Aa

Tăng trưởng GDP quý II khó cán đích khi thị trường địa ốc tiếp tục “đứng bánh”

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 09/06/2023 - 06:03

“Đầu kéo” bất động sản đang trong trạng thái mệt mỏi do phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn đã khiến nhiều tổ chức đưa ra dự báo không mấy lạc quan về tăng trưởng GDP quý II/2023.

Tăng trưởng GDP quý II dự báo thấp dưới 5%

Dựa trên thực tế không có nhiều chuyển biến của nền kinh tế, báo cáo mới đây của nhiều tổ chức đều đưa ra nhận định, tăng trưởng GDP quý II sẽ ở mức thấp dưới 5% và mức tăng trưởng này gần như thấp nhất trong 13 năm qua (kể từ 2011), chỉ cao hơn mức tăng của quý II/2020 (tăng 0,2%).

Cụ thể, báo cáo vĩ mô của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố dự báo, tăng trưởng GDP quý II chỉ ở mức 4,3%.

Theo KBSV, một số yếu tố có tính chất hỗ trợ về mặt chính sách đã xuất hiện như Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, ban hành thông tư 02 và 03, gói hỗ trợ nhà ở xã hội, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng VAT, tăng lương cơ bản, đẩy mạnh đầu tư công...

Dù vậy, các tác động tích cực về mặt chính sách có độ trễ nhất định, trong khi hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi cả những yếu tố khách quan như: Thị trường bất động sản suy yếu, mặt bằng lãi suất còn duy trì ở mức cao dù đã hạ nhiệt, rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp… và chủ quan là nhu cầu tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm mạnh.

Khối phân tích cho rằng, CPI cả năm 2023 chỉ tăng 3,8%, thấp hơn mức mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Với việc CPI tháng 5 chỉ tăng 2,34% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, phản ánh tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh nên KBSV giảm mạnh dự báo lạm phát cho năm 2023 xuống 3,8% YoY từ mức 4,4% tại báo cáo gần nhất.

GDP
Tăng trưởng GDP quý II/2023 dự báo thấp dưới 5%. (Ảnh: VIB)

“Lạm phát thấp là tín hiệu tích cực giúp tạo dư địa cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khoá hỗ trợ như cắt giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công, hạ lãi suất điều hành... Bên cạnh đó, xuất siêu 5 tháng đạt 9,8 tỷ USD, giải ngân FDI đạt 7,7 tỷ USD đã hỗ trợ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước có thể tăng dự trữ ngoại hối, hạ lãi suất hỗ trợ phát triển kinh tế”, KBSV cho biết.

Dự báo về tăng trưởng GDP quý II/2023, Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, đây là quý mà nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức lớn đến từ việc các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam có ít đơn đặt hàng, tình trạng thắt chặt tài chính toàn cầu và sự suy thoái của thị trường bất động sản diễn biến nghiêm trọng. Vì vậy, tăng trưởng GDP quý II chỉ ở mức 4,5%. 

Ở một kịch bản xấu hơn, Chứng khoán Rồng Việt lại cho rằng, tăng trưởng GDP quý II ước tính chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức tăng của quý I (trong khoảng 3 - 3,5%). Nguyên nhân là do lĩnh vực công nghiệp nhiều khả năng sẽ không tăng trưởng.

Bất động sản phải “khoẻ” thì nền kinh tế mới “khoẻ”

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế suy giảm là do “đầu kéo” bất động sản đang ở trạng thái mệt mỏi khi phải đối mặt với đầy rẫy các khó khăn.

Bất động sản là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, có mối liên quan mật thiết với hàng chục lĩnh vực kinh tế khác, nên khi “đầu kéo” này chững lại sẽ khiến hàng loạt ngành nghề kinh doanh phía sau bị “dồn toa”… Từ đó, tăng trưởng GDP khó đạt được mục tiêu đề ra. 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại còn khó khăn hơn nhiều lần so với khủng hoảng 10 năm về trước. 

Theo GS. Đặng Hùng Võ, cách đây 10 năm, tình hình kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng rất bi đát, rất khó khăn. Khi đó, Thủ tướng đã đưa ra 1 loạt biện pháp, trong đó tập trung vào tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Nhờ đó, thị trường mới dần được khởi sắc.

Thị trường bất động sản hiện nay cũng tương tự như giai đoạn trước nhưng mức độ suy giảm và khó khăn là nghiêm trọng hơn.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Reatimes)

Theo GS. Đặng Hùng Võ, gốc rễ của khó khăn hiện tại một phần do tắc nghẽn nguồn vốn bởi vốn tín dụng không được khơi thông, lãi suất cho vay cao, zoom tín dụng không nới lỏng, cổ phiếu, trái phiếu làm mất niềm tin của khách hàng. 

Một phần khó khăn khác đến từ pháp lý. Đây là khó khăn dai dẳng, kéo dài suốt nhiều năm qua chứ không phải hiện tại mới xuất hiện. Tuy nhiên, ở bối cảnh này, những khó khăn về pháp lý đang hiện diện rõ hơn. 

“Chúng ta đang chứng kiến số doanh nghiệp bất động sản rút khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp tham gia thị trường. Đây là sự phản chiếu rõ nhất của bối cảnh đầy khó khăn hiện tại. 

Tôi cho rằng, nếu tình trạng này không nhanh chóng được giải quyết, không chỉ quý II mà tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ bị ảnh hưởng và suy giảm nghiêm trọng”, GS. Võ nhận định. 

Vì vậy, vị chuyên gia đề xuất giải pháp trước mắt là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cần đẩy mạnh rà soát toàn bộ dự án đang bị vướng mắc, ách tách để giao cho địa phương, sau đó gửi Chính phủ để trình Quốc hội một Nghị quyết về tháo gỡ cho các dự án. Trong đó, cần quy định cụ thể dự án như thế nào thì được duyệt, dự án nào bị bỏ lại. Vì một khi Quốc hội đã duyệt thì địa phương mới dám quyết, nếu Quốc hội không duyệt thì địa phương không dám quyết. Bởi ách tắc về pháp luật là ách tắc lớn nhất, phổ biến nhất, dẫn tới tình trạng người có thẩm quyền không dám phê duyệt và điều này không thể trách họ. 

Tiếp đến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất hỗ trợ về dòng vốn cho doanh nghiệp. Lúc này rất cần các ngân hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Và nếu được, nên tiếp tục hạ lãi suất trong phạm vi cho phép. 

“Bất động sản “khoẻ” thì nền kinh tế mới “khoẻ”. Do đó, để phục hồi nền kinh tế, đưa GDP cán đích thành công cần phải quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực bất động sản, nhanh chóng thực hiện các chính sách gỡ khó cho lĩnh vực này”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top