Tín dụng âm vì dịch
Trong mấy năm gần đây, tín dụng thường tăng ngay từ những tháng đầu năm, cho dù mức tăng không cao do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên năm nay diễn biến hoàn toàn trái ngược lại khi mà tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.164.561 tỷ đồng, giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Trong đó, dư nợ tín dụng giảm chủ yếu ở một số ngành bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 như công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỷ trọng 16,48% GDP, và chiếm tới 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế; kế đến nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 13,96% GDP và chiếm 8,74% tổng dư nợ nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều chịu ảnh hưởng của dịch, trong đó có những ngành, lĩnh vực chịu tác động ngay và lớn như du lịch, hàng không, xuất khẩu nông sản…
Ngay cả các ngành sản xuất công nghiệp cũng đang chịu tác động không nhỏ khi mà nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử… đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam 253 tỷ USD năm 2019, riêng nhập từ thị trường Trung Quốc là 75 tỷ USD. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất công nghiệp đạt 14,9 tỷ USD; Nhóm hàng bông, xơ sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày… nhập từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỷ USD.
Phát biểu tại một cuộc hợp mới đây của Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cũng thừa nhận, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện - điện tử. Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Rõ ràng khi sản xuất - xuất khẩu bị đình trệ sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền trả nợ của các doanh nghiệp, nên cầu tín dụng cũng sẽ giảm theo.
Chưa nên điều chỉnh mục tiêu tín dụng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản 1117/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch COVID - 19 để thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch…; đồng thời cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.
Nhận định về các giải pháp hỗ trợ này của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia cho biết, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay là rất thiết thực với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bởi sản xuất - xuất khẩu bị đình trệ thì doanh nghiệp làm gì có doanh thu mà trả nợ, lãi vay.
Đặc biệt, việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ hãm lại đà tăng nợ xấu của các ngân hàng do dịch, từ đó khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ tích cực hơn cho doanh nghiệp. Còn với doanh nghiệp, việc được giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp doanh nghiệp không phải chịu lãi phạt quá hạn, không bị hạ điểm tín dụng.
Tuy nhiên, yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cho vay mới không có nhiều tác dụng do cả ngân hàng và doanh nghiệp đều ngần ngại. Với ngân hàng, chắc chắn họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng việc cho vay mới đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về sản xuất - kinh doanh nếu không muốn đối mặt với rủi ro nợ xấu. Còn với doanh nghiệp, trong bối cảnh sản xuất - xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, chắc chắn họ cũng không dám vay thêm.
Trong Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam vừa được công bố mới đây, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV dự báo, dịch bệnh này có thể khiến cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II/2020.
Thực tế đó đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay. Tuy nhiên theo một chuyên gia ngân hàng, chưa cần phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Thứ nhất, Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm nay, nên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng chưa thể điều chỉnh.
Thứ hai, dịch bệnh chỉ mang tính ngắn hạn. Sau dịch, mọi hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường, thậm chí các doanh nghiệp sẽ hoạt động khẩn trương hơn để bù lại những ngày trì trệ trước đó, kéo theo cầu tín dụng sẽ tăng.