Aa

Tăng trưởng dịch vụ đi ngang dù lượng khách quốc tế tiếp tục giảm

Thứ Hai, 06/08/2018 - 03:02

Chỉ số bán lẻ tháng 7 tăng 8.4%, nhỉnh hơn so với tháng 6 là 8.3% (đã loại trừ yếu tố lạm phát). Chỉ số bán lẻ có xu hướng đi ngang từ đầu năm cho dù chỉ số lao động ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng khách du lịch quốc tế đều đang giảm.

Dầu khí ghi dấu ấn đậm trong tháng 7

Tháng 7 ghi nhận 2 dấu ấn nổi bật trong ngành dầu khí. Thứ nhất là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động và thứ hai là ngành khai thác dầu khí đạt tăng trưởng dương sau 4 tháng âm liên tiếp.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành từ tháng 6 và nhờ vậy ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có thêm 1 động lực thúc đẩy mới.

Chỉ số công nghiệp sản xuất than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh chế tháng 7 tăng 606% sau khi tăng 242% vào tháng 6. Thực tế số liệu của TCTK cũng mới chỉ công bố chỉ số này được 2 tháng.

Dự án Nghi Sơn được cấp phép từ năm 2008 là liên doanh giữa PetroVietnam với 3 đối tác nước ngoài từ Nhật và Quatar trong đó phía PetroVietnam nắm 25% cổ phần.

Đây là một dự án mang lại tăng trưởng đột biến cho ngành công nghiệp với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, cao hơn so với Dung Quất là 6.5 triệu tấn. Tuy vậy, hiệu quả thực sự của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đang là dấu hỏi lớn vì các điều khoản bù lỗ của PetroVietnam cũng như các ưu đãi quá đặc biệt dành cho dự án.

Chỉ số công nghiệp khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tháng 7 bất ngờ đạt tăng trưởng dương 0.3% nhờ khai thác khí thiên nhiên quay đầu tăng mạnh 18.9%. Trong khi khai thác dầu thô vẫn giảm sâu 14.7%.

Vào năm 2017, có 3 tháng khai thác khí giảm rõ rệt là tháng 7, 8 và 9 do mùa mưa khiến thủy điện được ưu tiên và nhiệt điện Nhơn Trạch 2 đại tu trong tháng 9.

Khai thác khí tăng đột biến vào tháng 10/2017 khi Bộ Công thương dừng thị trường điện cạnh tranh để tăng cường huy động điện từ các nhà máy nhiệt điện khí (có giá thành cao). Nhờ vậy, tăng trưởng ngành khai thác dầu khí đã dương trở lại sau 22 tháng liên tục âm.

Sang năm nay, sản lượng khai thác khí thiên nhiên tháng 7 chưa có dấu hiệu giảm mà vẫn xấp xỉ bằng các tháng trước là 880 triệu mét khối. Do đó, một lần nữa tăng trưởng khai thác dầu khí lại dương.

Một điểm có thể coi là tích cực với ngành dầu khí là giá dầu đang ổn định ở mức cao, trong khoảng 65 - 70 USD/thùng, cao hơn so với kế hoạch và dự báo của Bộ Tài chính cũng như của Bộ KHĐT.

Giá trị sản xuất của ngành dầu khí vì vậy có tăng trưởng cao dù sản lượng giảm nhẹ. Theo ước tính, tổng sản lượng dầu và quy đổi dầu trong tháng 7 giảm 1% theo năm. Nhưng về giá trị lại tăng 50% theo năm và tính chung 7 tháng tổng sản lượng quy đổi dầu giảm 3%, giá trị tăng 38%.

Khai thác dầu thô hàng tháng

Các ngành công nghiệp khác vẫn trên đà giảm / tăng đan xen

Điện thoại và chỉ số công nghiệp điện tử tiếp tục giảm tốc. Sản lượng điện thoại di động sản xuất trong tháng 7 là 14.9 triệu chiếc, mức thấp nhất 17 tháng. Điều này khiến cho chỉ số công nghiệp điện tử tháng 7 tăng thấp 12.2%, kéo tổng 7 tháng xuống 16.4%, thấp nhất 12 tháng.

Tăng trưởng công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, thủ phủ của Samsung vào tháng 7 giảm xuống 19.5%. Trong khi quý I và cả năm 2017 đạt lần lượt 38% và 37.2%. Cũng trong tháng 7, chỉ số lao động của Bắc Ninh giảm 3.2%.

Ngoài Bắc Ninh, Đà Nẵng cũng chứng kiến chỉ số lao động giảm 6.8% do một doanh nghiệp điện tử cắt giảm 2.4 nghìn lao động. Tính chung, chỉ số lao động ngành sản xuất điện tử tháng 7 giảm 0.3%, là lần đầu tiên trong nhiều năm có mức tăng trưởng âm. Chỉ số lao động toàn ngành công nghiệp vì vậy cũng giảm xuống 3%, thấp nhất 14 tháng dù lao động ngành khai khoáng bất ngờ có tăng trưởng dương do tăng cường khai thác than.

4 ngành công nghiệp tăng trưởng quan trọng trong tháng 7

4 ngành công nghiệp tăng trưởng quan trọng trong tháng 7

Ngược với điện thoại, điện tử, ngành dược, xe có động cơ, thép và may mặc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan. Đáng chú ý là ngành dược đạt mức tăng trưởng đột biến lên tới 63.4% theo năm trong tháng 7.

