Aa

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tăng trưởng GDP quý IV/2023 có thể đạt 10%

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Chủ Nhật, 08/10/2023 - 06:03

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, dù tăng trưởng GDP quý III/2023 không cao như kỳ vọng nhưng nếu giữ được đà tăng như 9 tháng vừa qua, GDP cả năm nay vẫn có thể đạt từ 6,3 - 6,7%.

GDP quý III/2023 đạt 5,33% là vượt mong đợi

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, quý III/2023, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,33%, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023 nhưng là cao nhất so với 2 quý đầu năm (quý I/2023 tăng 3,28%, quý II/2023 tăng 4,05%).

Tính chung 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Tốc độ tăng GDP 9 tháng so với cùng kỳ các năm từ 2011 - 2023 (%) (Biểu đồ: Tổng cục Thống kê)

Tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, kết quả GDP quý III là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả này đã bù đắp cho kết quả các quý trước, để 9 tháng đạt kết quả chung GDP 4,24%.

"Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác. Để có sự phục hồi như vậy, rõ ràng chúng ta đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước.

Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta", Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để đạt được kết quả này, một trong những điểm sáng nổi bật trong thời gian qua là công tác điều hành tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Điểm sáng thứ hai là Việt Nam đã vượt qua “cơn gió ngược” về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép.

Điểm sáng thứ ba là việc giải ngân vốn đầu tư công. 2023 là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51,38% là rất đáng khích lệ, bởi trước đó, đối với đầu tư công 9 tháng, chưa năm nào vượt qua 50%. Và số tiền tuyệt đối giải ngân cao hơn năm ngoái hơn 110 nghìn tỷ đồng là một con số rất lớn.

Bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức phải đối diện và ứng phó trong thời gian tới. Dự báo cho thấy khó khăn sẽ vẫn tiếp diễn và chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ giảm hoặc sẽ chấm dứt.

Trong đó, bối cảnh vĩ mô toàn cầu rõ ràng chưa có sự ổn định; những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, cũng như những vấn đề liên quan đến năng lượng, lương thực... ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta.

Về phía các doanh nghiệp, dù đã ý thức tốt hơn trong việc đặt ra chiến lược, phát triển mang tính dài hơi, bền vững cho sự nghiệp của mình nhưng nghiên cứu, khảo sát cho thấy họ vẫn đang phải đối diện với 2 vấn đề lớn:

Một là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì doanh nghiệp lại phải đua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra; sẽ phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.

Hai là doanh nghiệp cần nghĩ tới các mô hình mới, tiếp cận những cái mới khi mà dường như mô hình truyền thống không phù hợp với bối cảnh hiện nay nữa.

Theo đó, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Thủ tướng đã yêu cầu lựa chọn kịch bản cao nhất - tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%, để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023.

Động lực và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2023 đạt kỳ vọng

Nhìn nhận một cách tích cực về diễn biến nền kinh tế trong thời gian tới, ​PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Chúng ta đang thấy tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, vì vậy nếu giữ được đà tăng trưởng như 9 tháng vừa qua, GDP năm 2023 sẽ tăng trưởng đạt từ 6,3 - 6,7%, lạm phát sẽ rơi vào khoảng 3,2 - 3,5%. Tăng trưởng GDP quý IV/2023 có thể đạt hơn 10%”.

Chuyên gia cho rằng, đây không phải là một mục tiêu dễ dàng và cần có sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương. Trong đó, cần quan tâm đến 3 động lực chính và 2 động lực phụ của nền kinh tế.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế (Ảnh: Reatimes)

Động lực đầu tiên là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đồng tình rằng kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51,38% là con số rất tích cực, tuy nhiên PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng thực tế với mức giải ngân này, lan tỏa vòng 2, vòng 3 vẫn sẽ còn yếu. Theo như tính toán, nếu giải ngân năm nay đạt 95% kế hoạch, GDP có thể tăng trưởng thêm khoảng hơn 2%. Còn nếu giải ngân sớm hơn được nữa, đến tháng 10 đạt khoảng 70 - 80% kế hoạch thì mức độ lan tỏa vòng hai, vòng ba sẽ tốt hơn, có thể đóng góp khoảng 2,3 - 2,4% vào tăng trưởng GDP.

Động lực thứ hai là tiêu dùng. Nếu chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng lên khoảng 18 - 19% sẽ tạo động lực tốt cho kết quả tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, 9 tháng năm 2023 mới tăng khoảng 10% nên việc đạt được kỳ vọng trên sẽ khó hơn, chỉ có thể đạt khoảng mức 14 - 15%. Đây vẫn là một con số tốt hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Động lực thứ ba là tăng trưởng xuất khẩu. 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. PGS.TS. Định Trọng Thịnh đánh giá, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng xuất khẩu vẫn tốt, mặc dù chưa thể hồi phục về mức tăng trưởng của năm 2022. Xuất khẩu từ mức sụt giảm 20%, còn sụt giảm 8% là dấu hiệu tích cực trong thời gian qua.

Chuyên gia kỳ vọng trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ đó kéo theo sự tăng trưởng của nhập khẩu và giúp tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế tốt lên.

Bên cạnh đó, còn hai nhân tố khác có tác động rất lớn tới tăng trưởng của nền kinh tế là lĩnh vực dịch vụ và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Trong đó, theo công bố, tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2019 đến nay. Nhờ những con số tích cực như vậy, mức độ tăng trưởng của GDP tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ đáng kể.

Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ, cụ thể là dịch vụ du lịch sẽ trở thành một trong những điểm sáng của Việt Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, từ đó đóng góp vào mức tăng trưởng chung.

Ảnh minh hoạ: Internet

Để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế đạt kỳ vọng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ và quyết liệt cả 3 động lực tăng trưởng chính và 2 động lực tăng trưởng phụ.

Theo chuyên gia, trước hết, cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì trật tự và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và các hoạt động khác, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiếp theo, cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, giải quyết và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án được thực hiện nhanh nhất, tốt nhất với tất cả khả năng và năng lực của nền kinh tế cũng như pháp luật, để từ đó tạo sự lan tỏa vòng hai, vòng ba cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân để từ đó giảm thiểu các chi phí sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng trong nước nói riêng, cũng như thúc đẩy nền kinh tế nói chung.

Đặc biệt, cần thúc đẩy xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ. Thực tế, số lượng đơn hàng đã tăng lên đáng kể từ tháng 7 đến nay, do đó việc đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu là một trong những bài toán cần được giải quyết. Trong đó, việc ký kết và tham gia vào các FTA như Hiệp định EVFTA và CPTPP đã thúc đẩy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các quốc gia đối tác tăng trưởng. 

“Khi nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu, việc làm mới được tạo ra, người dân có thu nhập sẽ tăng chi tiêu, từ đó quá trình thúc đẩy nền kinh tế mới toàn diện được”, ông Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng cần xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển. Việc đưa ra các biện pháp để phối kết hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế du lịch phát triển là điều cấp bách cần làm ngay lúc này để đem về nguồn thu cao hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top