Vấn đề quan trọng là, phải có giải pháp để tăng sức hút vào phân khúc này.
Lực đầu tư ngày càng lớn
Số liệu báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 9 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI vào Việt Nam vượt mốc 20 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đã có sự mở rộng đầu tư của hàng loạt “ông lớn” như: Samsung, Intel, Foxconn, Pegatron, Goertek… với các dự án lên tới hàng tỷ USD đã dần đưa Việt Nam trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đầu năm 2023, hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai ở Việt Nam, như của Compal, Quanta Computer…
Đặc biệt, với việc Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đã góp phần gia tăng đáng kể quy mô thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài; cùng với đó là chi phí thuê nhân công và thuê đất ở Việt Nam đang ở mức thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á, đang tạo ra lợi thế vượt trội. Nắm bắt được làn sóng chuyển dịch đầu tư này, các nhà đầu tư BĐS công nghiệp cũng đang đẩy nhanh thực hiện.
“Xu hướng dịch chuyển đầu tư đã đem lại những thay đổi tích cực đối với thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam. Lượng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu BĐS công nghiệp bật tăng, làn sóng đầu tư vào BĐS công nghiệp ngày càng mở rộng” - Quản lý cấp cao bộ phận BĐS công nghiệp của Savills Hà Nội Thomas Rooney đánh giá.
Cần nắm lấy cơ hội
Theo Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Bình, dịch Covid-19 đã để lại nhiều hậu quả cho thị trường BĐS, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ và các địa phương, cùng với nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp BĐS, đến nay thị trường đang có những tín hiệu phục hồi đáng kể. Trong đó, BĐS công nghiệp và nhà ở là 2 phân khúc đang ghi nhận nhiều tín hiệu quay lại của nhà đầu tư trong nước và quốc tế, thị trường đã trởlên nhộn nhịp hơn với hoạt động mua bán sáp nhập dự án.
“Để giúp thị trường BĐS trong nước sôi động, hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển đầu tư quốc tế, cũng như “giữ chân” nguồn nhân lực trình độ cao đến làm việc. Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp gia tăng nguồn cung BĐS, xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu nhà ở và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam ở những khu vực được cho phép. Đồng thời, đưa ra những quy định, tạo điều kiện thuận lợi để người nước ngoài có thể mua và sở hữu BĐS tại Việt Nam” - ông Bình nhìn nhận.
Theo đánh giá, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn trong quá trình các doanh nghiệp FDI cố gắng mở rộng và đa dạng hóa thị trường, mặc dù vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, nhưng với việc nhà đầu tư tập trung vào Việt Nam thay vì một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... đã chứng minh cho điều này.
“Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư BĐS công nghiệp bao gồm cả triển khai dự án mới và mở rộng quy mô đầu tư, trong đó đáng ghi nhận là những dự án đầu tư chất lượng cao. Vì vậy, với việc Chính phủ Việt Nam quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô một số sân bay sẽ càng thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm cơ hội tại thị trường này. Vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các dự án sân bay để nắm bắt cơ hội này” - Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell nói.