưa được trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có nhưng người dân không biết sử dụng", đại biểu Thạch Phước Bình băn khoăn.

Về giải pháp, đại biểu Bình cho rằng trong quá trình xây dựng các chung cư cao tầng, chủ đầu tư và cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm việc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Song song với đó, người dân sinh sống ở đây phải được phổ biến, tập huấn về phòng, chữa cháy từ những việc đơn giản nhất như dùng ổ điện đúng cách, sắp xếp đồ dùng, hàng hoá đảm bảo có lối thoát nạn...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Giải trình làm rõ một số nội dung ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, hiện nay có ba luật liên quan đến công tác PCCC là Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Nhà ở. Đồng thời, cũng có nhiều nghị định, thông tư về vấn đề này. 

"Trong những văn bản này đã có những quy định hết sức cụ thể về các khâu trong xây dựng, như phê duyệt dự án, kỹ thuật, kiểm tra hệ thống PCCC… Đặc biệt, trong Luật Nhà ở có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư về PCCC", Bộ trưởng cho hay.

Tuy vậy, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, các quy định pháp luật về công tác này còn nhiều hạn chế, nội dung lạc hậu, thiếu quy định đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của việc phát triển đô thị. Đặc biệt, còn nhiều bất cập ở khâu tổ chức thực hiện các quy định về PCCC trong công tác quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình… 

“Đây là những tiền đề quan trọng, nếu chúng ta thực hiện tốt việc này sẽ góp phần ngăn chặn tối đa việc xảy ra cháy”, Bộ trưởng nói.

Đồng tình với nhiều giải pháp ĐBQH nêu ra, như việc nghiên cứu có sử dụng tầng hầm làm nơi đỗ xe hay không, Bộ trưởng cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy chuẩn về PCCC… "Hiện nay, ở Việt Nam đã đủ sức thiết kế công trình đến 100 tầng, vì vậy cần bổ sung một số quy định quy chuẩn liên quan về công trình này, hay thêm quy định về các công trình đa năng, hỗn hợp…"

“Chúng tôi sẽ tổng hợp lại quy chuẩn, tiêu chuẩn để dễ tra cứu, áp dụng, đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm PCCC, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp. Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên PCCC, tài sản, tính mang con người là trên hết”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top