Aa

Tăng trưởng kinh tế, nhiều cơ hội lắm thách thức

Thứ Sáu, 13/04/2018 - 15:10

Với mức tăng trưởng cao đột biến quý I/2018, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 mà Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc các cơ quan nghiên cứu và tổ chức quốc tế khuyến nghị cần cải thiện nhiều hơn chất lượng tăng trưởng, gia tăng nội lực để ứng phó với những biến động kinh tế thế giới.

Tốc độ cao là khả thi

Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2018 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vừa qua, cơ quan này đưa ra dự báo kịch bản tăng trưởng và lạm phát của quý II lần lượt là 6,51% và 3,44%; quý III là 6,84% và 3,84%; quý IV là 6,75% và 4,21%.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, dự báo tương đối lạc quan này là có cơ sở khi mức tăng trưởng quý I/2018 đạt tới 7,38% - cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 mà Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Không những vậy, mức tăng trưởng năm 2018 có thể đạt tới 6,83%.

Đáng chú ý, sau nhiều năm chỉ tăng trưởng dưới 3%, thậm chí tăng trưởng âm như năm 2016 (-1,23%), khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 4,05%.

Tăng trưởng GDP.

Tăng trưởng GDP.

Mức tăng ấn tượng này được tiếp sức từ đà tăng trưởng tích cực của hai quý nửa sau năm 2017.

Theo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mà Nikkei vừa công bố, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á có điểm số cao nhất, trên 50 điểm. Điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cũng cao nhất từ trước đến nay với xu hướng tăng điểm đều của gần như tất cả các tỉnh... Những kết quả này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang được cải thiện. 

Thậm chí, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng vừa đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nhận định, được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.

Còn tại Hội thảo kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô-Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – (CIEM) cho rằng, mức tăng trưởng 3 tháng đầu năm có được chủ yếu nhờ cán cân thương mại thặng dư 1,3 tỷ USD. Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định trong những tháng đầu năm 2018 cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong quý I.

Cần tính đến các tác động bất lợi

TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, sự tăng trưởng đột biến của chỉ số sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vừa có điểm tích cực vừa có điểm lo ngại.

Vì thực tế, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực này. Thực tế, khu vực này đóng góp nhiều vào tăng trưởng, nhận nhiều ưu đãi, nhưng lại không đóng góp tương xứng số thu ngân sách như kỳ vọng.

Việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiếp tục củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, bên cạnh việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, điều này cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu ngân sách nhà nước khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm.

Chắc chắn sẽ có áp lực bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách do chính sách giảm tỷ trọng thu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn như dầu thô, hay hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư tư nhân và FDI... cũng khiến các chuyên gia lo ngại khi mới đây Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế thuế suất giá trị gia tăng (VAT).

Trong bối cảnh đó, cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế. Bởi vì việc tăng VAT sẽ tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức; mặt khác cũng không bảo đảm sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách.

Đại diện của VEPR cũng khuyến cáo, việc cấp thiết không phải là tính toán khu vực phi chính thức vào tổng GDP để vay thêm, mà cần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài để nâng hiệu quả kinh tế - xã hội, hay giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích. Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần lưu ý dù tăng trưởng quý I cao nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng tăng cao. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô chỉ khoảng 33% thấp hơn năm 2017.

“Tôi chưa thấy rõ sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng”, bà Phạm Chi Lan nói.  

“Chính phủ vẫn thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp dường như đang gặp lực cản trở lại do Nhà nước cũng đang gặp phải sức ép lớn về thâm hụt ngân sách do xoá bỏ hàng rào thuế quan khi triển khai các hiệp định thương mại. Điều này dẫn đến Nhà nước muốn tăng thuế suất, vấn đề giảm chi thường xuyên lại chưa triển khai được nhiều”, chuyên gia Phạm Chi Lan góp ý.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, do kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Do đó, nếu có sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.

Chủ động triển khai các giải pháp

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô-Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, làm sao để tỷ giá của Việt Nam không quá phụ thuộc vào sự tăng giảm của đồng USD trên thị trường thế giới.

Còn theo GS Nguyễn Mại, một trong những giải pháp đạt được mức tăng trưởng cao, bền vững là Việt Nam cần có chính sách thay đổi căn bản trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cần thu hút FDI theo mục tiêu rõ ràng, đó là cần tập trung vào những đối tác, những tập đoàn lớn, nhằm tạo sức lan tỏa của FDI đến nền kinh tế trong nước.

Có cùng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, thay vì thụ động ngồi chờ, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong tìm kiếm nguồn vốn FDI có chất lượng, có tác động lớn đến nền kinh tế. Cùng với thay đổi chiến lược thu hút FDI, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần có những giải pháp nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế trong nước phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nhấn mạnh vào yêu cầu về nguồn nhân lực, Giám đốc ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, khi nền kinh tế Việt Nam dần trở nên phức tạp hơn, khoảng cách giữa trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn. Nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt kỹ năng này có thể trở thành rào cản lớn đối với những tham vọng phát triển của Việt Nam.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh vào yêu cầu tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Cùng với đó, cần có khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất, chất lượng lao động.

Bên cạnh những giải pháp trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng cao, bền vững, Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế, quốc tế. Cụ thể là tận dụng những lợi ích có được từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy vậy, đến nay, các chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có những bước sẵn sàng để tận dụng cơ hội từ những hiệp định này mang lại.

Các chuyên gia đánh giá, một khi chưa sẵn sàng, đừng quá hào hứng vào CPTPP vì điều này chưa chắc đem lại lợi nhuận ròng cho Việt Nam. Điều dễ thấy nhất là khi giảm thuế nhập khẩu về 0%, thì nguồn thu giảm. Tuy nhiên, điểm đáng kỳ vọng hơn là CPTPP có thể đưa Việt Nam vào cuộc hội nhập lớn hơn có cơ hội tốt hơn để đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top