Aa

Tăng tốc thi đua, công trường các dự án cao tốc mang diện mạo mới

Thứ Bảy, 28/09/2024 - 14:01

Hơn 2 tháng sau ngày Thủ tướng phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc", công trường các dự án cao tốc đã có diện mạo mới, sản lượng thi công tăng từng ngày khi các chủ đầu tư liên tục điều thêm nhân lực, máy móc...

Tăng tốc thi đua, công trường các dự án cao tốc mang diện mạo mới- Ảnh 1.

Công trường các dự án cao tốc đã có diện mạo mới, sản lượng thi công tăng từng ngày khi các chủ đầu tư liên tục điều thêm nhân lực, máy móc... - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Sáng 18/8, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc". Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng phải quyết liệt chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; chính quyền phải hành động quyết liệt.

Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Địa phương có nguồn vật liệu phải tích cực hỗ trợ cho địa phương khó khăn hơn, cấp trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, liên tục, "đã ra quân là chiến thắng", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Tăng tốc thi đua, công trường các dự án cao tốc mang diện mạo mới- Ảnh 2.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã huy động hơn 600 kỹ sư, công nhân và hơn 300 đầu máy tranh thủ khoảng thời gian công trường có nắng để chạy đua tiến độ - Ảnh: Báo GT

Hơn 600 công nhân miệt mài trên công trường cao tốc Vân Phong-Nha Trang

Ông Trần Bá Lam, Chỉ huy trưởng gói thầu XL2 dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang cho biết: Những ngày cuối tháng tháng 9, tại gói thầu XL2 dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã huy động hơn 600 kỹ sư, công nhân và hơn 300 đầu máy tranh thủ khoảng thời gian công trường có nắng để chạy đua tiến độ, đảm bảo thời gian cán đích vào dịp 30/4/2025.

"Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua "500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc" đến nay, Tập đoàn Sơn Hải đã huy động lượng máy móc, thiết bị tăng gấp 1,3 lần, lượng nhân lực tăng 2 lần. Cùng với việc duy trì tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, sản lượng thực hiện trung bình của nhà thầu hiện đạt 90 tỷ đồng/tháng, tăng 1,5 lần so với trước thời điểm phát động", ông Trần Bá Lam thông tin.

Đại diện Tổng công ty Thăng Long cũng chia sẻ, sản lượng của đơn vị hiện tăng khoảng 1,8 lần so với thời điểm trước khi phong trào thi đua được phát động bởi đơn vị đã huy động thêm 1,4 lần số đầu máy thiết bị, bổ sung thêm mũi thi công các hạng mục. Hiện tại, giá trị sản lượng đạt 420 tỷ đồng, vượt gần 2% so với kế hoạch đề ra.

Tăng tốc thi đua, công trường các dự án cao tốc mang diện mạo mới- Ảnh 3.

Trên cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng, nhà thầu hiện đã huy động 53 mũi thi công khoảng 750 xe máy thiết bị các loại đang thường trực trên công địa - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Hàm Nghi - Vũng Áng dự kiến cán đích sớm 6 tháng

Đoạn cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54,2 km với tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng, có điểm đầu tại xã Thạch Xuân (Thạch Hà) kết nối với dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và điểm cuối tại khu vực nút giao quốc lộ 12C, thuộc xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) nối với dự án thành phần Vũng Áng - Bùng.

Đoạn cao tốc Vũng Áng - Bùng dài 55,34 km với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, trong đó, đoạn qua địa phận Hà Tĩnh có điểm đầu tại nút giao Km23 Quốc lộ 12C - xã Kỳ Tân và điểm cuối thuộc xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) dài 12,9 km. Đến nay, cơ bản hoàn thiện thi công móng, nền, mặt đường, đã rải cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa mặt đường

Tại đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, xác định mốc về đích dịp 30/4/2025, sớm hơn kế hoạch ban đầu khoảng 6 tháng cần sự quyết tâm rất lớn, ban điều hành cùng nhà thầu, tư vấn giám sát và nhà thầu đã rà soát tiến độ các hạng mục quan trọng. Nhà thầu hiện đã huy động 53 mũi thi công khoảng 750 xe máy thiết bị các loại đang thường trực trên công địa. Sản lượng thi công đạt khoảng 55% giá trị hợp đồng.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) - chủ đầu tư dự án Hàm Nghi - Vũng Áng cho biết, với mục tiêu rút ngắn tiến độ trước 8 tháng để đưa vào khai thác dịp tháng 4/2025, các nhà thầu bố trí tối đa nhân lực, máy móc, chia "3 ca, 4 kíp" thi công suốt ngày đêm. Tới thời điểm này, toàn tuyến đã đạt trên 50% giá trị hợp đồng.

