Theo số liệu gần nhất, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,63% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tính đến 30/6, tăng trưởng tín dụng mà NHNN công bố đã lên tới 9,35%. Như vậy, tín dụng đã tăng chậm lại đáng kể trong 1,5 tháng qua. Đến thời điểm này, nhiều NHTM đã cạn room tín dụng nhưng NHNN vẫn chưa phân giao thêm hạn mức tăng trưởng mới. Nhiều ngân hàng đã phải bán bớt trái phiếu doanh nghiệp để có thêm dư địa tăng cung tín dụng.
Với mục tiêu tăng trưởng 14%, theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm khoảng 400 - 500 nghìn tỷ đồng. Con số này không phải là nhỏ. Việc kiểm soát room tín dụng là việc chẳng đặng đừng của NHNN khi nền kinh tế của Việt Nam có những đặc thù riêng và điều hành CSTT đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế cao, nếu NHNN không áp dụng cơ chế room tín dụng thì có thể tín dụng sẽ tăng quá nhanh, ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản, chưa kể chất lượng tín dụng, nợ xấu tiềm ẩn rủi ro tăng.
Trong thời gian qua, không chỉ WB mà nhiều tổ chức quốc tế liên tục cảnh báo quy mô tín dụng của Việt Nam quá cao so với quy mô của nền kinh tế, tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát đang tăng cao trên toàn cầu dưới sức ép của giá xăng dầu và giá lương thực. Trong khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên rủi ro nhập khẩu lạm phát cũng rất lớn. Do đó đòi hỏi công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thận trọng hơn.
“Việc kiểm soát room tín dụng trong bối cảnh hiện nay là phù hợp”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh và cho rằng NHNN sẽ tính toán các yếu tố và cấp thêm hạn mức tín dụng cho NHTM vào thời điểm hợp lý. Nhưng room tín dụng trong giai đoạn tới sẽ có sự phân hóa. Mức điều chỉnh room tín dụng của NHNN cho TCTD phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là sức khỏe tài chính, chất lượng tài sản; quy mô hoạt động ngân hàng… NHNN cũng sẽ xem xét yếu tố TCTD thực hiện chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như thế nào, đơn cử: Chương trình giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; tỷ lệ cấp tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản…
Chia sẻ về việc NHNN phải kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng, tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo NHNN cho biết, tín dụng là công cụ quan trọng để có thể điều tiết nhằm kiểm soát lạm phát trong thời gian vừa qua; đồng thời liên quan đến chất lượng hoạt động và an toàn của hệ thống TCTD. Mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay đã được NHNN tính toán theo đúng mục tiêu kiểm soát lạm phát và NHNN phân bổ room tín dụng theo chất lượng hoạt động của từng TCTD. Ngân hàng nào có xếp hạng cao thì được room tín dụng cao.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế của TCTD, NHNN cũng có cơ chế thưởng - phạt như sẽ trừ hạn mức tín dụng đối với TCTD không chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN. Lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian tới NHNN sẽ phân bổ nốt phần tăng trưởng tín dụng theo chất lượng và các tiêu chí đưa ra đối với TCTD để hướng tín dụng vào sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên. Đây là thời điểm để các TCTD cơ cấu tín dụng, lựa chọn phân khúc khách hàng.
Đồng tình với việc phân bổ dần hạn mức tín dụng trong các quý tới, TS. Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN - Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, động thái này giúp hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp vận hành nhịp nhàng, hài hoà trong tổng thể cùng với các yêu cầu về an toàn vốn. Chúng ta cũng cần thống nhất quan điểm, việc nới room tín dụng chỉ nên ưu tiên cho các ngân hàng tập trung cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ. Với những ngân hàng có dư nợ tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và cần tiếp tục tăng cường quản lý. Nền kinh tế đang phục hồi, nhưng chưa đồng đều, nên nắn dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ là mục tiêu hàng đầu…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc NHNN chưa nới room tăng trưởng tín dụng là phù hợp trước áp lực lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng không còn dồi dào. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không nên quá lo ngại về lạm phát trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy. Do đó, nếu khi chúng ta kiểm soát tốt giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Do vậy, theo TS. Lực, NHNN xem xét nới room còn lại cho các TCTD trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Đồng tình với đề xuất nới room, nhưng một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc tính toán tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, chứ không phải vì mục tiêu cho vay nhiều. Do vậy, về phía cơ quan quản lý sẽ phải xem xét liều lượng room tín dụng cho mỗi TCTD sao cho đảm bảo các mục tiêu trên.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, đồng thời bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều kiện thực tế, NHNN sẽ có giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo kiểm soát lạm phát. Hiện tại Vụ Chính sách tiền tệ đang phối hợp với Vụ, Cục liên quan để xem xét rà soát điều chỉnh room tín dụng của các TCTD và sẽ có thông báo gửi đến TCTD.
Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô là mục tiêu quan trọng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Các mục tiêu khác như tín dụng, hay tỷ giá... đều điều hành linh hoạt xoay quanh mục tiêu này. Room tín dụng sẽ phân bổ theo nguyên tắc từ trước đến nay.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú