Aa

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 mang đậm yếu tố nước ngoài

Thứ Hai, 12/03/2018 - 03:31

Yếu tố nước ngoài thể hiện trực tiếp qua đầu tư và tiêu dùng cũng như gián tiếp qua sự hồi phục của giá cả hàng hóa thế giới. Trong bối cảnh nội lực còn hạn chế, việc dựa vào nguồn lực bên ngoài để có tăng trưởng cao là lựa chọn hợp lý.

GDP quý IV năm 2017 đạt mức tăng trưởng 7.65%, từ đó kéo tăng trưởng chung của cả năm 2017 lên 6.81%, cao hơn mục tiêu 6.7% và đạt mức cao nhất 10 năm.

Nếu so với năm 2016, sự hồi phục ở cả 3 lĩnh vực Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ đã tạo ra tăng trưởng cao của năm 2017. Nhưng nếu so với năm 2015 thì yếu tố chính tạo ra kỳ tích 2017 lại nằm ở lĩnh vực Dịch vụ.

Dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, 41.32% GDP, nên sự phục hồi của Dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đến tăng trưởng chung. Trong năm 2017, hầu hết các ngành cấu thành trong lĩnh vực Dịch vụ đều có tăng trưởng cao hơn năm 2016, đặc biệt Lưu trú ăn uống và Vận tải kho bãi là 2 ngành nổi bật nhất.

Lưu trú ăn uống đạt mức tăng trưởng 9%, cao nhất 4 năm nhờ sự phục hồi của ngành Du lịch và hoạt động ăn uống ngoài gia đình không còn bị ảnh hưởng bởi sự cố biển Miền Trung.

Số lượng khách quốc tế đến Việt nam trong năm 2017 đạt kỷ lục 12.9 triệu lượt khách, tăng 29.1% theo năm (năm 2016 tăng +26% theo năm). Trong đó, khách đến từ Trung Quốc là 4 triệu lượt, tăng 48.6% và Hàn Quốc là 2.4 triệu lượt, tăng 56.4%.


Ngành Vận tải kho bãi tăng +7.91%, cao nhất 7 năm, trong đó sự hồi phục của Vận tải biển có vai trò rất quan trọng. Vận tải biển có tỷ trọng cao nhất (xét theo đơn vị Tấn.Km) và tăng trưởng Vận tải biển trong năm 2017 cũng đạt mức cao nhất 7 năm là 3.9%.

Sự cải thiện của ngành vận tải cũng thể hiện qua doanh số xuất khẩu dịch vụ vận tải năm 2017 đạt 2.6 tỷ USD, tăng 5.7% theo năm (năm 2016 chỉ tăng 0.7%). Các hoạt động kinh tế, xuất nhập khẩu sôi động kết hợp với thuận lợi về giá cước đã tạo ra tăng trưởng cao của ngành Vận tải biển nói riêng và toàn ngành vận tải nói chung.

Ngành Bán buôn bán lẻ, ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực Dịch vụ (chiếm 25%), có cải thiện nhẹ so với 2016, từ mức 8.28% lên 8.36%. Sang quý 4, mức tăng trưởng có phần bớt “nóng” hơn, từ mức 8.16% sau 9 tháng lên 8.36% (cùng kỳ tăng từ 8.15% lên 8.28%). Mức tăng trưởng 8.36% là tương đối hợp lý xét trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và số lượng việc làm giúp tăng thu nhập và nhu cầu tiêu dùng.

Chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp và chỉ số bán lẻ năm 2017 tăng 5.1% và 9.46% (cùng kỳ tăng 2.9% và 7.8%).

Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có tỷ trọng đứng thứ 2 sau Bán buôn bán lẻ (chiếm 15%) và năm 2017 cũng là một năm thành công với mức tăng trưởng 8.14%.

Tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã có những bước tiến đáng kể mà nhờ đó lợi nhuận ngành ngân hàng đã có lại tăng trưởng cao. Trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết đạt 28.7% theo năm, gần gấp 2 lần mức tăng trưởng của cả năm 2016 là 14.8%.

