Nhà đầu tư kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có thể duy trì mức 14%
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ tiếp tục được thể hiện và duy trì trong năm 2020, tập trung vào chất lượng thay vì tăng dư nợ cho vay. Bởi vậy, Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tăng thấp hơn so với giai đoạn 2016-2017 và tương đương năm 2018-2019, kỳ vọng không quá 14% cho năm 2020.
Các tỷ lệ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng thắt chặt theo lộ trình để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn. Tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động.
Những ngân hàng đã được NHNN công nhận đáp ứng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016 sẽ tiếp tục được ưu tiên trong việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Với các ngân hàng còn lại, do vốn tự có chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tăng của tín dụng, nhu cầu tăng vốn là cấp thiết để đáp ứng Basel II và các tỷ lệ an toàn khác. Theo đó, tín dụng sẽ tập trung phần lớn vào các TCTD có chất lượng tài sản tốt và tín dụng sẽ kém khả quan đối với các TCTD chưa xử lý xong nợ tồn đọng.
Về huy động, quy định về tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có thể tác động tới huy động vốn của các ngân hàng trong năm 2020. Tỷ lệ LDR tối đa đã được NHNN đưa về một mức quy định chung 85% cho cả ngành ngân hàng, mặt khác, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa sẽ giảm từ 40% về 37% vào 1/10/2020. Điều này đòi hỏi các NHTM đang có những tỷ lệ an toàn sát mức quy định thực hiện phương án điều chỉnh thích hợp về nguồn vốn huy động.
Các nhà phân tích chuyên về Đông Nam Á và Việt Nam của Maybank Kim Eng (MBKE) cũng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm nhẹ từ 7% năm 2019 xuống còn khoảng 6,6% vào năm 2020 và 2021.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, trong năm 2020, MBKE kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ: "Kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 25 điểm xuống còn 5,75% (từ 6,0%) vào năm 2020. Trong khi lãi suất chính sách hiện tại có vẻ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, việc cắt giảm thêm 25 điểm phần trăm sẽ tiếp tục hỗ trợ các cam kết của Chính phủ nhằm giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên".
Những động thái gần đây của NHNN như yêu cầu hạ mức trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, các ngành liên quan đến xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ cao) minh chứng cho kỳ vọng này.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt dòng tín dụng vào các lĩnh vực "nóng" (như bất động sản) thông qua các biện pháp vĩ mô (như tăng hệ số rủi ro) nhằm vào tài sản và các khoản cho vay tiêu dùng không bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng mục tiêu có thể được duy trì ở mức 14% trong năm 2020.
Về lạm phát, MBKE dự báo sẽ tăng nhẹ đạt 3,5% năm 2020 và 3,4% năm 2021 (so với mức 2,6% của năm nay). Đối với tỷ giá VND/USD, dự báo sẽ giảm từ mức 23.200 đồng năm 2019 xuống còn 23.000 đồng trong năm 2020.
Trong cuộc họp mới đây, NHNN khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm 2020 duy trì ở mức khoảng 14%. Theo đó, NHNN sẽ áp dụng chính sách xem xét cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng và những ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II sẽ được cấp hạn mức tín dụng ở mức cao hơn. Ngoài ra, các ngân hàng tham gia các dự án mang tính chất đặc thù của Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính… như phát triển nông thôn, hạn chế tín dụng đen,...
18 ngân hàng được ưu tiên
18 ngân hàng được chấp thuận đạt chuẩn Basel II gồm Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapitalBank, SeABank, LienVietPostBank, NamABank, BIDV, Standard Chartered Việt Nam và ShinhanBank.
Theo thống kê trong năm 2019, NHNN mới chấp thuận tăng hạn mức tín dụng cho ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng các ngân hàng đạt chuẩn Basel II được xem xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn là do bản thân các ngân hàng này đã quản trị rủi ro tốt, minh bạch trong hoạt động tài chính và kinh doanh. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao nhiều khả năng sẽ bị hạn chế room tín dụng. Các ngân hàng còn lại tăng trưởng tín dụng dao động từ mức 10 - 14%.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BVSC, các ngân hàng có xu hướng kiểm soát tín dụng, hướng đến tăng trưởng bền vững. Cơ cấu cho vay của ngành ngân hàng vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và xây dựng (tăng 9,1%), công nghiệp và xây dựng (tăng 29,5%), thương mại (tăng 21,9%). Đây là các lĩnh vực được ưu tiên cho vay của Chính phủ.
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản ổn định; hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững, bảo đảm khả năng chi trả bồi thường và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào huy động vốn phát triển kinh tế.
Tính đến ngày 20/12/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,1% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 11,3%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,5% (cùng kỳ năm 2018 tăng 11,5%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 12,1% (cùng kỳ năm 2018 tăng 13,3%). Trước đó, theo định hướng đầu năm của NHNN, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 không quá 14%.