Aa

Nâng cao khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế: Cần giải pháp đúng và trúng

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 04/10/2023 - 06:00

Thời kỳ tiền rẻ đang dần xuất hiện khi lãi suất cho vay giảm mạnh. Song giới chuyên gia nhận định, lãi suất giảm không phải là “đũa thần” và chính sách tiền tệ không thể “đi một mình” nếu muốn DN hấp thụ vốn tốt.

Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp hồi đầu tháng 9 vừa qua, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như bây giờ. Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền", giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền”.

Nghe có vẻ vô lý nhưng đây lại là thực tế đang diễn ra trên thị trường tài chính ngân hàng ở thời điểm hiện tại.

Từ đầu năm 2023, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục, dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển trạng thái điều hành chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất.

Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân chỉ khoảng 7,9%/năm với những khoản cho vay mới, lãi suất huy động tiền gửi khoảng 4,7%/năm. Với các khoản vay chưa đến thời hạn trả nợ thì lãi suất cho vay khoảng 9,4%/năm. Đây đều là mức lãi suất lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp vay vốn để hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, dù lãi suất đã về mức tương đối phù hợp, các doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận, còn tăng trưởng tín dụng thời gian qua vẫn rất thấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, tương đương một nửa mức tăng của cùng kỳ năm 2022. Riêng quý III, có thời điểm tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng âm. 

Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển trạng thái điều hành chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất. (Ảnh: VnEconomy)

Rõ ràng, với các ngân hàng thì huy động là để cho vay nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, bởi lợi nhuận của các ngân hàng phần lớn đến từ hoạt động này. Vì vậy không thể nói ngân hàng không muốn cho vay. Còn với doanh nghiệp, hơn lúc nào hết đây là giai đoạn cần vốn để duy trì hoạt động, cần vốn để vượt qua khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh phát triển bất động sản.

Vậy tại sao cung có, cầu có nhưng hai phía vẫn không thể gặp nhau? Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn là do đâu? Nguyên nhân nằm ở phía ngân hàng hay thuộc về các doanh nghiệp?

Giảm lãi suất không phải là “đũa thần”

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, việc giảm lãi suất 1% ở giai đoạn bình thường sẽ góp phần đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1 - 1,5% nhưng hiện tại, việc giảm lãi suất không còn tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân là do phía cầu của nền kinh tế đang quá yếu. Rất nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, người dân cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, hạn chế vay vốn để tiêu dùng. Đối với những doanh nghiệp có nhu cầu thì khó có thể tiếp cận được do thiếu tài sản đảm bảo hoặc không chứng minh được dòng tiền. Đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, việc định giá tài sản đang bị thay đổi do thị trường lâm vào tình trạng suy yếu từ tháng 6/2022 đến nay.

TS. Nguyễn Hữu Huân phân tích, nếu trước đây một bất động sản thế chấp tại ngân hàng có thể vay được 100 đồng, thì hiện tại cũng là bất động sản đó nhưng chỉ vay được 60-70 đồng. Nguyên nhân là vì thị trường gần như đóng băng, hệ thống các ngân hàng cân nhắc mạnh mẽ về vấn đề rủi ro. Như vậy, lượng tiền doanh nghiệp có thể vay được sẽ giảm đi, kéo theo khả năng và nhu cầu vay vốn giảm theo.

“Bối cảnh hiện nay là lãi suất giảm nhưng thị trường vẫn chưa đủ điều kiện về sức khỏe để có thể tiếp nhận”, ông Huân nói thêm.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Mặt khác, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, việc nguồn vốn dư thừa và nền kinh tế không hấp thụ được còn đến từ việc chuyển trạng thái điều hành chính sách tiền tệ quá nhanh. Bản thân chính sách tiền tệ không phải là “cây đũa thần” và bất kỳ một chính sách nào đưa ra cũng cần phải có độ trễ để thực thi. Việc thắt chặt hay nới lỏng quá nhanh rất dễ gây ra các “cú sốc” không đáng có cho nền kinh tế cũng như gây ra tác dụng phụ. Trong trường hợp này, cho dù nền kinh tế hấp thụ hết được lượng vốn thì vấn đề tiếp theo có thể phải đối mặt là lạm phát và tỷ giá. Khi đó, vòng xoáy luẩn quẩn giữa việc đánh đổi tăng trưởng và kiểm soát lạm phát sẽ tiếp tục tiếp diễn trong nền kinh tế.

Chỉ ra nguyên nhân của thực tế “thừa tiền, thiếu vốn” hiện nay, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho rằng, phần lớn nằm ở mức độ “dò xét” của các ngân hàng vẫn còn gay gắt. Trong bối cảnh khó khăn đặc biệt như hiện tại, nhưng điều kiện cho vay vẫn áp dụng như bối cảnh bình thường khiến hầu hết các doanh nghiệp khó tiếp cận.

