Tại báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đưa ra góc nhìn khả quan về tình hình tăng trưởng tín dụng và dự đoán tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể đạt trên 14%.
Tín dụng tăng tốc đáng kể
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3, tháng 4 và từ đầu năm đến 25/4/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 6,75%, huy động vốn tăng 3,35%. Trong đó, nhiều ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng. Thanh khoản trong hệ thống có phần căng thẳng hơn do tính chất mùa vụ trước kỳ nghỉ lễ.
Khảo sát của Bloomberg cho thấy, tháng 4/2022, lãi suất liên ngân hàng qua đêm giao dịch ở mức 1,83%/năm, giảm 5 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Lãi suất các kỳ hạn khác đều ở mức 2,17%/năm, trong đó lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng 13 điểm cơ bản so với cuối tháng 3.
Với tình hình tăng trưởng tín dụng khả quan, MBS dự đoán tăng trưởng tín dụng có thể đạt trên 14% cho cả năm.
Trong nửa sau tháng 4, NHNN tiếp tục bơm hơn 6.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng đáo hạn trong kỳ này đạt 2.217,84 tỷ đồng và đưa lượng OMO đang lưu hành là 6.035,03 nghìn tỷ đồng cùng toàn bộ lượng tiền này quay trở lại NHNN vào nửa đầu tháng 5.
Thị trường trái phiếu Chính phủ ảm đạm
Số liệu thống kê cho thấy, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 46.002 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong kỳ với lợi suất trúng thầu tiếp tục tăng so với tháng trước. Trong tháng 4, diễn biến phát hành trái phiếu tiếp tục diễn ra ảm đạm cho dù Kho bạc Nhà nước đã nâng khối lượng chào bán.
Trong 102.500 tỷ đồng chào bán, có 46.002 tỷ đồng TPCP được huy động thành công, tỷ lệ 45%. Phần lớn khối lượng trúng thầu vẫn xảy ra ở 2 kỳ hạn chính là 10 năm và 15 năm trong khi kỳ hạn 5 năm đã có lượng trúng thầu lần đầu kể từ đầu năm. Ngân hàng Chính sách xã hội chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu ở kỳ hạn 3 năm trong tháng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Mức lợi suất trúng thầu của các trái phiếu dần tăng so với cuối tháng 3. Lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,28%/năm và 2,58%/năm, tăng 8 điểm cơ bản so với cuối tháng 3. Lợi suất kỳ hạn 5 năm tăng mạnh lên mức 2,39%/năm so với mức 1,12% kể từ lần trúng thầu cuối năm ngoái.
Trên cơ sở đó, MBS dự báo lợi suất TPCP sẽ nhích tăng nhẹ trong các tháng tới khi nhu cầu phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước tăng theo kế hoạch tăng tốc giải ngân đầu tư công hỗ trợ nền kinh tế cũng như tài trợ vốn cho các khoản trái phiếu đáo hạn.
Về thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP tăng mạnh trong tháng. Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường TPCP thứ cấp giảm 16% so với tháng trước với tỷ trọng giao dịch repos (giao dịch mua bán lại) tăng dần.
Theo xu hướng trên thế giới, lợi suất TPCP thứ cấp 10 năm tại Việt Nam đã tăng trong thời gian gần đây. Cuối tháng 4, lợi suất kỳ hạn 10 năm đang ở mức 3,11%/năm, tăng 64 điểm cơ bản so với tháng trước, đồng thời lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng mạnh mức 2,11%/năm, tăng 37 điểm cơ bản. Đường cong lợi suất đang tiếp tục xu hướng tăng dần kể từ đầu năm.
Giao dịch trên thị trường TPCP thứ cấp kém phần sôi động so với tháng trước với khối lượng giao dịch bình quân ngày đạt 10 nghìn tỷ đồng, giảm 16%. Trong đó, giao dịch outright (giao dịch được thực hiện cho TPCP có kỳ hạn danh nghĩa trên 1 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành) chiếm 54% khối lượng trong kỳ với 109 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 5,4 nghìn tỷ đồng/ngày, giảm 30% so với bình quân tháng trước.
Khối lượng giao dịch repos bình quân tăng 10% so với tháng 3, đạt 4,5 nghìn tỷ đồng/ngày. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.194 tỷ đồng TPCP trong tháng. Khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 1.250 tỷ đồng TPCP trong năm 2022 và mua ròng 3.356 tỷ đồng TPCP trong 12 tháng gần nhất.
Về trái phiếu doanh nghiệp, số liệu của FiinPro cho thấy, trong tháng 4 đã có 17.092 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 4.600 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư MST phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất là 12%/năm. Nhóm ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất đạt gần 90% khối lượng phát hành trong tháng./.