Aa

Tăng phát hành giấy tờ có giá nhưng ngân hàng lại hạn chế đầu tư

Thứ Bảy, 19/08/2023 - 15:21

Trái với lượng giấy tờ có giá vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, ở chiều ngược lại, trong khi tăng trưởng tín dụng đã trì trệ, hoạt động đầu tư của nhiều ngân hàng cũng giảm sút chứ không tăng trưởng để bù đắp cho tín dụng.

Trái với lượng giấy tờ có giá vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, ở chiều ngược lại, trong khi tăng trưởng tín dụng đã trì trệ, hoạt động đầu tư của nhiều ngân hàng cũng giảm sút chứ không tăng trưởng để bù đắp cho tín dụng như những năm trước nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn.

Tăng cường nguồn vốn trung, dài hạn

Hơn 74.700 tỷ đồng là mức tăng ròng giá trị giấy tờ có giá (GTCG) phát hành của 27 ngân hàng đang niêm yết trong sáu tháng đầu năm 2023, tương đương mức tăng 9,2%, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của các ngân hàng cho thấy. Theo đó, tổng giá trị GTCG của các ngân hàng này đã lên tới hơn 891.000 tỷ đồng, tương đương 10% tổng tiền gửi của nhóm này và xấp xỉ 76% tổng vốn chủ sở hữu.

Trong đó, có ba ngân hàng không thay đổi số dư GTCG.

Chỉ có tám ngân hàng có số dư GTCG giảm so với đầu năm nay. Một số ngân hàng có mức giảm đáng chú ý như Vietcombank giảm ròng 9.014 tỷ đồng, tương đương giảm 36%; VIB giảm 6.428 tỷ đồng, tương đương giảm 20% và TPbank giảm gần 5.164 tỷ đồng, tương đương giảm 25%. Không loại trừ khả năng nhóm này có nguồn vốn huy động dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng khó khăn, nên đã chủ động tất toán khi các trái phiếu đến hạn thanh toán và không phát hành để bù đắp.

Tổng danh mục chứng khoán đầu tư của 27 ngân hàng niêm yết giảm ròng gần 9.574 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng giảm 0,6%. Ảnh: N.K

Tuy nhiên, có đến 16 ngân hàng, chiếm tỷ trọng 59%, có số dư GTCG tăng so với đầu năm. Tốp 3 ngân hàng tăng nhiều nhất gồm VietinBank tăng ròng gần 21.248 tỷ đồng, tương đương tăng 23%; Techcombank tăng 20.951 tỷ đồng, tương đương tăng vọt 62% và MBBank tăng 15.854 tỷ đồng, tương đương tăng 16%.

Nếu xét theo số tuyệt đối tính đến cuối quý 2/2023, năm ngân hàng có GTCG phát hành lớn nhất gồm BIDV với 156.249 tỷ đồng (nhưng giảm 802 tỷ đồng so với đầu năm), VietinBank với 112.618 tỷ đồng, MBBank với 112.432 tỷ đồng, VPBank với 73.281 tỷ đồng và Techcombank với 54.958 tỷ đồng.

Theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không được mua TPDN. Trong khi đó, ngay từ quý 1/2023 đã có đến bảy ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%.

Có thể thấy cùng với tiền gửi tiết kiệm tăng trưởng tích cực, từ đầu năm đến nay hầu hết các ngân hàng ra sức phát hành GTCG để cải thiện cơ cấu nguồn vốn trung, dài hạn đầu vào. Từ ngày 1/10/2023, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm từ 34% về 30%. Trong khi đó, theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì đến cuối tháng 5/2023, tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần vẫn còn ở mức hơn 31,5%. Do đó, có lẽ một số ngân hàng vẫn gặp áp lực về nguồn vốn trung, dài hạn để kéo tỷ lệ này xuống mức quy định mới sắp có hiệu lực.

Đáng lưu ý là dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã và đang trải qua nhiều khó khăn nhưng nhìn vào lượng GTCG phát hành tăng thêm của các ngân hàng vẫn cho thấy xu hướng khả quan, khi trong số dư GTCG của các tổ chức tín dụng chiếm chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn dài.