Cụ thể, nền kinh tế, doanh nghiệp và cả người dân đã trải qua hơn 3 năm khó khăn liên tiếp, hết đối mặt với dịch bệnh lại chịu tác động của xung đột Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa kể những khó khăn trong nước. Đây có thể xem là giai đoạn khó chồng khó chưa từng có đối với nền kinh tế trong vòng 10 năm trở lại đây. Thế nhưng người dân, doanh nghiệp muốn vay vốn vẫn phải đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về tài sản thế chấp, về chứng minh dòng tiền.

“Vì thế, hồ sơ vay vốn chưa tới cửa ngân hàng đã bị dội trở lại. Dần dà, doanh nghiệp cũng thôi hy vọng vào nguồn vốn ngân hàng và tự tìm cách xoay xở ở những kênh huy động khác với lãi suất cao, khó quá thì doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động”, ông Điền nói.

Cũng theo vị chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ là tốt, nhưng giảm lãi suất không phải là tất cả để có thể tăng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản không sợ lãi suất cao. Họ sẵn sàng chi trả với lãi suất cao để có thể vay được vốn tín dụng.

Chính sách tiền tệ không thể “đi một mình”

Có thể nói, thời kỳ tiền rẻ đang dần xuất hiện khi lãi suất cho vay giảm mạnh. Tuy nhiên, như nhận định của giới chuyên gia, lãi suất giảm không phải là “đũa thần” và chính sách tiền tệ không thể “đi một mình” nếu muốn doanh nghiệp hấp thụ vốn tốt. Vì vậy, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn cần các giải pháp đúng và trúng hơn nữa để nâng cao khả năng hấp thụ.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Chính phủ nên tập trung hơn nữa đến chính sách tài khóa, duy trì theo hướng nới lỏng thay vì siết chặt như hiện nay. Theo đó, mức giảm thuế VAT 2% chưa đủ khuyến khích người dân mua sắm, trong khi nhiều nước tạm miễn thuế VAT, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, nên đồng loạt miễn hoặc giảm sâu các loại thuế này để kích cầu thị trường, giúp tổng cầu nền kinh tế tăng, kích thích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. 

Ngoài ra, không thể đòi hỏi các ngân hàng giảm tiêu chuẩn xét duyệt bởi sẽ khiến nợ xấu tăng, gây rủi ro lớn cho hệ thống tài chính, nhưng nếu duy trì chính sách cho vay như hiện tại thì không đưa được vốn ra nền kinh tế. Do đó, chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc cho phép các ngân hàng tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo đã có trước đó, vẫn thẩm định kỹ khả năng trả nợ của doanh nghiệp nhưng nên tập trung vào dòng tiền tương lai, hợp đồng, đơn hàng thay vì tài sản đảm bảo. 

“Chúng ta đang tập trung đưa ra các chính sách về phía cung mà quên mất phía cầu. Nếu như nền kinh tế không có nhu cầu tiêu dùng, chi tiêu thì doanh nghiệp cũng sẽ không bán được hàng. Khi doanh nghiệp không bán được hàng thì lại giảm lương, giảm nhân sự, hộ gia đình bị mất hoặc giảm thu nhập khiến cho việc thắt chặt chi tiêu tiếp diễn. Cứ như thế chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy của giảm phát và bẫy thanh khoản. Chính vì vậy, để thoát ra được cái bẫy này, cần phải tập trung các chính sách về phía cầu. Và để tăng cầu thì phải đẩy mạnh chi tiêu công”, ông Huân nói.

TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM)

Cùng quan điểm, TS. Huỳnh Thanh Điền khẳng định, Nhà nước thời điểm này nên đẩy mạnh chi tiêu, tăng chi giảm thu. Có nghĩa, bên cạnh chính sách tiền tệ thì cũng quan tâm và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chính sách tài khoá để kích cầu tiêu dùng.

Một nền kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng, Nhà nước cần bơm tiền ra đúng nơi, đúng thời điểm để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu chỉ chăm chăm vào các khoản thu sẽ chỉ làm nền kinh tế suy giảm mạnh hơn. 

Theo đó, các khoản thuế nên có sự điều chỉnh thấp hơn. Ông Điền cho rằng, Việt Nam đang đánh thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp quá cao. Một biểu thuế xây dựng hơn chục năm nhưng không sửa, mức giảm trừ gia cảnh gần đây có được điều chỉnh nhưng thực tế cũng không thay đổi nhiều.

“Nguyên tắc là kích thích tiêu dùng để tăng trưởng nguồn thu chứ không phải đè một nguồn thu rồi thu hoài”, ông Điền nhấn mạnh.

Ngoài ra, các ngân hàng nên mở rộng lĩnh vực được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi, nới lỏng một số điều kiện vay, nhất là tài sản bảo đảm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên có động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thúc đẩy triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, tiếp tục cho vay mới, từ đó tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp. 

Có như vậy, nguồn vốn mới thực sự đi vào nền kinh tế và giải quyết được bài toán thiếu vốn, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay - TS. Huỳnh Thanh Điền nói thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top