Ngành kinh doanh bất động sản đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4.07%, cao nhất 8 năm qua. Nhân tố cơ bản giúp duy trì đà tăng của nhu cầu nhà ở là tăng trưởng kinh tế và thu nhập. Bên cạnh đó, quy định cho phép người nước ngoài mua nhà, môi trường lãi suất thấp và sự bùng nổ của các sản phẩm cho vay tiêu dùng liên quan đến bất động sản cũng là những động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục sôi động.

Tăng trưởng của ngành Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm và ngành Kinh doanh bất động sản đã có sự tương đồng rõ rệt trong giai đoạn thoái trào 2009 - 2012 cũng như giai đoạn hồi phục 2012 - 2017.

Mặc dù lĩnh vực Dịch vụ bao trùm nhiều ngành rộng nhưng về cơ bản tăng trưởng Dịch vụ đến từ tăng trưởng sức cầu tiêu dùng (bao gồm cả nhu cầu nhà ở). Sức cầu tiêu dùng lại có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng việc làm và khách du lịch quốc tế. Trong tăng trưởng việc làm, những ngành liên quan đến FDI trong năm 2017 lại là những ngành tạo ra nhiều việc làm nhất và vì vậy nhân tố nước ngoài đang đóng vai trò quyết định đến tăng trưởng của lĩnh vực Dịch vụ của Việt Nam.

Lĩnh vực Công nghiệp và Xây dựng (chiếm 33.3% GDP) đạt mức tăng trưởng 8%, trong đó Công nghiệp tăng +7.85% và Xây dựng tăng +8.7%. Câu chuyện tăng trưởng của ngành Công nghiệp trong đó Công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo đã được nhắc đến nhiều lần và tính cả năm 2017, ngành công nghiệp Chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng kỷ lục 14.4%.

Với tỷ trọng lớn nhất trong cấu thành GDP, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chính là ngành đã kéo tăng trưởng chung vượt mục tiêu 6.7%. Trong công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có mức tăng trưởng cao nhất là Điện tử với mức tăng 32.7%, gần gấp 2 tăng trưởng của ngành đứng thứ 2 là sản xuất Kim loại, 17.6%.

Ngành Điện tử có tăng trưởng cao dần về cuối năm nhờ gia tăng sản xuất điện thoại di động và linh kiện điện tử để xuất khẩu. Trong khi đó sản xuất Kim loại giảm dần về cuối năm nhưng nhờ sức tiêu thụ ổn định nên tỷ lệ tồn kho của ngành sản xuất Kim loại giảm 2.7% trong khi giữa năm tăng mạnh 52.4%.

Sang năm 2018 dự báo ngành Điện tử sẽ vẫn tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng Công nghiệp và kinh tế nói chung.

Ngược với chế biến chế tạo, ngành khai khoáng giảm 7.1%, là mức giảm kỷ lục do sản lượng khai thác dầu thô giảm 10.8%, đánh dấu năm giảm thứ 2 liên tiếp (năm 2016 giảm -9.9%) và khai thác than giảm 0.5%. Nếu như không tính khai khoáng, tăng trưởng GDP đạt 7.9%, cho thấy bức tranh rõ nét hơn về sự phục hồi kinh tế Việt nam năm 2017.

Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cũng có một năm thành công với mức tăng chung là 2.9%, cao nhất 3 năm, trong đó Nông nghiệp tăng 2.07% và Thủy sản tăng 5.54%, cùng đạt mức cao nhất 3 năm.

Tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đến chủ yếu từ các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, cà phê có sản lượng tăng khá, lần lượt đạt 5%, 11.6% và 4.7%.

Trong số này, cao su và phê được hưởng lợi tốt từ giá thế giới (xuất khẩu cao su tăng 11.4% về lượng và 36% về giá trị) trong khi giá tiêu lại giảm mạnh (giá xuất khẩu bình quân giảm -21.1%).