Dù vậy, theo báo cáo tháng 6/2023 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 42.783 tỷ đồng, trong đó nhóm ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng 6,8%, tức chỉ hơn 2.900 tỷ đồng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với giá trị GTCG tăng thêm của các ngân hàng, chưa nói đến việc các ngân hàng cũng đã tích cực lại mua trái phiếu trước hạn trong thời gian qua. Vì vậy, khả năng mức tăng thêm của GTCG trong sáu tháng đầu năm nay của các ngân hàng chủ yếu đến từ các chứng chỉ tiền gửi.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn diễn ra quyết liệt, một số ngân hàng có cơ chế cộng thêm lãi suất cho khách hàng khi giao dịch tại quầy với số tiền lớn, có lẽ không ít ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh phát hành các chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng, tích lũy một nguồn vốn bền vững với lãi suất ổn định phục vụ cho các chiến lược kinh doanh dài hạn sắp tới.

Hạn chế đầu tư dù đầu ra tín dụng khó khăn

Trái với lượng GTCG vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, ở chiều ngược lại, trong khi tăng trưởng tín dụng đã trì trệ, hoạt động đầu tư của nhiều ngân hàng cũng giảm sút chứ không tăng trưởng để bù đắp cho tín dụng như những năm trước nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Báo cáo cho thấy tổng danh mục chứng khoán đầu tư của 27 ngân hàng nói trên giảm ròng gần 9.574 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng giảm 0,6%.

Trong đó, có đến 14 ngân hàng, chiếm tỷ lệ 52%, ghi nhận sự sụt giảm. Các ngân hàng giảm mạnh nhất có thể kể đến như Vietcombank giảm ròng gần 39.300 tỷ đồng, tương đương giảm 20%; BIDV giảm hơn 16.437 tỷ đồng, tương đương giảm 7%; Eximbank giảm 8.134 tỷ đồng, tương đương giảm đến 51%; VietBank giảm 6.288 tỷ đồng, tương đương giảm 27% và MSB giảm 4.623 tỷ đồng, tương đương giảm 15%.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự suy yếu trong hoạt động đầu tư của các ngân hàng trong sáu tháng đầu năm nay.

Thứ nhất, trong bối cảnh thị trường TPDN ảm đạm như đã nói, nguồn cung giảm sút do các đợt phát hành mới rất ít, các ngân hàng không có nhiều cơ hội đầu tư vào mảng vốn một thời rất sôi động này. Đồng thời, những rủi ro của thị trường TPDN cũng đã gia tăng đáng kể nên các ngân hàng càng không mấy mặn mà đầu tư như giai đoạn trước.

Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không được mua TPDN. Trong khi đó, ngay từ quý 1/2023 đã có đến bảy ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%.

Thứ hai, với hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP), vốn chiếm tỷ trọng khá lớn tại một số ngân hàng, trước tình hình lãi suất chung đi xuống nhanh từ đầu quý 2 đến nay, lãi suất phát hành TPCP cũng lao dốc theo. Do đó, TPCP có lẽ cũng không còn thu hút các ngân hàng tham gia mạnh mẽ, nhất là khi xu hướng lãi suất trong thời gian tới vẫn khó lường, cộng thêm chi phí vốn của các ngân hàng vẫn đang ở mức cao do một lượng vốn lớn huy động ở vùng lãi suất cao giai đoạn trước.

Nguyên nhân thứ ba đến từ việc NHNN trong thời gian qua cũng đã giảm dần lượng tín phiếu đang lưu hành, nhằm mục đích cải thiện nguồn cung tiền tệ như là giải pháp nới lỏng chính sách. Do đó, số dư tín phiếu trong danh mục đầu tư của một số ngân hàng cũng giảm mạnh, đơn cử như tại Vietcombank, lượng tín phiếu giảm từ 29.600 tỷ đồng hồi đầu năm về 0 đồng tại thời điểm cuối quý 2 vừa qua.

Cuối cùng, báo cáo tài chính cho thấy lượng trái phiếu đầu tư vào các TCTD khác của nhiều ngân hàng cũng suy giảm đáng kể. Như tại Vietcombank giảm ròng hơn 13.200 tỷ đồng so với đầu năm, BIDV giảm hơn 15.000 tỷ đồng. Với số liệu phát hành trái phiếu của các ngân hàng khá khiêm tốn trong nửa đầu năm nay như đã nói ở trên, phần nào giải thích cho hoạt động đầu tư vào trái phiếu lẫn nhau giữa các ngân hàng cũng sụt giảm.

Như vậy, với nguồn vốn đầu vào tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi cho vay và đầu tư đều khá trì trệ, dễ hiểu vì sao thanh khoản hệ thống nói chung và tại nhiều ngân hàng nói riêng duy trì dồi dào, góp phần giúp lãi suất liên tục đi xuống từ đầu năm đến nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top