Tăng tốc thi đua, công trường các dự án cao tốc mang diện mạo mới- Ảnh 4.

Dưới cái nắng gay gắt, hàng trăm kỹ sư, công nhân vẫn đang nỗ lực duy trì ca kíp, miệt mài đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Dưới cái nắng gay gắt, hàng trăm kỹ sư, công nhân vẫn đang nỗ lực duy trì ca kíp, miệt mài đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh. Thiết bị, máy móc, nhân lực đã được huy động tối đa để triển khai các phần việc quan trọng trước mùa mưa lũ.

Phó Chỉ huy trưởng Công ty CP 471 Trần An Thuyên chia sẻ: Xác định thời điểm cuối tháng 9 Hà Tĩnh sẽ chuyển sang mùa mưa, vì vậy chúng tôi đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay trên công trường đơn vị đang bố trí 25 đầu máy và 70 công nhân, duy trì làm việc ca kíp với thời gian 16h/ngày.

Được biết, Công ty CP 471 đang thực hiện gói thầu từ Km514+300 - Km517+620 đoạn cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng. Hiện, đơn vị đang gấp rút thi công cầu, thảm bê tông nhựa để đảm bảo tiến độ trước mùa mưa. Các phần việc như: hoàn thiện hạng mục ta luy, đường gom, lắp dải phân cách... sẽ tiếp tục được thi công trong mùa mưa.

Nhân lực, máy móc đã sẵn sàng, chỉ còn lo thiếu vật liệu

Là một trong những dự án có tiến độ tốt nhất trong số các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai, song lãnh đạo Ban QLDA 7 vẫn lo lắng khi đà thi công, giải ngân của cao tốc Vân Phong - Nha Trang có thể bị chững lại bởi nút thắt mặt bằng. Bởi, tuyến Vân Phong- Nha Trang vẫn còn 1,44km chưa thi công được do vướng hạ tầng kỹ thuật, nhất là 12 vị trí điện cao thế 110kV, 220kV.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ bàn giao mặt bằng dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua tỉnh Đắk Lắk tăng thêm 7,3%; mặt bằng dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai tăng thêm 20%; diện tích mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan tăng thêm 4,4%; mặt bằng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận tăng gần 18%... Đây là điều kiện thuận lợi để các dự án đẩy nhanh thi công, lũy tiến sản lượng giải ngân.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tiến độ cấp mỏ vật liệu ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến giữa tháng 9/2024, ngoài tỉnh Vĩnh Long đã cấp 1,1/3,4 triệu m3, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre vẫn đang triển khai thủ tục cấp mỏ, bổ sung mỏ.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Vụ đã tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết như: Hệ thống an toàn giao thông (đúc dải phân cách, sản xuất tường hộ lan, biển báo); tập kết vật liệu đá dăm cấp phối, nhựa đường… chủ động thi công ngay khi thời tiết thuận lợi.

Năm 2024, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công 71.284 tỷ đồng. Tính đến nay, tỷ lệ giải ngân của Bộ ước khoảng hơn 40.000 tỷ đồng. Trong đó, số vốn giải ngân tập trung phần lớn ở các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Bộ GTVT đang đề nghị bổ sung 2.954 tỷ đồng kế hoạch năm 2024 cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn; bổ sung 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương 2022 cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ khoảng 75.478 tỷ đồng.

Đảm bảo giải ngân tối đa kế hoạch vốn năm nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 4 đợt cho 35 dự án với giá trị vốn điều chỉnh gần 2.900 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top