Các cây ăn quả truyền thống của Việt Nam có sản lượng tăng cao nhờ thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu ổn định. Sản lượng cam tăng 20.4%, quýt tăng 6.3%, bưởi tăng 13.4%, xoài 8.3%, chuối 5.2% và thanh long 14.2%. Xuất khẩu rau quả của Việt nam năm 2017 đạt kết quả rất tích cực với tổng giá trị 3.5 tỷ USD, tăng mạnh 43%, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm ¾ và tăng 58%.

Trong khi đó, cây lương thực truyền thống và chiếm giá trị cao nhất trong sản xuất nông nghiệp là lúa và ngô lại giảm -1.5%. Bão lụt ở phía bắc và lũ sớm ở phía nam là nguyên nhân kéo giảm diện tích lẫn năng suất lương thực, ngoài ra cũng phải kể đến xu hướng dịch chuyển cơ cấu cây trồng. Tại ĐBSCL, tổng diện tích lúa đông xuân năm 2017 đã giảm 16.3 nghìn ha trong đó 6 nghìn ha chuyển sang trồng cây lâu năm, 7.7 nghìn ha trồng cây hàng năm khác và 1 nghìn ha nuôi trồng thủy sản.

Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng là cần thiết để gia tăng giá trị sản xuất trên một diện tích đất là hữu hạn. Sản xuất thủy sản năm 2017 khởi sắc cả ở mảng đánh bắt lẫn nuôi trồng với tổng sản lượng đánh bắt tăng 5.1% và nuôi trồng tăng 5.2%. Sự cố biển miền Trung được khắc phục cùng với sự phát triển của dịch vụ hậu cần nghề cá đã giúp ngư dân ra khơi bám biển, đánh bắt xa bờ.

Trong khi đó giá cả và thời tiết thuận lợi đã giúp ngành nuôi cá tra và tôm thẻ chân trắng tăng trưởng mạnh, đạt 5% và 14.3% (2016 tăng 1.3% và 5%). Giá cá tra bình quân năm 2017 dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg (tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với 2016) có phần nguyên nhân đến từ khơi thông được thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 11 tháng đã vượt 1 tỷ USD, tăng 63% theo năm, là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt nam.

Tựu chung lại, năm 2017 có thể thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam có dấu ấn của yếu tố nước ngoài khá rõ rệt trong cả lĩnh vực Dịch vụ, Công nghiệp cũng như Nông, ngư nghiệp. Yếu tố nước ngoài thể hiện trực tiếp qua đầu tư và tiêu dùng cũng như gián tiếp qua sự hồi phục của giá cả hàng hóa thế giới. Trong bối cảnh nội lực còn hạn chế, việc dựa vào nguồn lực bên ngoài để có tăng trưởng cao là lựa chọn hợp lý.

Hơn thế, việc tận dụng thị trường cũng như dòng vốn quốc tế để phát triển kinh tế cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược dài hạn. Nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược kích cung hướng đến thị trường toàn cầu để có được tăng trưởng cao và bền vững cho kinh tế Việt  Nam.

Với tầm nhìn đó và tăng trưởng GDP 2017 là 6.81%, việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6.5% - 6.7% cho năm 2018 là quá khiêm tốn và sẽ không mang lại động lực tích cực cho tăng trưởng.

Việc đạt tăng trưởng 7% trong năm 2018 là hoàn toàn có thể cho dù ngành khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm. Nền tảng cơ bản cho tăng trưởng là thể chế chính sách đang được định hình đúng hướng, thể hiện qua sự coi trọng kinh tế tư nhân, phát triển các động lực tăng trưởng mới như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao hay mô hình đặc khu kinh tế. Năm 2017 có thể coi là năm chuyển mình để kinh tế Việt Nam cất cánh và vì vậy năm 2018 cần tiếp tục phải tăng tốc với mục tiêu cao hơn nữa trong các năm tiếp theo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top