Với đà nhập khẩu linh kiện điện thoại đang giảm sâu, nhiều khả năng tăng trưởng ngành công nghiệp điện thoại, điện tử sẽ còn thấp hơn trong những tháng tới.

Tăng trưởng dịch vụ đi ngang dù lượng khách quốc tế tiếp tục giảm

Tăng trưởng khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc

Tăng trưởng khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc

Chỉ số bán lẻ tháng 7 tăng 8.4%, nhỉnh hơn so với tháng 6 là 8.3% (đã loại trừ yếu tố lạm phát). Chỉ số bán lẻ có xu hướng đi ngang từ đầu năm cho dù chỉ số lao động ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng khách du lịch quốc tế đều đang giảm.

Lý giải cho xu hướng đi ngang của bán lẻ, nếu có, có thể nằm ở sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người Việt nam. Tuy vậy, khảo sát quý I của Nielsen vẫn cho thấy xu hướng ưu tiên cho tiết kiêm.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quý 1 được khảo sát mặc dù tăng mạnh lên 124 điểm nhưng tỷ trọng ưu tiên tiền nhàn rỗi cho tiết kiệm vẫn ở mức cao, 74% so với 73% của quý IV/2017.

Với tình hình kinh tế và việc làm giảm tốc, rất khó có thể nói mức độ tiết kiệm của người Việt đã giảm để ưu tiên hơn cho tiêu dùng trong quý 2.

Doanh số bán xe du lịch tăng

Theo Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe du lịch trong tháng 6 đạt 15.1 nghìn chiếc, tăng 7% theo năm và tính chung 6 tháng tăng 6%. Tốc độ tăng trưởng này không phải là cao do nền thấp của 2017 và nếu so với tăng trưởng của nửa đầu năm 2016 là 24%. Điều này dường như mâu thuẫn với xu hướng của chỉ số bán lẻ, nửa đầu năm 2016 chỉ là 7.4%, thấp hơn khá nhiều mức 8.3% của hiện tại.

Ngành vận tải tiếp tục có tăng trưởng khả quan trong đó, vận tải biển tăng 4.5%, mức cao nhất nhiều năm. Tăng trưởng vận tải hành khách đường hàng không duy trì ổn định ở mức 11.9%.

Nông, thủy sản không còn thuận lợi về giá

Sản xuất nông nghiệp tháng 7 tập trung vào gieo trồng lúa mùa và thu hoạch lúa hè thu. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, lúa hè thu 2018 đang được thu hoạch rộ nên cung tăng trong khi nhu cầu không tăng khiến giá lúa giảm.

Giá lúa khô trung bình tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong tháng 7 giảm xuống còn 5.65 nghìn/kg, 6.7% so với tháng trước. Xuất khẩu gạo tháng 7 cũng giảm cả về lượng và giá trị, còn 450 nghìn tấn và 230 triệu USD, mức thấp nhất 5 tháng. Tính chung 7 tháng, xuất khẩu gạo Việt nam đạt 3.9 triệu tấn và 2 tỷ USD, tăng lần lượt 14% và 31.5% theo năm.

Tương tự lúa gạo, giá cá tra sau khi đạt đỉnh vào tháng 5 cũng bắt đầu giảm. Giá cá tra tại ao ở An Giang giảm xuống còn 25 nghìn đồng/kg, 20% so với mức đỉnh.

Ngược lại, giá tôm sau khi chạm đáy đã tăng nhẹ trở lại. Giá tôm thẻ loại 100 con/kg là 83 nghìn đồng/kg, tăng 13.7% so với mức đáy hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Bức tranh về giá có phần đan xen nhưng bức tranh xuất khẩu thủy sản thì không tích cực với xuất khẩu thủy sản tháng 7 giảm 7% theo năm, kéo tăng trưởng xuất khẩu thủy sản 7 tháng xuồng chỉ còn 8.1%.

Tương tự thủy sản, xuất khẩu rau quả tháng 7 cũng giảm 8% theo năm. Giá trị xuất khẩu của thủy sản và rau quả đều cao, 4.7 tỷ USD và 2.3 tỷ USD trong 7 tháng nên sự giảm tốc của 2 mặt hàng này khó có thể bù đắp bằng xuất khẩu gạo.

Trung Quốc, thị trường lớn nhất của gạo, thủy sản và rau quả Việt nam đang giảm dần nhập khẩu. Đây có thể coi là nguyên nhân chính gây ra sự giảm tốc cả về giá lẫn giá trị xuất khẩu nông thủy sản trong tháng 7. Với việc đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá mạnh và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại do chiến tranh thương mại, nhiều khả năng xuất khẩu nông thủy sản của Việt nam sẽ còn giảm sút nếu không tìm được hướng đi mới.

Tóm lại từ các số liệu tháng 7, mặc dù đã có một số tín hiệu mới tích cực từ ngành công nghiệp, tăng trưởng nhìn chung vẫn chưa có được sức bật để đảo chiều xu hướng chậm dần đều tính từ đầu năm.

Chiến tranh thương mại sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến Việt nam. Trong các ảnh hưởng gián tiếp, đồng CNY mất giá và nhu cầu giảm của Trung Quốc sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt nam trong những tháng tới. Đây là nhân tố mới cần được theo dõi chặt chẽ để có những phương án ứng phó kịp thời./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top