Aa

Tăng trưởng tín dụng “ngóng” đầu tư công

Thứ Ba, 28/04/2020 - 05:55

Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 11%. Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, từ đó tăng nhu cầu tín dụng.

Theo CTCK VNDirect, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 1,3% vào cuối quý I, dù thấp nhất trong 6 năm nhưng đây là sự cải thiện lớn từ mức tăng 0,06% vào cuối tháng 2.

Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ như cắt giảm lãi suất cho phép hoãn thời hạn nộp thuế, yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã giúp tăng trưởng tín dụng có chút khởi sắc.

Theo kịch bản cơ sở, VNDirect hy vọng dịch Covid-19 sẽ dần được kiểm soát trong quý II. Do đó, tín dụng có thể tăng trở lại trong quý III, IV.

Từ đó, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 11%. Với kỳ vọng tăng trưởng GDP 5%, tỷ lệ tín dụng/GDP dự báo sẽ tăng từ 110% trong năm 2019 lên tới 116% trong năm 2020.

Tăng trưởng tín dụng sau đại dịch sẽ được hỗ trợ bởi 2 yếu tố. Thứ nhất là lãi suất điều hành và trần lãi suất thấp hơn, giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Vào tháng 3, Chính phủ đã hạ một loạt lãi suất điều hành 50-100 điểm cơ bản. Đến tháng 4, 20 ngân hàng (chiếm 75% tín dụng toàn hệ thống) đã tăng quy mô của các gói tín dụng lãi suất thấp, được thiết lập để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc hạ lãi suất cho vay khuyến khích các công ty vay mới để tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, từ đó tạo ra nhu cầu tín dụng. Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi tất cả các dự án đầu tư (8 dự án) liên quan đến đường cao tốc Bắc - Nam từ hình thức quan hệ đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, kiến nghị quốc hội cho phép bắt đầu xây dựng vào tháng 8/2020. Tuyến metro Bến Thành - An Sương dự kiến sẽ được thi công trở lại vào tháng 10. Đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm cho cả doanh nghiệp và người lao động, dẫn đến những nhu cầu tín dụng mới, phần nào hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.

Được biết, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mức cấp tín dụng thấp trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy giảm. Cơ quan này cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và TCTD khoảng 10,1% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 13% đầu năm đặt ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo CTCK BSC, NHNN đang đặt mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với nhu cầu tín dụng (BSC ước tính ở mức 10,5%) giúp tạo "room" cấp thêm tín dụng tùy tình hình biến động của kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ nền kinh tế. CTCK cũng cho rằng "room" tín dụng còn lại có thể được cấp vào cuối năm nếu lạm phát được kiểm soát tốt.

Trong quý I, NHNN đã hạ lãi suất điều hành hỗ trợ chi phí vốn và tăng lãi suất tiền gửi tại NHNN trong hệ thống.

Việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn. BSC ước tính việc này sẽ giúp toàn ngành tiết kiệm được 4,454 tỷ đồng, trong đó ACB (479 tỷ VND), BIDV (682 tỷ VND), VietinBank (746 tỷ VND),...

Trong khi đó, hạ lãi suất cho vay các ngành nghề ưu tiên sẽ không có tác động nhiều đến các ngân hàng do lãi suất cho vay các ngành nghề ưu tiên ở các ngân hàng đã ở mức thấp hơn mức trần.

Mặt khác, động thái tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc thêm 20 điểm cơ bản sẽ giúp các ngân hàng có thêm một phần thu nhập lãi, tuy không nhiều. BSC cho rằng tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng tại NHNN tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức 175.300 tỷ đồng, từ đó ước tính phần thu nhập lãi tăng thêm sẽ quanh 351 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top